Philippines tìm kiếm "sáng kiến ngoại giao" trong vấn đề Biển Đông

Philippines đang "cân nhắc các sáng kiến ngoại giao và thủ tục pháp lý mà luật pháp quốc tế cho phép," sau khi có tin Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí tại Biển Đông.
Philippines tìm kiếm "sáng kiến ngoại giao" trong vấn đề Biển Đông ảnh 1Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 22/12, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết nước này đang "cân nhắc các sáng kiến ngoại giao và thủ tục pháp lý mà luật pháp quốc tế cho phép," sau khi có tin về việc Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí tại các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - có trụ sở tại Washington, Mỹ) đưa ra báo cáo về các hoạt động quân sự hóa rõ rệt của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, bao gồm khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Phản ứng về báo cáo này, Ngoại trưởng Yasay cho biết chính phủ Philippines đang tiếp tục thu thập thông tin để xác minh. Ông khẳng định: "Philippines rất lo ngại nếu các thông tin này là đúng sự thật", đồng thời nhấn mạnh rằng "những hành động này sẽ chỉ làm gia tăng những căng thẳng vốn có."

Ngoại trưởng Philippines không tiết lộ chi tiết về các sáng kiến ngoại giao cũng như thủ tục pháp lý theo luật pháp quốc tế mà ông đề cập đến. Thay vào đó, ông nhắc lại quyết định của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte là gác vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sang một bên khi chưa có một "giải pháp sẵn sàng," đồng thời hướng tới khôi phục mối quan hệ về kinh tế và văn hóa xã hội giữa hai nước.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines đảm bảo rằng "trong khi gác lại tranh chấp tại Biển Đông, chúng tôi không thỏa hiệp về các quyền của mình được nêu trong phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7 vừa qua." Theo ông, khi có một "giải pháp sẵn sàng" trong tương tai, Philippines sẽ sử dụng phán quyết này làm cơ sở để thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình vì Tòa Trọng tài đã tạo ra các nền tảng pháp lý cho các đòi hỏi của Philippines./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục