Phiên họp thứ 10 UBTV Quốc hội: Đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV; dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV; dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Khắc phục tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”

Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện đánh giá qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.

Các kiến nghị của cử tri đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội, từ những vấn đề cụ thể đang diễn ra có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân đến các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận, giải quyết và có văn bản trả lời 100% kiến nghị của cử tri (168 kiến nghị). Một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập pháp đã nêu tại báo cáo giám sát kỳ trước vẫn chậm được khắc phục như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 vẫn phải điều chỉnh nhiều; tình trạng gửi hồ sơ, tài liệu của dự án luật chưa đảm bảo thời gian theo quy định cũng chưa được cải thiện nhiều.

Hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật trong một số trường hợp, một số lĩnh vực vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới tập trung vào giám sát về tiến độ ban hành, số lượng văn bản cần ban hành, chưa chú trọng nhiều tới nội dung, chất lượng, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật.

Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết giám sát, kiến nghị sau giám sát còn chưa bài bản, thường xuyên nên hiệu lực, hiệu quả của một số hoạt động giám sát chưa được như mong muốn. Chưa kiến nghị để xử lý trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức nào khi không thực hiện đầy đủ nghị quyết, kết luận giám sát như yêu cầu của cử tri.

Việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn một số hạn chế nhất định, đôi khi còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, nên ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến nghị cử tri của các cơ quan của Quốc hội phục vụ công tác lập pháp, giám sát.

Báo cáo nhận định mặc dù số lượng kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành là rất lớn (3.119 kiến nghị, kỳ trước chỉ là 856 kiến nghị), nhưng Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất nỗ lực, tích cực trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri.

Kết quả toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ngay trong thời gian giữa hai Kỳ họp thứ 2 và thứ 3 của Quốc hội để kịp thời giải quyết những vấn đề mà cử tri tại nhiều địa phương quan tâm.

Cùng với việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, đối với 142 kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, kết quả đã giải quyết dứt điểm được 69/142 kiến nghị (đạt 49%) chủ yếu dưới dạng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nới một số văn bản.

Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đánh giáo cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban Dân nguyện đã hoàn thiện báo cáo tương đối đầy đủ trên nhiều lĩnh vực. Đề cập tới việc cần thiết tăng cường tổ chức các hình thức tiếp xúc cử tri khác nhau, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề xuất các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri đa dạng hơn, theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri... đã được pháp luật quy đinh để kịp thời khắc phục tình trạng cử tri “chuyên nghiệp,” “đại cử tri” như phản ánh của nhiều cử tri. Qua đó có điều kiện tiếp thu được nhiều ý kiến của cử tri thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, phục vụ tốt cho công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ông Hà Ngọc Chiến đề xuất báo cáo cần làm rõ các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng có đến với cử tri kịp thời hay không; phản hồi của cử tri về văn bản trả lời đã thỏa đáng hay chưa...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban Dân nguyện cần phân tích, làm rõ thêm nhận định trong báo cáo nêu việc giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn đọng, mặc dù các bộ, ngành đã tích cực cố gắng giải quyết dứt điểm được nhiều kiến nghị nhưng do nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề lớn, nhiều lĩnh vực; có vấn đề cần tổng kết, đánh giá từ thực tiễn; nguồn lực còn hạn chế nên chưa thể giải quyết ngay, đầy đủ những vấn đề cử tri kiến nghị. Công tác phối hợp của các bộ, ngành chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Kết quả việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành chưa được xem là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với Bộ trưởng, Trưởng ngành, nên đến nay vẫn còn 133 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo cáo cần phân tích làm rõ trong 133 kiến nghị còn tồn đọng, kiến nghị nào thuộc về chính sách pháp luật, kiến nghị nào thuộc về quản lý, chỉ đạo, điều hành; nội dung nào đã giải quyết, đang giải quyết và sẽ tiếp tục giải quyết thì báo cáo sẽ thuyết phục và có "sức sống" hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra thực trạng "chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh được trình còn hạn chế, đặc biệt tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết thi hành luật...; đánh giá tác động của một số dự án luật đôi khi chưa được triển khai có hiệu quả, còn mang tính hình thức"...

