Theo trang mạng foreignpolicy.com, cuộc bầu cử Tổng thống Philippines ngày 9/5 với chiến thắng thuộc về ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ có những tác động đáng chú ý đối với chính sách đối ngoại của Manila.
Tân Tổng thống Marcos, biệt danh Bongbong, nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ các chính sách của cha ruột, cựu lãnh đạo độc tài Ferdinand Marcos, và người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, xây dựng một chính phủ có xu hướng giao thiệp với Trung Quốc và duy trì mối quan hệ gần gũi với Mỹ.
Ông Marcos đã liên tục ca ngợi những thành tựu của cha mình, một trong số đó là duy trì liên minh an ninh mạnh mẽ với Washington bất chấp những mâu thuẫn song phương.
Ông Marcos có quan điểm chính trị cũng khá tương đồng với ông Duterte, người đang tìm cách xoay trục khỏi Mỹ sang Trung Quốc. Vì vậy, trong nhiệm kỳ 6 năm tới của nhà lãnh đạo mới này, Washington tốt hơn hết là chuẩn bị tinh thần đối diện với một kiểu lãnh đạo “hời hợt” tương tự ông Duterte, người thân thiện với Trung Quốc nhưng không có ý định rõ ràng về việc loại bỏ mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines.
Tổng thống Marcos thậm chí có thể củng cố mối quan hệ này nếu sự quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông tiếp tục leo thang.
Bởi ông Marcos từ chối tham gia hầu hết các cuộc tranh luận tổng thống trong suốt chiến dịch tranh cử và không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về chính sách đối ngoại nên giới phân tích phần lớn vẫn phải phán đoán để xác định lập trường cụ thể của nhân vật này.
Tuy nhiên, trong năm nay, ông cũng đã tham gia một cuộc tranh luận lớn và một vài cuộc phỏng vấn trên truyền thông về chính sách đối ngoại. Nhìn từ đó, phản hồi của Tổng thống Marcos đối với các câu hỏi về chính sách đối ngoại của Philippines có thể phản ánh rõ ràng nhất những gì ông sẽ tìm kiếm trong chính sách đối ngoại khi tiếp quản chính quyền từ ông Duterte ngày 30/6 tới.
Xét ở cấp cao nhất, ông Marcos, giống như mọi nhà lãnh đạo Philippines, luôn tìm cách duy trì lợi ích quốc gia của đất nước bất chấp cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong cuộc tranh luận, ông nói: “Bất kể các siêu cường có những tham vọng gì, điều chúng ta làm cũng chỉ vì lợi ích của Philippines. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một phần của chính sách đối ngoại của các quốc gia khác. Chúng ta phải có chính sách đối ngoại của riêng mình.”
Tuyên bố này cho thấy ông định hướng Manila không gắn bó với liên minh với Washington cũng như sẽ không tạo ra mối quan hệ đối tác mới với Bắc Kinh. Thay vào đó, ông muốn định hướng một con đường trung gian để xoay xở hiệu quả trong cuộc cạnh tranh leo thang giữa các cường quốc.
Nhớ lại rằng trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc không lâu sau khi đắc cử, ông Duterte từng có một tuyên bố nổi tiếng rằng đã đến lúc “nói lời tạm biệt” với Washington.
Có thể hy vọng rằng dù có sự đồng điệu về quan điểm chính trị với ông Duterte, tân Tổng thống Marcos sẽ không đưa Manila đi theo con đường phải chọn bên.
Về hy vọng đạt được gì trong chính sách đối với Trung Quốc, ông Marcos nhấn mạnh trong cuộc tranh luận rằng Philippines ở một "điểm nóng" khi xét đến khía cạnh địa chính trị.
Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng Manila “sẽ không nhượng bất kỳ một inch vuông đất nào cho bất kỳ quốc gia nào khác, đặc biệt là Trung Quốc, mà sẽ tiếp tục giao thiệp và làm việc vì lợi ích quốc gia.”
[Chặng đường mới không trải hoa hồng của tân Tổng thống Philippines]
Quyết tâm của tân Tổng thống Marcos trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines trước Trung Quốc ở Biển Đông - nơi hai quốc gia có nhiều tuyên bố chủ quyền chồng lấn và ngày càng có xu hướng căng thẳng trong những năm gần đây - đang gây ấn tượng mạnh so với lập trường ủng hộ Trung Quốc không hề che giấu của ông Duterte trước những thách thức này trong suốt nhiệm kỳ.
Phải mất đến 4 năm, chính quyền ông Duterte cuối cùng mới thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 - một chiến thắng không chỉ cho Philippines mà còn cho luật pháp quốc tế và các chuẩn mực hành vi trên biển.
Ông Marcos có thái độ trung lập về phán quyết, chỉ đơn giản nói rằng vì Trung Quốc đã từ chối tham gia tòa trọng tài năm 2013, “phán quyết đã không còn khả dụng đối với chúng tôi.”
Đây không nên hiểu là sự bác bỏ phán quyết mà là một sự thừa nhận những khó khăn trong việc thực thi phán quyết mà không có sự hợp tác của Bắc Kinh.
Dù ông Marcos và gia đình có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nhà lãnh đạo mới từng lên tiếng lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông.
Việc ông Marcos nhấn mạnh sự cần thiết phải có “sự hiện diện của nhà nước” ở các khu vực tranh chấp cho thấy ông có xu hướng vận dụng liên minh Mỹ-Philippines để răn đe Trung Quốc, bởi mọi cuộc tấn công vào tài sản của nhà nước Philippines sẽ đều kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung.
Trong cuộc tranh luận, ông Marcos cũng lập luận về việc thể hiện quyết tâm ở Biển Đông. Ông cho biết mục tiêu "là để cho Trung Quốc thấy rằng chúng tôi đang bảo vệ những gì chúng tôi coi là lãnh hải của mình và mục tiêu là không bắn vào các tàu Trung Quốc.”
Ông cũng cho rằng Manila cần “làm cho người Trung Quốc hiểu rằng chúng tôi biết họ đang làm gì và chúng tôi không đồng ý với những gì họ đang làm, và chúng tôi sẽ tiếp tục thông qua các kênh ngoại giao cũng như các kênh khác để khắc phục vấn đề và đảm bảo không tái diễn.”
Một lần nữa, các tuyên bố của tân Tổng thống Marcos về Trung Quốc có phần cứng rắn hơn nhiều so với ông Duterte, dù là trong thời gian đầu cũng như hầu hết nhiệm kỳ của ông.
Về liên minh với Mỹ, ông Marcos cũng có những thể hiện khác biệt với ông Duterte. Tân Tổng thống Marcos gọi đây là "một liên minh rất quan trọng,” rằng liên minh “đã củng cố và hậu thuẫn chúng tôi trong hơn 100 năm, điều mà người dân Philippines không bao giờ quên, lý tưởng và ký ức về những gì Mỹ đã làm cho chúng tôi và chiến đấu với chúng tôi trong cuộc chiến cuối cùng.”
Ông Marcos dường như có những ý định hoàn toàn trái ngược với ông Duterte, người đã tìm cách phá bỏ liên minh một cách có hệ thống. Đây là một tín hiệu tốt cho Washington, một sự đảm bảo gần như chắc chắn về sự ưu tiên dành cho liên minh này trong nhiệm kỳ của ông Marcos.
Việc ông Marcos do dự để quân đội Mỹ can dự các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai với Trung Quốc không nên là một nguyên nhân khiến Washington lo ngại. Không giống ông Duterte, ông Marcos tỏ ra rất coi trọng liên minh này.
Trên thực tế, ông có thể hướng đến các nỗ lực để Manila tự lực cánh sinh nhiều hơn – một thay đổi mà nếu thành công cũng cần có sự ủng hộ của Washington. Điều này sẽ rất phù hợp với chiến lược mà chính quyền ông Biden đang thúc đẩy về cái gọi là răn đe tổng hợp, trong đó các đồng minh và đối tác của Mỹ phối hợp để ngăn chặn Trung Quốc và các đối thủ khác, như Nga.
Tất nhiên, tất cả mới chỉ đơn thuần là các tuyên bố. Tân Tổng thống Marcos sẽ phải có những hành động tương xứng với lời nói trong những năm tới để chứng minh rằng ông thực sự có kế hoạch bảo vệ chủ quyền của Philippines trước Trung Quốc và ưu tiên cho liên minh với Mỹ.
Những sự thật cơ bản về chính trường Philippines - cùng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trước các lợi ích của Manila ở Biển Đông, vốn không có dấu hiệu giảm bớt - đã khiến canh bạc chính trị thân Trung Quốc mà ông Duterte từng mạo hiểm trở nên sai ngay từ khi bắt đầu.
Ông Marcos có thể sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại của ông Duterte vừa đủ để tránh những cạm bẫy tương tự và tối đa hóa lợi ích chiến lược cho Philippines./.