Phong cách Fidel - Một con người có sức thu hút kỳ lạ

Theo lời nhà văn Colombia Garcia Marquez, tác giả “Trăm năm cô đơn” và nhiều tiểu thuyết nổi tiếng khác, người từng giành giải Nobel Văn học năm 1982, Fidel là người có một sức thu hút kỳ lạ.
Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba ở Havana ngày 19/4 vừa qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo lời nhà văn Colombia Garcia Marquez, tác giả “Trăm năm cô đơn” và nhiều tiểu thuyết nổi tiếng khác, người từng giành giải Nobel Văn học năm 1982, Fidel là người có một sức thu hút kỳ lạ.

Ông là người có năng khiếu hùng biện bẩm sinh và đặc biệt ham trò chuyện. Ông luôn chuyện trò không biết mệt, và khi mệt thì lấy việc trò chuyện làm phương cách nghỉ ngơi. Fidel luôn tìm đến ngọn nguồn của mọi vấn đề bất kể nó ẩn tàng nơi đâu.

Niềm hứng khởi tuôn trào trên diễn đàn ngẫu hứng là nét đặc trưng trong phong cách của ông. Ông thường bắt đầu bài phát biểu bằng giọng nói nhỏ nhẹ, như hụt hơi, như mơ hồ, nhưng bất chợt từ một chi tiết nào đó, ông nắm lấy và dần dần tăng tốc cho tới khi bỗng bứt lên và chiếm lĩnh người nghe. Được nghe ông nói chuyện là một điều thú vị đặc biệt mà chỉ những ai chưa từng trải nghiệm mới phủ nhận điều đó.

Fidel say mê đọc tất cả các loại sách về đủ mọi đề tài, ông có thể đọc bất cứ ở đâu. Trên ôtô của ông có thiết kế riêng một ngọn đèn rọi để ông có thể đọc bất cứ lúc nào. Fidel không có thói quen nghe trợ lý báo cáo tóm tắt các tin tức trong ngày, ông bao giờ cũng tự mình đọc và nghiên cứu trực tiếp các tài liệu cần cho công việc. Mỗi buổi sáng ông điểm tâm bằng hàng trăm trang tin tức đủ loại.

Ông thường đọc ngấu nghiến bất cứ quyển sách mới nào có được, mà người ta không hiểu ông lấy đâu ra thời gian để đọc, và bằng cách nào mà ông đọc nhanh đến thế, mặc dù ông luôn nói rằng chẳng có biện pháp gì đặc biệt cả. Nhiều khi buổi tối ông cầm một cuốn sách, và đến sáng hôm sau đã có thể bình luận về tác phẩm ấy. Ông đọc tốt các sách tiếng Anh, mặc dù nói không thạo.

Fidel ham viết và viết hay, ông từng có lần nói rằng nếu con người có kiếp sau thì ông sẽ theo nghề viết ở thế giới bên kia.

Jose Marti là tác giả những bộ sách gối đầu giường của ông, và chính ông là người đã đưa tư tưởng Marti vào mạch huyết của cuộc cách mạng Marxism. Phần cốt lõi trong tư tưởng của ông là niềm tin cho rằng công tác vận động quần chúng cơ bản cũng chính là việc quan tâm đến hoạt động của từng cá nhân. Điều đó giải thích vì sao ông luôn tin vào việc tiếp xúc trực tiếp.

Khi ông nói chuyện với những người dân ngoài đường phố, câu chuyện trở nên sinh động và chân thực như vốn có trong đời thường, người ta vây quanh ông, hỏi chuyện và tranh luận cùng ông, người ta reo hò, hỏi và đáp không ngừng trong một kênh thông tin trực tiếp chuyển tải sự thật. Và chính khi ấy chúng ta phát hiện ra một con người thật sự vĩ đại, điều mà ánh hào quang của hình ảnh được tạo dựng nhiều khi đã che lấp mất.

Người dân Cuba bình thường không mấy khi gọi ông bằng các chức danh nhà nước mà chỉ dùng cấp bậc “comandante” (thiếu tá, là cấp hàm cao nhất của quân khởi nghĩa, về sau được dùng theo nghĩa rộng là “tư lệnh,” người chỉ huy một đạo quân), hoặc đơn giản hơn, người ta chỉ gọi ông bằng cái tên thân mật Fidel!

