Dự kiến vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - 30/4/2025, điện ảnh Việt Nam sẽ cho ra mắt phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Ê-kíp phim vừa tung poster và video hé lộ bối cảnh và nhân vật của phim. Video cho thấy phân cảnh một toán lính Mỹ đang rà soát trong rừng thì bị mai phục. Nòng súng của quân Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lặng lẽ xuất hiện và khai hỏa.
Nền rừng rung chuyển vì bom, dưới mặt đất, căn hầm của địa đạo cũng lên từng đợt. Xuất hiện trong ánh sáng leo lét là nhân vật Bảy Theo do Thái Hòa vào vai. Một người đồng đội của anh hớt hải chạy đến báo tin rừng đang cháy, tình thế bắt đầu trở nên căng thẳng.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã ấp ủ dự án phim suốt 10 năm, với mong muốn đem câu chuyện huyền thoại về trí thông minh và tinh thần quả cảm, tình yêu nước của người dân miền Nam lên màn ảnh rộng. Phim khởi quay trong tháng Hai năm nay.
Phim hứa hẹn khắc họa không chỉ điều kiện chiến đấu khó khăn, không cân sức trên mặt đất, mà còn cả điều kiện ngặt nghèo, ngột ngạt và nguy hiểm không kém dưới địa đạo.
Bên cạnh Thái Hòa, một số gương mặt xuất hiện trong ê-kíp còn có Hồ Thu Anh (Sài Gòn trong cơn mưa), Anh Tú (Ròm) và Quang Tuấn của loạt phim kinh dị Việt.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968, là nhà làm phim kỳ cựu với các tác phẩm như "Sống trong sợ hãi" (2005), "Chơi vơi" (2009), "Lời nguyền huyết ngải" (2012).
Phim của Bùi Thạc Chuyên thường được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và cách khai thác chất hiện thực.
Gần đây nhất trong 2022, phim "Tro tàn rực rỡ" của ông, dựa trên hai truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, đã lọt top 15 phim được đánh giá cao ở Liên hoan Phim Quốc tế Tokyo lần thứ 35. Phim còn thắng giải cao nhất (Khinh khí cầu vàng) tại Liên hoan Phim Quốc tế Ba lục địa (Le Festival des 3 Continents) trong cùng năm và được khán giả quan tâm, đón nhận trong nước.
Video first look của phim:
Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau tại huyện cùng tên, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, được dùng trong cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Trong giai đoạn từ 1965-1970, Củ Chi là một trong những địa phương có giao tranh ác liệt nhất. Gần như không một ngày nào nơi đây ngớt tiếng bom pháp. Quân đội Mỹ và ngụy liên tục càn quét, dội hàng ngàn tấn bom lên Chủ Chi, không ngừng tấn công vào địa đạo nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân ta.
Giới chuyên môn quốc tế đánh giá là đây một trong những công trình quân đặc biệt khoa học và kỳ vĩ nhất thế giới, là kỳ quan nghệ thuật quân sự độc đáo, thể hiện ý chí kiên cường của vùng “đất thép” đồng thời là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.