Cơn báo tháo trên thị trường chứng khoán New York phiên đêm qua (13/1) đã chặn lại đà đi lên trong hai ngày trước đó và xóa đi hy vọng đang nhen nhóm trên các thị trường toàn cầu về một sự khởi sắc mới.
Không có một nhân tố rõ ràng nào đứng sau sự tụt dốc này của chứng khoán Phố Wall, chỉ biết rằng hoạt động bán ra cổ phiếu được bắt đầu sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới lại tiếp tục có thêm một tuần “đầy ắp,” khiến đà phục hồi của thị trường dầu thô bị chặn đứng và đẩy giá dầu Brent lần đầu tiên tụt xuống dưới mốc 30 USD/thùng kể từ tháng 4/2004.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu dầu giảm tại Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế về tổng thể đang chậm lại tại cường quốc này. Chuyên gia phân tích Michael James tại Wedbush Securities nhận định, sức tiêu thụ dầu là một chỉ dấu quan trọng cho thấy sức mạnh của một nền kinh tế.
Phần lớn các nhà giao dịch thường nhìn nhận việc giảm nhu cầu dầu như là một dấu hiệu cho thấy sự giảm sút trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa phiên 13/1, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 364,81 điểm (2,2%) xuống chốt phiên ở 16.151,41 điểm; S&P 500 trượt 48,40 điểm (2,5%) xuống 1.890,28 điểm và Nasdaq Composite lùi 159,85 điểm (3,4%) về 4.526,06 điểm.
Chứng khoán châu Âu đóng cửa phiên cùng ngày đã phần lớn tăng điểm nhờ được khích lệ từ số liệu thương mại tích cực của Trung Quốc.
Đóng cửa phiên này, hai thị trường London và Paris tăng lần lượt là 0,5% và 0,3%; trong khi thị trường Frankfurt (Đức) trượt nhẹ 0,3%./.