Ông có cách diễn đạt riêng cho từng trường hợp và sử dụng cách thuyết phục khác nhau đối với từng đối tượng người nghe. Ông luôn biết đặt mình ngang tầm của người đối thoại, và luôn có đầy đủ thông tin và kiến thức để dễ dàng xử lý trong mọi hoàn cảnh. Đối với ông, các câu trả lời cần phải tuyệt đối chính xác, bởi vì ông có khả năng phát hiện ngay lập tức điều mâu thuẫn nhỏ nhất trong một câu nói bất kỳ.

Fidel có thói quen đối thoại rất nhanh. Ông thường đặt một loạt câu hỏi liên tiếp cho đến khi phát hiện được cái tại sao của cái tại sao, cho tới tận cái tại sao cuối cùng. Một lần có một vị khách nói với ông về số lượng gạo tiêu thụ của nước ấy, ông nhẩm tính và hỏi ngay: "Lạ nhỉ, sao mỗi người lại có thể ăn đến 2kg gạo một ngày?" Cách thường dùng của ông là hỏi về những vấn đề ông đã biết để khẳng định lại kiến thức của mình, và trong một số trường hợp là nhằm lượng định trình độ của người đối thoại để có cách ứng xử phù hợp.

Từ thời trai trẻ và cho mãi tới sau này, Fidel luôn chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, ông chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn và đặc biệt say mê môn bóng chày. Ông còn biết đá bóng, thích đánh cờ vua, bắn súng giỏi và luyện tập cả môn lặn săn cá dưới đáy biển.

Ông tự nguyện từ bỏ thói quen hút xì gà đã mấy chục năm để có thể làm gương trong phong trào chống nghiện thuốc lá. Ông cũng là người thích tìm hiểu về nghệ thuật ẩm thực và thường tự mình chế biến một vài món ăn khi có thời gian.

Fidel là người kiên nhẫn hiếm có, cũng là người luôn tuân thủ một kỷ luật nghiêm ngặt. Ông sẵn sàng đương đầu với tất cả mọi khó khăn. Chính vào lúc gặp những vấn đề nan giải nhất thì ông lại vui vẻ hẳn lên. Chả thế mà một người bạn tự cho là rất hiểu ông có lần đã hỏi một câu đầy nghịch lý: "Sự việc có vẻ gay cấn lắm hay sao mà trông anh lại phấn chấn thế?"

Fidel là một lãnh tụ vĩ đại, giản dị, trong sáng và luôn có những hoài bão lớn lao. Đó là một con người với năng lực tư duy siêu việt, luôn luôn trăn trở vì những ý tưởng khác thường. Ông mơ ước một ngày kia các nhà khoa học Cuba sẽ tìm được phương thuốc chữa ung thư. Ông tạo dựng một nền tảng ngoại giao của một cường quôc trên quốc đảo nhỏ bé của mình.

Óc tưởng tượng cực kỳ phong phú luôn đưa ông tới những điều không định trước. Về bản chất, ông là người luôn chống lại mọi giáo điều.

Tầm nhìn của ông cũng giống như của Simon Bolivar và Jose Marti về tương lai của Mỹ Latinh. Đất nước mà ông hiểu biết sâu sắc nhất ngoài Tổ quốc Cuba của mình, đó là Hoa Kỳ. Ông hiểu rõ tính cách người Mỹ, nắm rõ cơ cấu quyền lực, những ý đồ bên trong của chính quyền Mỹ. Chính vì vậy mà ông đã có thể chống chọi với mấy chục năm bao vây cấm vận trải qua nhiều đời tổng thống nước này.

Đối với báo chí, trong các cuộc họp báo hay trả lời phỏng vấn Fidel thường trả lời tất cả mọi câu hỏi đặt ra. Trước những câu hỏi “móc máy,” thậm chí mang tính chất “khiêu khích,” ông không bao giờ mất bình tĩnh, trái lại luôn sẵn sàng tranh luận, phản biện tới cùng để bảo vệ quan điểm của mình. Ông luôn tin rằng những con người được giáo dục tốt về lý tưởng là những người có khả năng làm thay đổi thế giới và thúc đẩy lịch sử tiến lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục