Phòng chống dịch COVID-19: Không điếc nhưng không sợ súng

Những đối tượng thiếu hiểu biết, “không điếc nhưng không sợ súng,” thực hiện hành vi sai trái, làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho phòng chống dịch COVID-19 cần phải bị xử lý nghiêm.
Cô gái trở về từ Deagu (Hàn Quốc) khai báo không thành khẩn để trốn cách ly. Ảnh chụp màn hình facebook.

Chính phủ và toàn dân đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra ( dịch COVID-19) trong đó có việc cách ly y tế đối với các trường hợp đi qua vùng dịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số cá nhân do suy nghĩ ích kỷ đã cố ý thực hiện, phổ biến những hành vi vi phạm, vừa gây hại cho sức khỏe bản thân, vừa làm phức tạp, khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch và gây nguy cơ cao lây lan COVID-19 cho cộng đồng.

Live stream trên facebook ngày 25/2 của N.T. T., ở Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương vừa khiến cộng đồng phản ứng gay gắt.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, người phụ nữ này chia sẻ bí quyết khai báo y tế không trung thực để được nhập cảnh từ vùng dịch tại Hàn Quốc về Việt Nam và không phải cách ly y tế theo quy định.

Câu nói nhiều lần lặp lại của N.T.T “những người không thông minh là những người đã bị cách ly. Còn những người thông minh như em thì đâu có bị cách ly. Phụ nữ phải sống bằng cái não!” được hiểu như một sự khoe “chiến công,” phổ biến công khai việc trốn cách ly.

Ngay sau đó, N.T.T đã được kiểm tra sức khỏe và không có dấu hiệu mắc COVID-19. Ngày 26/2, ngành y tế Bình Dương đưa người phụ nữ này đến khu cách ly tập trung của tỉnh để thực hiện cách ly trong 14 ngày, đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ của N.T.T, lên danh sách tất cả những người đã có tiếp xúc gần với trường hợp này để khoanh vùng và giám sát sức khỏe trong những ngày tới.

Sự việc trên đã khiến nhiều người lo ngại đặt vấn đề: Liệu có còn các trường hợp khác đã làm như N.T.T và những hậu quả khôn lường!

Phản ứng của cộng đồng là hoàn toàn có thể hiểu được! Từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực tế cho thấy, ngoài trường hợp N.T.T còn có một số cá nhân khác thuộc diện phải cách ly y tế nhưng do thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh, do suy nghĩ ích kỷ, thiện cận, đã cố ý không tuân thủ quy định.

[Bình Dương đã cách ly cô gái đến từ vùng dịch mà không khai báo y tế]

Đó là trường hợp N.T.D (44 tuổi, trú tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) bỏ trốn khỏi khu vực cách ly phòng chống dịch COVID-19 tại Trung đoàn 124 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn với lý do “còn một đống hàng;” trường hợp bà H.T.H (63 tuổi), đi từ vùng dịch Vĩnh Phúc về Quảng Ngãi nhưng không hợp tác cách ly 14 ngày với lý do mưu sinh.

Mới đây là trường hợp 22 khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng từ vùng dịch Daegu của quốc gia này đã không chấp hành quy định cách ly ở Bệnh viện Phổi với lý do, họ không bị bệnh và đến Đà Nẵng để tham quan du lịch chứ không đến để vào khu cách ly.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết căn cứ vào Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, trong trường hợp người nhiễm hoặc có khả năng mang virus của bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được phân loại là mức độ nghiêm trọng nhất thì phải thực hiện khai báo y tế, cách ly.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức y tế bảo vệ sức khỏe người dân phải có biện pháp, giải pháp cách ly những trường hợp này nhằm tránh dịch bệnh phát tán, lây lan.

Trường hợp không chấp hành lệnh cách ly là vi phạm quy định pháp luật và có thể đối diện với hình phạt hành chính theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Bình, những trường hợp có hành vi không khai báo hoặc khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó mức án phải chịu cao nhất là 12 năm tù.

Có thể thấy, nỗ lực của Chính phủ cùng toàn dân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang giúp Việt Nam có kết quả tích cực.

Tính đến ngày 26/2, tất cả 16 trường hợp nhiễm bệnh tại Việt Nam đã được điều trị khỏi và xuất viện; 31 trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi, cách ly; 5.675 trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Từ ngày 13/2 đến nay, cả nước không xuất hiện thêm bệnh nhân mới nhiễm dịch bệnh này.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn không lơ là, chủ quan trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan rất nhanh, chưa có vắcxin đặc trị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh và cách ly y tế, vẫn là yếu tố quan trọng tại thời điểm này.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát, tránh việc người nghi nhiễm dịch COVID-19 tự ý rời khỏi nơi cách ly; bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly nhưng không thực hiện hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở ở các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Cả nước đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong khi đó lại có những đối tượng thiếu hiểu biết, “không điếc nhưng không sợ súng”, thực hiện những hành vi sai trái, làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Những đối tượng này cần bị xử lý nghiêm theo pháp luật!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục