Phố Wall kết thúc tuần giao dịch nhiều biến động với mức tăng điểm cao

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 452 điểm (tương đương 1,4%) và trở lại ngưỡng tâm lý quan trọng 33.072,88 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 ghi thêm 1,7% lên kết thúc phiên ở mức 3.975,54 điểm...
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ phiên 26/3 khép lại tuần giao dịch nhiều biến động với mức tăng điểm khá cao, sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát của Mỹ không tăng cao như thị trường từng lo ngại trước đó.

Ở phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tới 452 điểm (tương đương 1,4%) và trở lại ngưỡng tâm lý quan trọng 33.072,88 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 ghi thêm 1,7% lên kết thúc phiên ở mức 3.975,54 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,2% lên 13.139,73 điểm.

Yếu tố chính tác động tới thị trường trong phiên này là báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho biết giá tiêu dùng đã tăng thấp hơn dự báo, chỉ ở mức 0,2% trong tháng Hai.

Điều này giúp dịu bớt lo ngại rằng các biện pháp kích thích của Chính phủ Mỹ sẽ khiến lạm phát phi mã và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Nhìn chung, Phố Wall đã có một tuần giao dịch nhiều thăng hơn trầm, với các phiên tăng giảm đan xen.

[Phố Wall sau một năm thăng trầm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19]

Trong phiên mở đầu tuần mới ngày 22/3, chứng khoán Phố Wall đi lên khi giá cổ phiếu công nghệ phục hồi sau đợt bán tháo gần đây, do đà tăng của lợi suất trái phiếu.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 0,32%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,7%, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhất với 1,23%.

Nhưng hoạt động bán tháo đã diễn ra trong phiên 23/3, do tâm lý hào hứng của giới đầu tư về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã bị lấn át bởi những lo ngại về sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 tại đây.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9%. Chỉ số tổng hợp S&P 500 lùi 0,8% trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất đến 1,1%.

Đà giảm tiếp tục trong phiên 24/3, khi các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động bán ra những cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ của năm ngoái, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ. Bình luận lạc quan của các quan chức Mỹ về đà phục hồi kinh tế cũng không thể ngăn đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ phiên thứ hai liên tiếp.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,01%. Chỉ số S&P 500 giảm 0,55% còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất tới 2,01%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng điểm trong ngày 25/3, với một phiên giao dịch đầy biến động khi thị trường chìm trong sắc đỏ trước khi phục hồi đi lên. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% còn chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,5%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,1%.

Với mức tăng khá mạnh trong phiên cuối tuần 26/3, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt ghi nhận mức tăng 1,4% và 1,6% cho cả tuần, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 0,6%.

Lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng cao đã gây sóng gió cho thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây. Nhưng bằng chứng về một nền kinh tế đang cải thiện đã giúp xoa dịu tâm lý các nhà đầu tư.

Phiên 26/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 1,62% lên 1,68%. Song mức lợi suất này thấp hơn mức đóng cửa hồi tuần trước là 1,729%.

Lợi suất tăng là một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng rằng lạm phát và nhu cầu kinh tế sẽ ổn định.

Một số chiến lược gia coi những số liệu kinh tế mới, đặc biệt là về giá cả tại Mỹ là chỉ dấu cho sự gia tăng tạm thời của lạm phát, qua đó ủng hộ niềm tin của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng ngân hàng trung ương này sẽ không mất khả năng kiểm soát đà tăng giá cả.

Nhà phân tích Sophie Griffiths của công ty tư vấn tài chính OANDA cho biết sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế đang thúc đẩy các thị trường chứng khoán tăng cao hơn.

Theo chuyên gia này, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tốt hơn dự báo, cùng doanh số bán lẻ ở Anh phục hồi và tâm lý kinh doanh mạnh mẽ hơn mong đợi tại Đức đang hỗ trợ thị trường đi lên.

Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đã cản trở kế hoạch mở cửa trở lại ở nhiều nền kinh tế lớn của châu Âu. Diễn biến này đã tạo ra những “cơn gió ngược” cho cả những nhà đầu tư lạc quan.

Khi tổng hợp lại, các yếu tố trên đang giúp thị trường dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng - vốn là bên đã thắng lớn trong thời kỳ đại dịch - sang những cổ phiếu giá trị có thể hoạt động tốt hơn trong một nền kinh tế đang cải thiện.

Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW cho biết khoảng thời gian nhiều bất ổn kéo dài từ giữa tháng Hai sắp kết thúc, đồng thời dự kiến các thị trường chứng khoán sẽ có một tháng Tư khá mạnh mẽ tới đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục