Sáng 13/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trình bày Báo cáo điểm lại tình hình thế giới và khu vực kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.
Các tham luận của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã nêu bật những thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, đánh giá cao công tác phối hợp giữa ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại và nêu phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Góp phần nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điểm lại tình hình thế giới và khu vực kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mới, phức tạp và khó lường hơn. 10 năm sau khủng hoảng toàn cầu 2007-2008, kinh tế thế giới đã phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Thương mại toàn cầu tăng 4,6%, cao nhất trong 7 năm qua. Sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo tác động bước đầu nhưng sâu rộng đến kinh tế thế giới, làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và quản trị cả ở tầm quốc gia và quốc tế, làm bùng nổ quá trình ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tạo thêm động lực cho toàn cầu hóa thông qua lưu chuyển thương mại, dòng người, dòng vốn và thông tin.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng đang gặp nhiều thách thức chưa từng có, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các nước lớn tăng cường cạnh tranh khốc liệt về kinh tế và công nghệ. Vấn đề nợ công của nhiều nước và “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ với một số nước đang trở thành những thách thức lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong những năm tới.
[Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần 30]
Về an ninh-chính trị, chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ thương mại và chính trị cường quyền nước lớn đang gia tăng. Một số điểm nóng ở các khu vực diễn biến phức tạp hơn. Tương quan lực lượng giữa các nước thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, song mặt hợp tác cũng gia tăng hơn trước. Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là nguy cơ bất ổn, phức tạp từ cạnh tranh chiến lược và kinh tế giữa các nước lớn, các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đang diễn biến gay gắt và khó lường. Trong thời đại thông tin, mạng xã hội có sức lan tỏa nhanh và rất khó kiểm soát, đang đặt ra những thách thức lớn đối với ổn định chính trị, kinh tế và xã hội, khiến các vấn đề trong nước có thể bị quốc tế hóa, bị lợi dụng để chống phá chế độ.
"Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có những thuận lợi cơ bản. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn như Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra. Cách mạng công nghiệp 4.0 và triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới đang tạo ra cơ hội quan trọng để nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cạnh tranh giữa các nước lớn ít có khả năng dẫn đến đối đầu trực tiếp về quân sự. Vai trò của các nước vừa và nhỏ ngày càng gia tăng ở khu vực," Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, ngành ngoại giao cùng các bộ, ngành, lực lượng, binh chủng trong lĩnh vực đối ngoại phấn khởi vì những cố gắng, nỗ lực trong hơn 2 năm qua đã đóng góp cho những thành tựu to lớn của đất nước, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; góp phần nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói của nước ta tại khu vực và trên trường quốc tế, tiếp tục củng cố thế đứng chiến lược của đất nước trong bối cảnh thế giới chuyển biến mau chóng.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, để có được những thành tựu đó, trước hết đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với công tác đối ngoại cũng như những chỉ đạo kịp thời, sự tham gia trực tiếp của các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những vấn đề đối ngoại lớn của đất nước đồng thời, các lực lượng đối ngoại, trong đó có ngành ngoại giao cũng ngày càng trưởng thành, chất lượng cán bộ ngày càng có nhiều cải thiện và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã từng bước nâng cao vai trò trong giải quyết những vấn đề quốc tế. Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong công tác quản lý, tham mưu chính sách đối ngoại cho Đảng và Nhà nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi, nâng tầm quan hệ với các nước.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, hoạt động khủng bố đe dọa an ninh quốc gia ngày càng nguy hiểm, sự chống phá của thế lực thù địch cùng vấn đề an ninh mạng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, dự báo chiến lược, nâng cao quan hệ với đối tác, bám sát chủ trương, chính sách của đảng về Hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các bên cần tăng cường phối hợp cơ hội để giải quyết những thách thức, xác định rõ đối tượng, đối tác quan trọng, nhạy cảm. Bên cạnh đó, các bên cần phối hợp triển khai đảm bảo bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị nội bộ trong nước và tại các cơ quan đại diện khỏi chống phá âm mưu của thế lực thù địch.
Khẳng định xu thế bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước, tham gia bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới của Việt Nam là phù hợp với xu thế của thời đại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng ngoại giao là lực lượng tiên phong trong công tác đối ngoại. Công tác ngoại giao và lực lượng ngoại giao là những đại diện tiêu biểu, là những chiến sỹ đi đầu và vô cùng quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bên cạnh đó, đối ngoại quốc phòng cũng là một bộ phận của ngoại giao quốc gia, góp phần duy trì, giữ vững quan hệ với các nước, tạo môi trường chiến lược về quốc phòng để ổn định, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân khẳng định, trong những thành tựu nổi bật của đất nước trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, những thành công và đóng góp của mặt trận đối ngoại-ngoại giao là vô cùng to lớn. Việt Nam đã duy trì được môi trường hòa bình, ổn định và các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, bảo vệ được độc lập, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích tổng thể quốc gia, dân tộc; củng cố được cục diện chiến lược, đưa quan hệ với các nước láng giềng đi vào chiều sâu, tăng cường quan hệ với các nước lớn, phát triển các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và mở rộng quan hệ với các đảng; tích cực phát huy vai trò sáng kiến tại các diễn đàn đa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Kết quả của công tác đối ngoại thời gian qua khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại và sự lãnh đạo của Đảng, có sự đóng góp trực tiếp của các lực lượng làm đối ngoại mà trong đó, ngành Ngoại giao giữ vai trò chủ công.
Đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Ngoại giao trong công tác triển khai các hoạt động song phương và đa phương, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định thông tin từ Bộ Ngoại giao rất quan trọng với Ủy ban Đối ngoại, giúp các chuyến thăm chu đáo và mang lại hiệu quả thực chất. Đạt được thành công này có một phần không nhỏ đến từ việc cơ quan Đối ngoại Quốc hội đã nghiêm túc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và sự phối hợp của trưởng Cơ quan Đại diện trong việc cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ, tổ chức thu xếp cho các đoàn cấp cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhấn mạnh, đứng trước những cơ hội và thách thức mới, công tác đối ngoại cần được đẩy mạnh, cụ thể là: Tăng cường công tác dự báo, phân tích, trao đổi thông tin, đặc biệt là liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia; đẩy mạnh Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác thương mại lớn; xây dựng chính sách để đối phó với cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các nước lớn; đẩy mạnh giải quyết các vấn đề nhân đạo; tích cực triển khai công tác giám sát, tham gia Điều ước Quốc tế, tăng cường công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng mong muốn Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp trong công tác tại diễn đàn Liên minh Nghị viện khu vực và thế giới, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các trưởng Cơ quan Đại diện trong công tác tổ chức đoàn và chuyến thăm cấp cao./.