Phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với nội dung thảo luận, cho ý kiến về Đề án Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư; báo cáo việc xây dựng Kỷ yếu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2002-2016.

Phiên họp còn có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo đánh giá chung của Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Đề án Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư, đề án đã nêu được sự cần thiết, mục đích yêu cầu, căn cứ xây dựng đề án, nhận diện 9 nhóm hành vi tiêu cực trong hành nghề luật sư; 9 loại nguyên nhân của tình trạng tiêu cực trong hành nghề luật sư, thực trạng công tác phòng, chống tiêu cực trong hành nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đề ra được 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phòng chống tiêu cực và lộ trình thực hiện.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đề nghị Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án cả về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và nội dung của đề án một cách toàn diện, cụ thể, chi tiết, đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn.

Đề án cần bám sát các quan điểm định hướng về vị trí, vai trò và yêu cầu đối với luật sư trong cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Quá trình xây dựng đề án, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần xác định sự cần thiết của việc xây dựng đề án là hoạt động hành nghề luật sư và các hoạt động tư pháp đều có chung mục tiêu là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nhà nước.

Tuy không phải là hoạt động của cơ quan nhà nước nhưng hoạt động nghề nghiệp của luật sư lại có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là một thành phần quan trọng trong hoạt động tranh tụng. Mặc dù luật sư không phải là chủ thể của hành vi tham nhũng nhưng có thể có các hành vi tác động bằng cách mua chuộc, giúp sức cho tiêu cực, tham nhũng ở các mức độ khác nhau như vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, việc xây dựng đề án cần nêu và phân tích sâu sắc, làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng được nêu trong các văn kiện của Đảng.

Từ thực trạng hành nghề luật sư hiện nay, các ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, đề án cần bổ sung những giải pháp mang tính tổng thể, giải pháp về thanh tra, kiểm tra kết hợp với tự quản của Liên đoàn Luật sư.

Có ý kiến cho rằng, trong đấu tranh, phòng chống tiêu cực trong hành nghề luật sư thì cơ chế phát hiện và xử lý có ý nghĩa quan trọng, là khâu then chốt nhưng trong đề án lại chưa đề cập cụ thể. Từ đó cho thấy, đề án cần nghiên cứu, bổ sung những giải pháp tổng thể, gắn với thực trạng phòng chống tiêu cực trong hoạt động luật sư.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cùng với nghề dạy học, nghề y, luật sư là một trong những nghề được xã hội tôn vinh. Trong lịch sử tư pháp của nước nhà đã có nhiều gương luật sư cống hiến cho cách mạng, cho đất nước.

Mang trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ, luật sư chân chính là đứng về lẽ phải, làm cho người phạm tội nhận ra được tội lỗi, khuyết điểm của mình để từ đó thành khẩn khai báo và sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Hoan nghênh những cố gắng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc hoàn thiện đề án, Chủ tịch nước đề nghị Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của Ban Chỉ đạo, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện đề án; xây dựng đội ngũ và hoạt động luật sư vì công lý, không tiêu cực, góp phần xây dựng “nền tư pháp vì dân.”

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng trong đội ngũ luật sư, đặc biệt lưu ý đến những nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực để từ đó có giải pháp phòng chống hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục