Phẫu thuật cắt bướu giáp 'khổng lồ' cho một phụ nữ ở Điện Biên

Bệnh nhân Lò Thị A, 56 tuổi, sinh sống tại bản Loong Chuông, Na Son, tỉnh Điện Biên phát hiện bướu cổ cách đây 30 năm và chưa điều trị.
Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa phẫu thuật thành công ca bướu giáp "khổng lồ" qua đường cổ cho một bệnh nhân ở tỉnh Điện Biên.

Bệnh nhân Lò Thị A, 56 tuổi, sinh sống tại bản Loong Chuông, Na Son, tỉnh Điện Biên phát hiện bướu cổ cách đây 30 năm và chưa điều trị. Thời gian gần đây, bướu giáp to nhanh kèm theo xuất hiện nhiều triệu chứng chèn ép như khó thở, nuốt nghẹn, ho nhiều, thi thoảng xuất hiện cơn đau đầu.

[Ba người nước ngoài bị ngộ độc do trộn cồn vào bia để uống]

Bệnh nhân được người nhà đưa tới khám tại bệnh viện huyện sau đó được chuyển xuống Bệnh viện tỉnh Điện Biên và tiếp tục được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Sau khi thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bướu giáp khổng lồ đa nhân 2 thùy thòng trung thất. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, khối bướu thòng sâu trung thất lệch phải lấn đến quai động mạch chủ kích thước khoảng 10x10x20cm.

Phó giáo sư Trần Ngọc Lương-Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay bướu giáp khổng lồ gây nên tình trạng chèn ép, làm khí quản bị đẩy lệch sang trái, hẹp lòng đường kính, nơi hẹp nhất chỉ khoảng 8mm. Các bác sỹ tiên lượng quá trình gây mê, phẫu thuật khó đặt ống nội khí quản và dễ dẫn tới nguy cơ chảy máu do tổn thương động mạch chủ, tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch vô danh, hệ bạch huyết dọc 2 bên thành ngực.

Sau 4 ngày nhập viện và theo dõi bệnh nhân A. đã được tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, khối u lớn di chuyển sâu vào trong lồng ngực, rất nhiều mạch máu tăng sinh, nên khối u dính chặt vào tổ chức xung quanh rất khó bóc tách. Sau hai giờ, kíp mổ đã lấy ra thành công khối u lớn có đường kính 8x24cm mà không phải mở ngực.

Khối bướu giáp của bệnh nhân trước khi mổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Lương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết đây là trường hợp khá đặc biệt do bướu giáp chìm không dễ nhận ra. Bướu giáp phát triển sâu xuống lồng ngực, chỉ đến khi khối u chèn ép vào các thành phần xung quanh đặc biệt là khí quản, thực quản gây khó thở, khó nuốt bệnh nhân mới đi khám.

Bệnh nhân đi khám muộn, khi khối u đã to làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến và biến chứng hơn so với cắt bỏ bướu giáp thông thường.

Diễn biến sau phẫu thuật thuận lợi, bệnh nhân sau mổ 3 ngày đã có thể sinh hoạt khá bình thường mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân.

Con gái bệnh nhân cho hay, bà A. mắc bướu cổ từ năm 26 tuổi, tuy nhiên do thiếu hiểu biết đồng thời sinh sống tại khu vực miền núi cách xa trung tâm tỉnh, điều kiện đi lại và cuộc sống khá khó khăn ngại đi khám./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục