Phép thử của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi công du châu Âu

Chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần tới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là phép thử với những mối liên kết hiện đang căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh thân cận.
Phép thử của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi công du châu Âu ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu với báo giới trước khi lên máy bay tới Brussels, Bỉ ngày 10/7. (Nguồn: EFE-EPA/TTXVN)

Theo AP, trong bối cảnh nền tảng trật tự toàn cầu do phương Tây thiết lập đang bị lung lay, chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần tới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là phép thử với những mối liên kết hiện đang căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất của mình.

Ngày 10/7, ông Trump sẽ bắt đầu hành trình công du 4 nước châu Âu giữa những tranh cãi sục sôi xung quanh vấn đề thương mại và chi phí quân sự với các nền dân chủ phương Tây và sự hoài nghi về việc liệu ông sẽ "công kích" hay "đồng lòng" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump sẽ gặp lãnh đạo Nga tại Helsinki - điểm đến cuối cùng sau các chặng dừng chân tại Bỉ, Anh và Scotland.

Ông Trump đã thể hiện sự thờ ơ với những mối quan hệ truyền thống khi công khai chỉ trích các nước NATO cách đây 1 năm vì đã không đóng góp đầy đủ cho quốc phòng, và còn đưa ra một “bản cáo trạng” về các đối tác thương mại phương Tây tại một hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở Canada hồi tháng trước.

Trong chuyến công du châu Âu lần này, sau khi gặp gỡ các lãnh đạo NATO ở Brussels, ông Trump sẽ tới Anh, nơi dự kiến diễn ra những làn sóng biểu tình trên diện rộng, trước khi chuyển đến một trong những khu nghỉ dưỡng có sân golf tại Scotland vào cuối tuần.

Trong quá trình chuẩn bị cho chuyến đi, Tổng thống Mỹ đã không làm gì nhiều để xoa dịu những lo ngại của phương Tây mà còn tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích mới với NATO, một liên minh quân sự liên chính phủ với 29 nước thành viên châu Âu và Bắc Mỹ.

Ông Trump tuyên bố trước một buổi míttinh ở Montana hồi tuần trước, nơi ông bày tỏ tiếc nuối rằng người Mỹ “đã quá khờ dại khi chi trả cho hầu hết mọi thứ: “Tôi sẽ nói với NATO rằng các bạn sẽ bắt đầu phải tự chi trả cho các hóa đơn của mình."

Tiếp đến, ông công kích Thủ tướng Đức Angela Merkel - người cũng sẽ có mặt tại Brussels tới đây - trong đó ông phàn nàn về việc Mỹ đã bỏ ra nhiều thế nào cho quốc phòng Đức.

Ông nói: “Bà biết đấy, Angela, tôi đã nói là tôi không thể đảm bảo được điều này, nhưng chúng tôi vẫn đang che chở cho các bạn, và nó có ý nghĩa rất nhiều với các bạn… Tôi không biết là chúng tôi đổi lại sẽ nhận được bao nhiêu đảm bảo từ sự che chở ấy."

[Tổng thống Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng khả năng gặp người đồng cấp Nga]

Cùng lúc, ông tuyên bố rằng “Putin ổn” và rằng ông đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh “để đời” của mình.

Giới chuyên gia lo ngại rằng chuyến công du lần này có thể là sự lặp lại những hành động từ chuyến công du nước ngoài vừa qua của Trump, nơi ông khiển trách các quốc gia đồng minh G7 tại một hội nghị thượng đỉnh ở Canada trước khi lên đường tới Singapore để đưa ra những lời tán dương về một trong những đối thủ lâu đời nhất của Mỹ là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

James Goldgeier, một chuyên gia nghiên cứu khách mời tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là giảng viên tại Đại học châu Mỹ, chuyên gia về NATO và các mối liên minh an ninh, nhận định: “Điều mà mọi người đang lo lắng về chuyến thăm này là ông ấy có những mối tương tác khó khăn đồng loạt với các đối tác NATO, trong đó có Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Mối lo ngại lớn nhất là ông ấy sẽ dùng hầu hết thời gian để chỉ trích họ vì đã không chi trả đầy đủ cho vấn đề quốc phòng, tiếp đến là sự thể hiện đầy thiện cảm với Putin, giống như điều mà ông đã làm với Kim Jong-un."

Goldgeier cũng nói thêm rằng nếu ông Trump tỏ ra nồng ấm với ông Putin hơn các lãnh đạo của liên minh quân sự đã được thiết lập để bảo vệ châu Âu trước các mối đe dọa của Liên Xô trước đây, thì đó “là một hành động gây xói mòn NATO, làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, suy yếu mối quan hệ của chúng ta với các đồng minh."

Ông Trump được cho là sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nước NATO để buộc họ phải thực thi các cam kết chi trả 2% GDP nước mình cho quốc phòng từ nay đến năm 2024. Ông Trump đã lập luận rằng các nước không đảm nhiệm phần chi trả công bằng của mình và đang "ăn bám" Mỹ và đe dọa sẽ ngừng bảo vệ họ nếu ông cảm thấy họ đã bỏ ra quá ít.

Ông Trump đã gửi thư đến các lãnh đạo của một số nước NATO trước thềm chuyến thăm này để cảnh báo rằng “ngày càng khó có thể giải thích cho người dân Mỹ hiểu tại sao một số nước lại không thể đảm bao những bổn phận an ninh tập thể chung của chúng ta."

Mối quan hệ giữa Mỹ và rất nhiều trong số các đồng minh lâu đời của Mỹ đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông Trump lên cầm quyền và áp dụng chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” của ông. Ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Hạt nhân Iran, đánh thuế vào các mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu, và còn đe dọa đánh thêm thuế vào các sản phẩm như điện thoại di động.

Phép thử của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi công du châu Âu ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị APEC diễn ra ở Đà Nẵng, Việt Nam. (Nguồn: Time)

Trong chuyến công du tới Anh ông Trump dự kiến sẽ tham gia một loạt sự kiện như dự bữa tối trang trọng với các lãnh đạo thương mại, một cuộc gặp với Thủ tướng Theresa May và một buổi tọa đàm với Nữ hoàng Elizabeth II.

Trước đó, cuộc họp giữa các lãnh đạo thế giới thuộc nhóm G7 tại Canada hồi tháng trước đã kết thúc trong tình trạng hỗn độn khi ông Trump bất ngờ rút lại sự tán thành của mình với Tuyên bố chung cuối cùng của nhóm sau khi ông rời đi và còn lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Canada Trudeau trong dòng tweet đăng tải trên chuyến bay lúc nửa đêm khi đang trên đường đến Singapore để gặp ông Kim Jong-un, một cuộc gặp được giới phê bình nhận định là đã hợp thức hóa Kim Jong-un trên trường quốc tế mà không đảm bảo được một con đường rõ ràng hướng tới phi hạt nhân hóa.

Jeffrey Rathke, Phó giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược phi đảng phái, nhận định: “Tổng thống (Trump) đã sẵn sàng nhượng bộ Kim mà không cần nhận lại bất cứ điều gì cụ thể."

Ông Rathke cho rằng quyết định này đã làm dấy lên một sự bất bình về những nhượng bộ mà Trump có thể sẵn sàng đem lại cho Putin mà không cần đếm xỉa đến NATO. Trong danh sách những điều mà Putin mong muốn, có một sự chấm dứt các cuộc tập trận quân sự của Mỹ tại châu Âu và rút gọn quy mô các lực lượng Mỹ tại đây. Cuộc gặp thượng đỉnh này còn mang lại cho ông Putin một cơ hội để thuyết phục Trump dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đã áp đặt với Nga liên quan đến việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea.

Ông Trump đã từng 2 lần gặp gỡ ông Putin với tư cách tổng thống Mỹ, trong đó có một cuộc gặp bên lề một hội nghị thượng đỉnh tại Đức kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Tuy nhiên, những kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh toàn diện đã bị trì hoãn do những cuộc điều tra của FBI và quốc hội để xem mối liên hệ giữa các cố vấn tranh cử của ông Trump với Nga có góp phần làm nên chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử hay không.

Với tuyên bố về mong muốn cải thiện quan hệ với Moskva, ông Trump đã một lần nữa làm dấy lên những nghi ngờ về những kết luận mà các cơ quan tình báo quốc gia đưa ra rằng Nga đã nỗ lực giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, dù Putin đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc đứng sau sự can thiệp này.

Các quan chức Mỹ cho biết lần gặp này, hai bên sẽ thảo luận về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, tình hình Ukraine và tình hình Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.