Phó Thủ tướng tiếp xúc cử tri chuyên đề với Công an tỉnh Thái Nguyên

Tại buổi tiếp xúc, đại diện cử tri là Công an tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh, kiến nghị với các đại biểu Quốc hội một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời ý kiến cử tri. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 20/11, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Thái Nguyên.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã thông tin tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, sau 18 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, Quốc hội đã thông qua 20 luật, nghị quyết; cho ý kiến vào 4 dự án luật; giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

[Bắc Ninh: Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại huyện Tiên Du]

Bày tỏ sự tin tưởng, vui mừng trước thành công của kỳ họp, đại diện cử tri là Công an tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự đổi mới, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đưa ra những quyết sách quan trọng của Quốc hội trong kỳ họp lần này, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cử tri nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Trần Trang/TTXVN)

Tại chương trình, đại diện cử tri đã phản ánh, kiến nghị với các đại biểu Quốc hội một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác như đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đến chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, nhất là đối với lực lượng Công an chính quy cấp xã; đề nghị quan tâm trang bị các thiết bị, máy móc và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm trên không gian mạng cũng như sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019; kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Đặc biệt, có cử tri đề nghị Quốc hội cần ban hành quy định về kỷ luật phát ngôn, văn hóa ứng xử trong phát biểu tại Quốc hội đối với các đại biểu Quốc hội, bởi tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đánh giá không đúng tình hình, nhận thức sai biện pháp công tác của lực lượng Công an nhân dân, có những phát biểu thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri là Công an tỉnh Thái Nguyên gửi đến Chính phủ, Quốc hội. Đây là những ý kiến đều trúng, chuyên sâu trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn của ngành Công an.

Đối với vấn đề an ninh mạng, Phó Thủ tướng cho biết, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, việc xây dựng Nghị định để triển khai Luật đã được các cơ quan liên quan họp bàn nhiều lần, tuy nhiên Chính phủ nhận thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm vì Luật này chịu sự tác động nhiều chiều, cả hoạt động trong nước lẫn đối ngoại nên cần phải xem xét kỹ để khi xây dựng Nghị định, triển khai Luật sẽ phát huy tối đa hiệu quả.

Về việc cử tri nêu có đại biểu phát ngôn còn chưa chính xác tại một số kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi đại biểu Quốc hội đều có quyền được phát biểu, chất vấn tại kỳ họp và phải tự chịu trách nhiệm về tính chân thực của thông tin mình đưa ra.

Ngoài ra, khi có những phát biểu chưa chính xác, các nhà lãnh đạo Quốc hội nhắc nhở ngay tại kỳ họp. Ngoài ra, đối với một số vấn đề được các cử tri nêu lên như: Chế tài, biện pháp xử lý hình thức kinh doanh đa cấp, hành vi mua bán linh kiện để lắp ráp thành súng tự chế…,Phó Thủ tướng tiếp thu, ghi nhận và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp để gửi đến Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét trong thời gian tới.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thông tin tới cử tri về tình hình phát triển kinh tế của đất nước từ đầu năm đến nay.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng dương. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam được nhiều trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Đối với hoạt động đối ngoại, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa là Chủ tịch Hiệp hội ASEAN, vừa là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mặc dù các Hội nghị đều phải thực hiện trực tuyến, những hoạt động đối ngoại năm 2020 tăng hơn so với năm trước.

Hoạt động trao đổi trực tiếp song phương tăng nhiều hơn, chỉ tính riêng 10 tháng năm 2020 đã có 30 cuộc điện đàm trực tiếp, trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao của nước ta với các nước khác.

Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam có hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng và là năm xuất siêu đạt mức cao. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ổn định, được nhiều nước chọn để chuyển dịch nguồn vốn đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục