Trong những ngày đầu tháng Sáu, khi người làm báo cả nước đang hân hoan hướng tới dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thì vẫn có những phóng viên bị hành hung, đập phá máy quay ngay khi đang tác nghiệp.
Nghề báo chưa bao giờ hết nguy hiểm. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, người làm báo lại càng đối mặt với nhiều khó khăn, càng phải tự đặt ra cho mình nhiều thách thức để có những sản phẩm thật hay, thật độc đáo, “không đụng hàng”. Chỉ có như vậy thì báo chí mới có thể neo mình trong lòng độc giả, trụ vững trong cơn lốc thông tin.
Để làm được điều đó, phóng viên phải xông xáo hơn khi tác nghiệp, tinh tường hơn khi nhận diện vấn đề, cũng có nghĩa là đối mặt với những rủi ro lớn hơn cho bản thân.
Thâm nhập điểm nóng với ‘cái đầu lạnh’
Trong quãng thời gian hơn 11 năm công tác tại Báo Điện tử VietnamPlus, trực tiếp triển khai hàng chục loạt bài phóng sự điều tra, với phóng viên Võ Mạnh Hùng, việc thâm nhập vào các “điểm nóng” trên cả nước với “cái đầu lạnh” để thu thập thông tin là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi loạt bài.
Với loạt bài phóng sự “Ma trận vàng đen trong cơn khát năng lượng,” Hùng thâm nhập khu vực buôn lậu than với nhiều vai khác nhau như sinh viên địa chất, phu than, thương lái buôn than…
Hầu hết tại các “điểm nóng” luôn có sự xuất hiện của các đối tượng bảo kê bặm trợn, hệ thống camera cùng những chú chó hung dữ canh gác nghiêm ngặt. Bởi thế, nếu không may bị lộ thân phận, tính mạng của phóng viên ắt sẽ gặp nguy hiểm.
Hùng không bao giờ quên được chuyến đi thực tế tìm hiểu con đường xuất lậu than sang Trung Quốc vào cuối năm 2018. Anh đã vào vai một tay buôn đang cần hàng, liều lĩnh lên xe của một “bà trùm” than lậu khét tiếng ở vùng đất mỏ Quảng Ninh, luôn có 3-4 đệ tử bên cạnh.
“Suốt quãng thời gian 30 phút ngồi trên xe hôm đó, tôi đã trải qua những ‘bài kiểm tra’ lai lịch của những thanh niên ‘hổ báo’, trước khi đặt chân xuống lãnh địa của bà trùm than lậu,” Hùng kể.
Thật may, với kho thông tin được chuẩn bị sẵn, Mạnh Hùng đã vào vai trót lọt, thu thập được rất nhiều thông tin quan trọng. Loạt bài này sau đó đã được trao Giải A Giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2019 và Giải B Giải báo chí Toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ nhất-năm 2018-2019.
Việc thâm nhập vào các điểm nóng, đối mặt với hiểm nguy là một phần tất yếu của nghề báo. Song, có những lúc, phóng viên chưa kịp lên kịch bản thì đã phải dấn thân vào vòng xoáy thời sự, ẩn chứa nhiều rủi ro, đòi hỏi họ phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.
Ví dụ mới đây nhất là vụ một nhóm đối tượng tấn công vào trụ sở ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm nhiều cán bộ, chiến sỹ, người dân thương vong.
Phóng viên Tống Thị Hoài Thu, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Lắk là người phụ trách địa bàn Huyện Cư Kuin. Sáng 11/6, khi nắm được thông tin, ngay lập tức Hoài Thu đã nhận thấy đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong vòng 20 năm trở lại đây.
Hoài Thu đã trình bày với Trưởng Cơ quan thường trú Phan Anh Dũng để báo cáo lên ''Tổng xã.'' Ngay lập tức, nhà báo Phan Anh Dũng cùng các phóng viên Nguyễn Tuấn Anh và Nguyên Dung đã cùng Hoài Thu bám sát địa bàn. Ngày hôm sau, cơ quan thường trú có thêm hai phóng viên tăng cường là Quang Thái (Cơ quan Thường trú tại Gia Lai) và Hưng Thịnh (Cơ quan Thường trú tại Đắk Nông).
Kể từ đó, các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã lăn xả vào nơi đạn đang bay, pháo đang nổ để sát cánh cùng lực lượng an ninh tại địa phương truy quét các đối tượng đồng thời nhanh chóng thực hiện tin bài, chụp ảnh, quay phim gửi về Tổng xã.
Hoài Thu đã dày dạn kinh nghiệm xông xáo các vấn đề gai góc, song có lẽ đây là vụ việc ám ảnh nhất trong 12 năm làm báo của chị.
“Tôi thấy rợn người vì hành động tàn nhẫn của các đối tượng; xót xa trước hoàn cảnh của các gia đình nạn nhân; đau đớn khi trong số những người thiệt mạng có hai cán bộ xã - hai người anh luôn nhiệt tình hỗ trợ tôi trong công việc. Tôi bỗng quên cả sợ hãi, chỉ có sự đau xót, phẫn nộ, ý thức trách nhiệm của phóng viên thôi thúc tôi làm việc,” Hoài Thu tâm sự.
Với phóng viên Nguyên Dung thì đây là lần đầu tiên cô tham gia tác nghiệp trong một vụ việc nguy hiểm như vậy. Khó khăn nhất của Dung là sắp xếp công việc gia đình vì cô đang nuôi con nhỏ, hơn 6 tháng tuổi và bé vẫn đang ăn sữa mẹ.
“Sự việc vừa qua đau đớn, mất mát quá nhiều khiến chúng tôi ai nấy đều gồng sức, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, qua đó lên án tội ác của các đối tượng để phần nào vơi đi nỗi đau của gia đình các chiến sỹ. May mắn là tôi có gia đình hỗ trợ và các anh chị đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan thường trú luôn đồng hành,” Dung chia sẻ.
Làm gì để vững vàng ‘đi trên dây’
Cho đến nay, chuyên án ở Đắk Lắk chưa kết thúc nhưng nhìn chung, Cơ quan thường trú Đắk Lắk đã thực hiện khá tốt thông tin về vụ việc. Bằng chứng là trong chưa đầy một tuần, các phóng viên đã liên tục tác nghiệp để gửi về ''Tổng xã'' gần 100 sản phẩm thông tin (tin văn bản, ảnh và video) để những thông tin chính thống và chuẩn xác lan tỏa kịp thời tới hệ thống báo chí và công chúng trong và ngoài nước, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Nhìn lại những ngày tác nghiệp căng thẳng vừa qua, nhà báo Phan Anh Dũng khẳng định đội ngũ phóng viên đã triển khai thông tin bài bản, đúng định hướng, tuân thủ kỷ luật thông tin; trong quá trình tác nghiệp luôn chủ động, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
“Ngày đầu tiên có lẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với nhóm phóng viên bởi vụ việc xảy ra bất ngờ, có tính chất dã man, các đối tượng manh động vẫn còn lẩn trốn đâu đó với vũ khí ‘nóng’. Trong khi đó, phóng viên không được trang bị áo chống đạn hay thiết bị bảo hộ. Quả thực, tôi đã rất lo lắng cho an toàn của các phóng viên,” nhà báo Phan Anh Dũng chia sẻ.
Nhà báo Phan Anh Dũng cho rằng ngay từ đầu, cơ quan thường trú đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện thông tin về sau. Trưởng Cơ quan thường trú đã báo cáo ngay với Giám đốc Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam khu vực Miền Trung-Tây Nguyên để báo cáo lên cấp cao hơn và nhận chỉ đạo.
“Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành, trực tiếp là Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang và Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung, các ban biên tập, cơ quan khu vực và cơ quan thường trú đã phối hợp với nhau nhịp nhàng. Trong suốt tuyến thông tin, phóng viên luôn bám sát địa bàn, phối hợp cùng cơ quan chức năng nên nhanh chóng nắm bắt được các tin tức và cũng hạn chế nguy hiểm khi dấn thân vào điểm nóng trên địa bàn,” nhà báo Dũng cho hay.
Có câu nói “Muốn tả một miếng bít tết không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ đang sôi”, tinh thần dấn thân của các nhà báo rất đáng trân trọng, song dấn thân không có nghĩa là liều mạng, bất chấp sự an toàn của bản thân và đồng nghiệp một cách không cần thiết.
Nhà báo Võ Mạnh Hùng (Báo Điện tử VietnamPlus) cho rằng đối diện với đề tài gai góc, phóng viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tự bảo vệ được bản thân.
Những việc cần làm gồm có: Tìm hiểu kỹ thông tin về địa bàn, quyết tâm đeo bám vấn đề; biết nhập vai; chuẩn bị thiết bị ghi âm, ghi hình cần thiết; tạo dựng mối quan hệ với cơ quan chức năng gần nhất, đề phòng khi xảy ra sự cố, rủi ro có thể nhờ can thiệp kịp thời; và một điều quan trọng nữa là cần “điểm tựa” tinh thần từ lãnh đạo cơ quan, tòa soạn…
“Khi thực hiện loạt bài điều tra, nhà báo không khác gì đi trên dây, chỉ cần một tác động nhỏ cũng sẽ làm cho mình lung lay, nếu không làm chủ được tình huống thì sẽ đổ gục bất cứ lúc nào,” Mạnh Hùng tâm sự.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, nhà báo Chu Trung Đức (Đài Tiếng nói Việt Nam), từng được nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia cho loạt bài “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?” cho rằng chính những người làm báo và những người cản trở hoạt động báo chí đều thiếu hiểu biết về luật mà những vụ tấn công, hành hung phóng viên là ví dụ cụ thể.
“Tôi mong rằng Luật Báo chí sẽ sớm được bổ sung, sửa đổi bởi còn nhiều quy định khá mơ hồ, chẳng hạn hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật là thế nào, phóng viên có được quyền ghi hình trong phạm vi sở hữu doanh nghiệp, người dân hay không; có được ghi âm, ghi hình giấu kín mà không báo trước,” nhà báo Chu Trung Đức nêu quan điểm.
[Báo chí tiếp tục đổi mới, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng]
Anh cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam, tòa soạn, lãnh đạo cần sát cánh với phóng viên, không để phóng viên tác nghiệp đơn độc. Ngoài ra, các vụ việc đe dọa, hành hung, cản trở nhà báo cần được xử lý nghiêm minh để răn đe, tránh “nhờn” luật.
“Ngoài những nắm đấm, phóng viên còn phải ứng phó với ‘áp lực mềm’ bao gồm những lời dỗ dành, mua chuộc thông qua vật chất hoặc sự nhờ vả, tác động thông qua các mối quan hệ. Bạo lực vẫn luôn là trở ngại nhưng trở ngại lớn nhất với nhà báo vẫn là làm thế nào duy trì được ngòi bút trung thành với sự thật,” nhà báo Chu Trung Đức nói.
Khẳng định sức mạnh của dòng thông tin chính thống
Giữa “xa lộ” thông tin nhộn nhịp ngày nay, dòng thông tin chủ lực của các cơ quan báo chí chính thống luôn có vai trò vô cùng quan trọng. Trong số đó, Thông tấn xã Việt Nam luôn là cơ quan báo chí được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, lựa chọn là đơn vị thông tin chính thống, là “ngân hàng” tin tức cho các cơ quan khác, cũng là cơ sở để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc.
Theo bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, việc kiểm chứng thông tin hay khai thác thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền luôn là một phần quan trọng của quy trình tác nghiệp. Bởi thông tin có kiểm chứng và thông tin được lý giải bởi những nguồn tin có thẩm quyền sẽ giúp cho công chúng có căn cứ để giải quyết vấn đề hay ứng xử phù hợp.
Thực tế cho thấy nếu cơ quan báo chí đưa ra thông tin thiếu chuẩn xác hay không có căn cứ về vấn đề dư luận đang quan tâm có thể tạo ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, đặc biệt khi chúng ta sống trong kỷ nguyên số, tốc độ chia sẻ thông tin là vô cùng nhanh chóng.
Để có thể đạt được uy tín như hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam luôn bám sát các nội dung chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Lãnh đạo cơ quan và các đơn vị giao ban trực tiếp hàng ngày và trực tuyến khi có sự kiện quan trọng, đột xuất.
Lãnh đạo các đơn vị lại trao đổi trực tiếp với phóng viên tại hiện trường để nắm bắt tình hình cụ thể để có căn cứ đưa ra các quyết định phù hợp. Ở chiều ngược lại, các phóng viên cũng nhận được chỉ đạo kịp thời từ lãnh đạo để tổ chức tác nghiệp. Hơn thế nữa, thông qua kênh trao đổi trực tuyến, các đơn vị liên quan đưa ra các phương án phối hợp, hỗ trợ phóng viên tại địa bàn.
Nhờ công nghệ số, việc chỉ đạo thông tin trực tuyến vừa giúp tăng cường sự phối hợp giữa các “binh chủng” thông tin trong ngành, vừa giúp chuyển đổi trạng thái hoạt động một cách kịp thời. Chính những điều này đã giúp Thông tấn xã Việt Nam triển khai thông tin đa dạng, chuẩn xác và kịp thời, kể cả trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, hay trong các vụ việc an ninh trật tự bất thường thời gian qua.
Đơn cử như vụ nổ súng ở Đắk Lắk vừa qua đã cho thấy sự hiệu quả từ cách tổ chức thông tin cùng với việc kết nối kịp thời. Các phóng viên hiện trường tiếp cận với lãnh đạo địa phương và người dân, trong khi phóng viên chuyên trách bám sát nguồn tin từ Chính phủ. Cùng với đó, phóng viên theo dõi ngành tại ''Tổng xã'' giữ mối liên hệ chặt chẽ với Bộ Công an; phóng viên thường trú ở một số địa bàn lân cận theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được phân công để phối hợp triển khai thông tin.
“Việc thông tin chuẩn xác và kịp thời về vụ nổ súng ở Đắk Lắk đã trấn an người dân, tạo điều kiện để người dân hợp tác với chính quyền nhằm tìm ra tung tích kẻ ác sớm nhất có thể. Cùng với đó, những tiếng nói vô căn cứ của thế lực thù địch mong lợi dụng vụ việc này để tạo thanh thế càng trở nên lạc lõng,” nhà báo Vũ Việt Trang nhấn mạnh./.