Nhấn mạnh, hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả, trả lời kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành chất lượng ngày càng cao và đi vào nền nếp, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thẳng thắn chỉ ra ở địa phương vẫn còn những tồn tại, bất cập trong giải quyết kiến nghị của cử tri.

Ông Võ Trọng Việt đề nghị với những kiến nghị của cử tri lặp đi lặp lại thì Ban Dân nguyện cần tập hợp lại để tăng cường giám sát. Việc trả lời kiến nghị không vòng vo, làm đẹp lòng nhau mà cần phải làm đến nơi, đến chốn.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu thực trạng, có những Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời không đi vào thực chất, vào đúng vấn đề mà cử tri quan tâm. Do vậy, nên chọn ra một số bộ, ngành để giám sát về việc trả lời kiến nghị của cử tri.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở những góp ý xác đáng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận.

Hơn 2.900 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 3.

Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV cho thấy Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2901 ý kiến, kiến nghị. Qua tổng hơp cho thấy, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tập trung vào 6 nội dung cụ thể: sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương sáu kiến nghị cụ thể. Trong đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép tài nguyên quốc gia; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc khai thác và sử dụng tài nguyên đúng quy định, đúng mục đích và tiết kiệm; sớm có các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng xói, lở bờ sông, ven biển tại các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung và Nam bộ, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo cơ sở để thực hiện và giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đề nghị chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm...

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao chất lượng Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 3 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, qua báo cáo, thấy được "lòng dân" từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung cử tri quan tâm xung quanh vấn đề về việc khai thác dưới hình thức hủy diệt tài nguyên biển; đảm bảo môi trường thủy, hải sản; vấn nạn buôn lậu xăng dầu, thuốc lá...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất các kiến nghị của cử tri cần được chia tỷ lệ cụ thể đối với từng lĩnh vực, để qua đó thấy được sự quan tâm của cử tri và nhân dân và cũng là căn cứ để so sánh với các kỳ họp khác. Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc phân chia như vậy sẽ thể hiện rõ được mức độ quan tâm của cử tri, nhân dân về từng lĩnh vực cụ thể. Các phần kiến nghị của cử tri, nhân dân cũng cần tách ra, gắn với từng chủ thể cụ thể. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ khi đánh giá tổng thể bức tranh chung về tình hình kinh tế-xã hội.

Tham dự cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết các bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đều theo đúng tinh thần phải có định lượng, hoặc là theo số lượng Đoàn, hoặc là theo số liệu thống kê. Sắp tới cần phân chia các kiến nghị, đề xuất theo từng lĩnh vực và mỗi lĩnh vực chiếm bao nhiêu % ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân. Muốn vậy cần thay đổi thực tế hiện nay, việc gửi ý kiến tổng hợp của các Đoàn đại biểu Quốc hội chưa thống nhất, đa số các Đoàn đã gửi bằng bản mềm, một số đoàn gửi bằng bản giấy nên khó khăn khi tổng hợp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân thống nhất ý kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo cần bảo đảm hợp lý về tương quan, mức độ; nêu rõ địa chỉ kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ hay chính quyền địa phương...

Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề về việc giải quyết chế độ, chính sách với nạn nhân chất độc da cam và vấn đề làm nhà ở cho người có công là nội dung rất được cử tri, nhân dân quan tâm. Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần sớm tập trung xem xét, giải quyết theo hướng có thể ưu tiên giải quyết những đối tượng đang mắc bệnh ung thư trước.

Cơ bản tán thành với Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu qua tiếp xúc cử tri cho thấy, cử tri và nhân dân rất quan tâm tới vấn đề tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh; thủ tục hành chính chưa chuyển biến tạo thuận lợi thực sự cho người dân và doanh nghiệp; người dân còn chưa hài lòng với thái độ phục vụ của công chức... Đây là những vấn đề báo cáo cần làm rõ và tới đây cần bàn thảo để có những chính sách cụ thể.

Sáng mai, theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục