Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cơ quan thông tấn nhà nước được hình thành.
Ngày 15/9/1945, những bản tin phát đi toàn thế giới nội dung văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử và danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của cơ quan thông tấn nhà nước Việt Nam đầu tiên, với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã, tức Thông tấn xã Việt Nam ngày nay.
Tháng 9/1947, Phòng Truyền tin vô tuyến thuộc Sở Thông tin Nam Bộ được thành lập tại xã Hậu Thạnh, trên kênh Dương Văn Dương-Đồng Tháp Mười.
Phòng có nhiệm vụ thu, phát tin trong nước và thế giới cung cấp cho Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam Bộ, nhiều nhất là các bản tin của Việt Nam Thông tấn xã và một số tin của đài phát thanh trong nước (Đài Tiếng nói Việt Nam), và các đài nước ngoài.
Đây chính là đơn vị đầu tiên ở Nam Bộ, thực hiện chức năng “thông tấn”, thường được gọi là Phòng Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ và là tiền thân của Thông tấn xã Giải phóng sau này.
Phòng do đồng chí Nguyễn Văn Hạng phụ trách. Đơn vị này tuy rất ít người nhưng đã hoạt động sáng tạo, tích cực suốt từ năm 1947 đến năm 1960, trước khi trở thành lực lượng nòng cốt để thành lập Thông tấn xã Giải phóng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hạng, nguyên là một viên chức nhỏ thời thuộc Pháp, rời Sài Gòn vào bưng biền tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí đã cùng một số cán bộ vượt mọi khó khăn xây dựng Phòng Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ rồi tham gia thành lập Thông tấn xã Giải phóng.
Sau này đồng chí được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, Phó tổng biên tập, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Đồng chí mất năm 2009.
Ở Liên khu V, cuối năm 1947 đầu năm 1948, Chính phủ thành lập Sở Thông tin Liên khu V, trong đó có bộ phận làm tin và thu tin của Việt Nam Thông tấn xã ở Trung ương.
Ở Nam Trung Bộ, Việt Nam Thông tấn xã có trụ sở đóng ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định do đồng chí Võ Thế Ái phụ trách.
Đến năm 1952, Việt Nam Thông tấn xã Liên khu V được thành lập, các đồng chí Đoàn Bá Từ, Trương Xuân Thâm, Hồ Vinh và một số người khác là những cán bộ đầu tiên ở đây.
Đầu năm 1948, Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam Bộ cử đồng chí Lê Văn Nhàn làm Trưởng phòng với 2 bộ phận: Ban Tin tức do đồng chí Tôn Thất Trân phụ trách; Ban Thu tin và phát tin do đồng chí Nguyễn Văn Hạng phụ trách.
Ban Thu tin và phát tin chuyên thu tin của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, của Việt Nam Thông tấn xã (lúc này đang đóng trụ sở ở chiến khu Việt Bắc), khu 7, khu 8, khu 9 và một số tỉnh có điện đài, kể cả của Việt Nam Thông tấn xã khu V và Nam Trung Bộ.
Đài phát tin mang tên VNW phát trên sóng 31-50m cho các đài thu cả nước. Máy thu tin lắp lấy theo kiểu Schnell, dùng đầu cổ lỗ sĩ, thu tín hiệu vừa nhỏ vừa bị nhiễu.
Đài phát đặt giữa cánh đồng, hai ăngten máy phát dựng bằng cây tầm vông cao ngất, lúc phát tin thì dựng ăngten lên và phát tin xong thì hạ xuống ngay. Đài phát một bản tin lúc 17 giờ 30 hàng ngày để tránh máy bay trinh sát của địch phát hiện.
Năm 1949, quân Pháp mở nhiều trận càn lớn bằng xe lội nước vào Gò Mười Thơm, Gò Mười Tải, kết hợp tấn công bằng máy bay vùng Ba Sao, Cái Bèo, Mỹ Quý...
Các cơ quan kháng chiến phải di chuyển từ Đồng Tháp Mười về khu 9. Các đồng chí thuộc Phòng Truyền tin vô tuyến phải vượt sông Tiền về đóng quân ở Tân Bằng, Biển Bạch.
Năm 1950, máy bay địch bắn phá căn cứ, một phần cơ quan bị cháy. Đài phát tin VNW phải chuyển về một đồn điền bên bờ sông Bảy Háp.
Sau đó, Sở Thông tin Nam Bộ đổi về Đầm Dơi (Cà Mau). Phòng Truyền tin vô tuyến có mật danh là Phòng K chuyển về rừng Tân Tiến.
Đồng chí Nguyễn Văn Hạng được cử phụ trách Phòng K. Các đồng chí Tám Huỳnh, Lê Võ, Nguyễn Nhân, Hồng Yến, Hồng Ánh, Sáu Điển, Tư Doanh, Hai Lãm, Thanh Tùng, Phạm Độ, Hữu Nghĩa, Trung Thúy, Minh Hương, Út Linh được điều về tăng cường cho phòng.
Khi Ban Tin tức nhập về Đài Tiếng nói Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Hạng đảm nhiệm Trưởng phòng K (tức Phòng Điện báo).
Phòng K thường xuyên di chuyển từ Tân Thành, Tân Tiến sang Tân Hòa, Tân Long, Đầu Trâu, Tân Phước.
Đến năm 1954, cơ quan chuyển lên vùng Cán Gáo. Tuy di chuyển liên miên, lúc nhập vào Đài Tiếng nói Nam Bộ, lúc tách ra, nhưng các bản tin in, tin phát được đảm bảo không gián đoạn.
Cùng thời gian này, Phòng K được đổi tên mới là Phòng Việt Nam Thông tấn xã Chi nhánh Nam Bộ, gọi tắt là Phòng Thông tấn xã Nam Bộ.
Sau Hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, đất nước tạm thời chia làm hai miền, chờ tổng tuyển cử.
Cuối năm 1954, hầu hết nhân sự và toàn bộ máy móc, phương tiện của Phòng Thông tấn xã Nam Bộ được tập kết ra Bắc nên bản tin Việt Nam Thông tấn xã Chi nhánh Nam Bộ tạm ngưng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hạng được lệnh ở lại miền Nam, mang thẻ căn cước giả, thay tên đổi họ thành Đỗ Văn Ba (thường gọi là Ba Đỗ), theo giao liên đặc biệt về Sài Gòn.
Đầu năm 1955, tại Sài Gòn, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ giao cho đồng chí Đỗ Văn Ba nhiệm vụ thu bản tin Việt Nam Thông tấn xã phát hàng ngày cho miền Nam để biên tập, tổng hợp ra bản tin phục vụ các đồng chí lãnh đạo, trong đó có đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và phát đi các nơi.
Thời gian này, chính quyền Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn còn bận đối phó nội bộ, chưa tập trung đánh phá cách mạng nhưng việc ngồi mang tai nghe loại lớn trùm khăn qua đầu để thu tin Morse của Hà Nội giữa ban ngày tại Sài Gòn là việc rất nguy hiểm.
Để che mắt địch, từ máy thu tin là chiếc radio Philips loại lớn của đồng chí Trần Bạch Đằng đưa từ chiến khu về, đồng chí Đỗ Văn Ba lắp thêm vào một thiết bị nhỏ dùng thu Morse, thu xong lại tháo ra cất giấu, máy radio trở lại bình thường.
Nơi ngồi thu tin là phòng ngủ của vợ chồng chủ nhà cơ sở cách mạng. Mỗi lần ngồi vào thu tin suốt hai giờ, đồng chí Đỗ Văn Ba phải giả làm người ốm, đầu đội khăn ngụy trang che bộ tai nghe, thu xong lại bí mật đi giao tin ở điểm hẹn.
Đồng chí Đỗ Văn Ba thu bản tin của Đài phát tin VNA5 của Việt Nam Thông tấn xã phát cho miền Nam từ 12 giờ đến 14 giờ trưa hàng ngày và một số tin của Đài Tiếng nói Việt Nam để biên tập thành bản tin gửi lãnh đạo và ra bản tin Tin tức miền Nam.
Hai tháng sau, tổ chức bổ sung thêm đồng chí Lê Quang Nghĩa (Sáu Nghĩa, nguyên cán bộ thông tin vô tuyến điện Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ-sau này là Giám đốc Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Khi nhận được một máy thu thanh hiệu Philips khá lớn do Ban Tuyên huấn Xứ ủy gửi từ căn cứ trong rừng U Minh vào Sài Gòn, các đồng chí Đỗ Văn Ba và Lê Quang Nghĩa đã lắp thêm một bộ phận thu tín hiệu (Morse).
Hàng ngày, sau khi nhận xong bản tin VNA5 của Việt Nam Thông tấn xã, hai đồng chí phải dọn dẹp và cất giấu máy móc ngay cho an toàn.
Việc mang bản tin viết trên giấy pơluya đi giao cũng rất nguy hiểm, hai đồng chí phải thường xuyên thay đổi cách cất giấu để đi đến địa điểm giao tin an toàn.
[60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Góp sức duy trì "mạch máu" thông tin]
Đến năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn khủng bố gắt gao, cơ quan phải ngưng thu tin.
Một bộ phận lãnh đạo quan trọng phải chuyển địa điểm công tác đến nơi an toàn. Bộ phận ở lại Sài Gòn tiếp tục công tác quần chúng giữ liên lạc với cơ sở.
Chiếc máy radio Philips được giao cho một đồng chí cất giữ (sau ngày 30/4/1975, cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đã nhận chiếc máy này về và trưng bày tại Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội).
Không thể ở lại Sài Gòn tiếp tục thu phát tin được nữa, đồng chí Đỗ Văn Ba đã chuyển sang Campuchia xây dựng cơ sở trong bà con Việt kiều yêu nước để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Đồng chí Lê Quang Nghĩa cũng được cấp trên điều động về căn cứ tại Đồng Tháp Mười. Tuy vậy, việc in và phát hành bản tin VNA5 của Việt Nam Thông tấn xã ở Nam Bộ và bản tin Tin tức miền Nam vẫn không bị gián đoạn.
Bản tin in roneo trên giấy khổ 18x26cm dày 8 đến 16 trang, mỗi tháng 2 kỳ, nhưng có thời gian không ra được đều kỳ.
Theo đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Phòng Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ nối tiếp từ đầu kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Genève vẫn tồn tại dưới một dạng khác như thu tin và phát hành bản tin lấy từ Việt Nam Thông tấn xã gửi đi các nơi.
Các hoạt động của Việt Nam Thông tấn xã ở Nam Bộ trong suốt những năm 1950 trước khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là các bước chuẩn bị cho việc thành lập Thông tấn xã Giải phóng vào ngày 12/10/1960 sau này-một sự kế thừa, tiếp nối từ Việt Nam Thông tấn xã Nam Bộ trong giai đoạn mới của cách mạng miền Nam.
Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo việc cần thiết thành lập Thông tấn xã Giải phóng trước khi chính thức thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Lại nhớ lời kể của anh Lành (Tố Hữu), anh Lương (Lê Văn Lương), anh Huy (Trần Quang Huy) về lời chỉ đạo của Bác năm 1959 đề cập tới việc cần thiết thành lập Thông tấn xã Giải phóng trước khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Bác còn nói với các anh: “Đài Phát thanh Giải phóng thì bước đầu có thể chưa cần đặt ở chiến trường nhưng Thông tấn xã Giải phóng thì phải có mặt tại từng địa bàn chiến đấu.”
[Nguyên TGĐ TTXVN Trần Mai Hưởng: 'Chúng tôi là phóng viên TTXGP']
Lãnh đạo Liên khu V tiếp nhận nghị quyết của Trung ương và lời dặn dò của Bác đã điều động đồng chí Võ Thế Ái vào chiến trường.
Đồng chí Võ Thế Ái khi đó là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội đã trở về miền Nam ngay từ năm 1959.
Võ Thế Ái vốn quê ở Đà Nẵng, lại từng làm thông tin báo chí ở khu V trong thời kháng chiến chống Pháp nên lãnh đạo khu V quyết định chọn đồng chí về lại miền Nam.
Ở khu V, thời gian này, Việt Nam Thông tấn xã Liên khu V và Việt Nam Thông tấn xã Nam Trung Bộ qua nhiều lần di chuyển địa điểm nhưng vẫn luôn ở bên cạnh Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V tại khu căn cứ Nước Oa, huyện Trà My (nay là Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), rồi sau đó chuyển đến khu căn cứ Phước Trà, huyện Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam).
Ở miền Nam, chính quyền Mỹ-Diệm ra sức đàn áp những người yêu nước và phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân.
Trước những diễn biến cam go, phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Để khẳng định sự chính danh và tăng cường thống nhất sự lãnh đạo cách mạng trong toàn miền, việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một yêu cầu cấp bách.
Sau chiến thắng Tua Hai (Tây Ninh) vào tháng 1/1960, cơ quan Xứ ủy Nam Bộ dời về căn cứ Dương Minh Châu, bấy giờ đã có vùng giải phóng.
Tại đây, Phòng Thông tấn xã Nam Bộ không chỉ nhận mà còn phát tin. Bộ phận kỹ thuật sử dụng máy phát điện quay tay để tạo ra nguồn điện phát sóng.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, chuẩn bị cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 22/4/1960, Xứ ủy Nam Bộ ra Chỉ thị số 18-TVA về tổ chức một bộ phận cán bộ chính trị và cán bộ kỹ thuật để thành lập một cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam.
Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ giao cho các đồng chí Tân Đức, Đỗ Văn Ba thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Nhiệm vụ mới không chỉ bao gồm việc cung cấp tin cho lãnh đạo mà còn liên lạc với các địa phương, tổng hợp tình hình, biên soạn tin tức và phát theo chiều ngược lại ra Hà Nội, để kịp thời thông tin về cuộc đấu tranh cho hòa bình thống nhất nước nhà và kịp thời đấu tranh, tố cáo tội ác của Mỹ-Diệm.
Đồng chí Đỗ Văn Ba cùng anh chị em trong đơn vị dùng radio thu được của địch lắp ráp lại thành máy thu phát tin kiểu Schnell để liên lạc thu và phát tin với Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội.
Lúc này, một số anh em từ đất thép Củ Chi, Long An, Đồng Tháp, Mỹ Tho... bổ sung vào đơn vị và được cấp tốc đào tạo về văn hóa và điện báo.
Sau khi tập hợp lực lượng gồm một số cán bộ điện báo cũ sau Hiệp định Genève còn ở lại và một số thanh niên nòng cốt từ các địa phương thoát ly tham gia cách mạng được đưa về, cấp trên điều về một máy phát sóng 15W và một máy phát điện quay tay Ragonot của Trung Quốc do Trung ương bí mật đưa vào theo tàu chở quân tập kết.
Máy bị ẩm ướt phải phơi sấy kỹ mới cho quay chạy thử. Không có đồng hồ đo điện, anh em phải dùng tay kiểm tra nguồn điện phát ra bất chấp bị điện giật.
Với một số hiểu biết về kỹ thuật vô tuyến điện, các đồng chí tìm linh kiện lắp hai máy thu Morse để làm việc và thu tin Việt Nam Thông tấn xã Hà Nội. Bộ phận kỹ thuật-điện báo (sau là Phòng Kỹ thuật-Điện báo) ra đời từ đó./.