Phẫu thuật ghép thận lợn chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới cho người sống

Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết họ đã thực hiện thành công ca ghép thận lợn chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân bị suy thận và quả thận đã hoạt động tốt sau ca phẫu thuật.

Các bác sỹ tiến hành cấy ghép thận lợn đã biến đổi gene cho bệnh nhân. (Nguồn: Bệnh viện đa khoa Massachusetts)
Các bác sỹ tiến hành cấy ghép thận lợn đã biến đổi gene cho bệnh nhân. (Nguồn: Bệnh viện đa khoa Massachusetts)

Các bác sỹ phẫu thuật tại bệnh viện ở Massachusetts đã ghép thận của một con lợn biến đổi gene vào cơ thể người, đánh dấu một dấu mốc y tế có thể giúp ích cho hàng nghìn người mắc bệnh suy thận.

Các bác sỹ tại Trung tâm Cấy ghép Tổng hợp Massachusetts ở Boston đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ bằng cách sử dụng thận lợn đã được chỉnh sửa gene.

Các bác sỹ cho biết ca cấy ghép đã “thành công” và bệnh nhân dự kiến sẽ sớm được xuất viện.

Tiến sỹ Tatsuo Kawa, Giám đốc Trung tâm dung nạp cấy ghép lâm sàng Legorreta tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, cho biết thành công của ca cấy ghép này là tập hợp các nỗ lực của hàng nghìn nhà khoa học và bác sỹ trong nhiều thập kỷ.

Bác sỹ này bày tỏ hy vọng phương pháp cấy ghép mới sẽ mang lại sự sống cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới đang bị suy thận.

Trong hơn 5 năm, các nhà khoa học tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và công ty công nghệ sinh học eGenesis đã hợp tác tạo ra quả thận được chỉnh sửa gene để cấy ghép.

Các nhà nghiên cứu đã loại bỏ các gene có hại của lợn khỏi thận động vật và các retrovirus bất hoạt ở lợn hiến tặng có khả năng gây nhiễm trùng ở người.

Các nhà khoa học cũng bổ sung gene người vào thận để tăng khả năng tương thích với bất kỳ người nhận nào.

Vào ngày 16/3, bệnh nhân Richard Slayman đã nhận được quả thận biến đổi gene. Slayman, 62 tuổi, đang phải sống chung với bệnh thận giai đoạn cuối khi thận của bệnh nhân này đã ngừng hoạt động.

Khi thận của bệnh nhân này bắt đầu bị hỏng, ông ấy phải tiến hành chạy thận trong 7 năm, sau đó được ghép thận vào năm 2018, nhưng tiếp tục phải chạy thận vào tháng 5/2023 sau khi quả thận hiến tặng ngừng hoạt động.

Bệnh nhân này phải nhập viện và phẫu thuật do bị biến chứng khi chạy thận bao gồm xuất hiện một số cục máu đông trong động mạch.

Các bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã giải thích cẩn thận về quy trình thực hiện cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân này.

Slayman cho biết ông coi đó không chỉ là giải pháp giúp bản thân thoát khỏi căn bệnh này mà còn là cách mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần cấy ghép để sống sót.

ghep than lon 2.jpg
Bác sỹ lấy quả thận lợn đã biến đổi gene để chuẩn bị cấy ghép cho bệnh nhân. (Nguồn: Bệnh viện đa khoa Massachusetts)

Các bác sỹ tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts chia sẻ với tờ New York Times rằng bệnh nhân này đang hồi phục tốt khi quả thận được cấy ghép đang tạo ra nước tiểu và Slayman không còn phải chạy thận và có thể đi lại quanh bệnh viện.

Cấy ghép nội tạng động vật sang người, còn được gọi là cấy ghép xeno, có thể mang lại hy vọng cho hàng nghìn người vẫn đang chờ hiến tạng.

Theo Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng tại Mỹ (UNOS), cơ quan giám sát hệ thống cấy ghép nội tạng ở nước này, hơn 100.000 người ở Mỹ đang chờ ghép tạng, trong đó thận là cơ quan được yêu cầu cấy ghép nhiều nhất.

Việc cấy ghép xeno trước đây có nhiều rủi ro. Hai bệnh nhân ở giai đoạn nặng đã được ghép tim từ lợn vào năm 2022 và 2023, nhưng cả hai đều tử vong ngay sau khi phẫu thuật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Công nghệ AI trước cuộc đua chuyển hướng

Một kỷ nguyên mới đang đến khi các công ty AI đang chuyển hướng tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình hiện có và bổ sung cho chúng khả năng lập luận giống con người hơn.