Phương án mở rộng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS

Các cuộc thảo luận liên quan đến tương lai của định dạng BRICS+ xoay quanh 2 phương án: mở rộng tuần tự, kết nạp từng quốc gia ở mỗi giai đoạn và phương án sử dụng mô hình “hội nhập của hội nhập.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến ngày 9/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng của câu lạc bộ chính trị Valdai số ra mới đây có bài viết cho biết nhiệm kỳ chủ tịch nhóm BRICS của Trung Quốc năm 2022 được đánh dấu bằng việc công bố kế hoạch trao quy chế vĩnh viễn cho định dạng BRICS+ và nghiên cứu các khả năng mở rộng khối này.

Các cuộc thảo luận hiện nay liên quan đến tương lai của định dạng BRICS+ xoay quanh 2 vấn đề: Thứ nhất, khối này có nên mở rộng tuần tự, kết nạp từng quốc gia ở mỗi giai đoạn hay không? Và thứ hai, có nên sử dụng mô hình “hội nhập của hội nhập,” tức là tạo ra một nền tảng hợp tác giữa các tổ chức khu vực, trong đó có các thành viên BRICS?

Có vẻ như cả 2 vấn đề đều khả thi ở giai đoạn hiện tại, và mỗi lựa chọn đều có ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, mô hình “hội nhập của hội nhập” khu vực sẽ cho phép các nền kinh tế BRICS mở rộng đáng kể hợp tác của họ với các quốc gia còn lại ở Nam bán cầu.

Về quy mô, kết quả của việc mở rộng BRICS theo 2 hình thức nói trên có thể được minh họa bằng toán học thông qua sự khác biệt giữa cấp số cộng và cấp số nhân.

Nếu sự mở rộng thành viên BRICS theo từng giai đoạn thể hiện cấp số cộng thì mô hình “hội nhập của hội nhập” BRICS+ có thể được coi như một ý tưởng quy mô lớn và táo bạo hơn theo cấp số nhân.

Về cấp số cộng, làn sóng mở rộng thành viên của BRICS có thể bao gồm việc bổ sung dần dần một hoặc nhiều quốc gia “nặng ký” (có thể trong số các nước G20 thuộc miền Nam bán cầu).

Một phương án khác là kết nối các khối hội nhập khu vực của tất cả 5 thành viên BRICS, bao gồm Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa dạng, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, MERCOSUR và Liên minh thuế quan Nam châu Phi.

Điều này sẽ dẫn tới việc gia nhập thêm 25 thành viên mới (luỹ tiến hình học là 5x5) từ vòng tròn BRICS+, tức là các nước láng giềng/đối tác trong khu vực của các nền kinh tế BRICS.

Phương án cấp số nhân này có thể được đưa lên một mức độ cao hơn nếu hình thành nền tảng mở rộng trong đó có nhiều quốc gia hơn, bao gồm cả các nước thành viên Liên minh châu Phi, CELC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe), cũng như các quốc gia thuộc các nền kinh tế Á-Âu thuộc Nam bán cầu.

Khối các nền kinh tế đang phát triển Á-Âu có thể hình thành trên cơ sở liên kết của các khối hội nhập khu vực chính - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (CSO), Hội đồng Hợp tác các Quốc gia Arab vùng Vịnh (GCC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Một nền tảng mở rộng như vậy, trải dài trên cả 3 lục địa của Nam bán cầu, có thể được gọi là Liên minh Liên lục địa ba bên (TRIA), bao gồm khoảng 125-130 nền kinh tế mới nổi (con số chính xác phụ thuộc vào phương pháp luận để xác định khái niệm nền kinh tế Á-Âu).

Như vậy, kịch bản thứ hai của quá trình mở rộng nền tảng BRICS+ hàm ý về sự phát triển cấp số nhân ở định dạng “5x5.”

Nếu tính tất cả các thỏa thuận thương mại song phương/đa phương, liên minh kỹ thuật số và các thỏa thuận khác có khả năng đạt được định dạng đa phương dựa trên nền tảng BRICS+ thì tiến trình mở rộng các bên tham gia BRICS+ có thể được nâng lên một mức độ cao hơn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa, hàng trên), Tổng thống Brazil Jair Bolsanaro (phải, hàng dưới), Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái, hàng trên), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải, hàng trên) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos dự Hội nghị thượng đỉnh Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến.(Ảnh: THX/TTXVN)

Ví dụ, khu vực mậu dịch tự do Israel-MERCOSUR hoặc khu vực mậu dịch tự do của Liên minh thuế quan phía Nam châu Phi (SACU) - Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) có thể được mở rộng thông qua sự gia nhập của các nước đang phát triển từ vòng cung BRICS+.

Hiệu quả của cấp số nhân dạng này sẽ tăng lên khi các nền tảng BRICS+ thể hiện sự cởi mở và bao trùm hơn, và mối liên kết giữa các nền kinh tế mới nổi và các đối tác trên toàn thế giới càng trở nên chặt chẽ hơn.

Nói cách khác, để tăng cường hiệu quả cấp số nhân nói trên, nền tảng “hội nhập của hội nhập” của BRICS phải dựa trên các liên minh có khả năng mở rộng quy mô và thiết lập liên kết với các tổ chức khu vực khác (tức là các liên minh khu vực có khả năng “toàn cầu hóa”).

Đổi lại, những nỗ lực thiết lập nền tảng cho các thể chế phát triển khu vực có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng BRICS (dựa trên các quy trình tiêu chuẩn được thiết lập dành cho các dự án đầu tư, bao gồm quan hệ đối tác công tư) và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các liên minh kỹ thuật số với tiềm năng mở rộng quy mô lớn.

[Các nước BRICS kêu gọi đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế]

Cách tiếp cận từng bước này đối với việc thiết lập các liên minh ở Nam bán cầu, tức là các liên minh với sự ủng hộ của mô hình “hội nhập của hội nhập” của BRICS+ có thể trở thành cơ sở để khởi động lại quá trình toàn cầu hoá trong nền kinh tế thế giới từ dưới lên trên (cụ thể là từ cấp độ các quốc gia và tổ chức khu vực), chứ không phải từ trên xuống dưới (chỉ từ cấp độ của các tổ chức toàn cầu).

Quá trình “hội nhập của Hội nhập” này, vì một số lý do, có thể diễn ra hiệu quả hơn nhiều so với tất cả các nỗ lực trước đây nhằm tự do hóa từ bên trên thông qua sự đồng thuận của Washington:

- Các lộ trình hội nhập khu vực diễn ra từng bước và phù hợp hơn với quá trình tự do hóa thị trường toàn cầu.

- Tính linh hoạt cho phép xem xét lại các mô hình toàn cầu đã có kết quả ở cấp quốc gia hoặc bổ sung vào đó các điều chỉnh.

- Có sự phù hợp hơn giữa hệ thống liên minh toàn cầu và hội nhập ở cấp độ quốc gia, cũng như các nhu cầu và đặc điểm khu vực.

- Sự ổn định chính trị và hiệu quả cao hơn của hệ thống liên minh toàn cầu dựa trên mạng lưới các hiệp hội khu vực.

Mức độ ổn định và linh hoạt cao của quá trình toàn cầu hóa được phát triển từ thấp lên cao như một mạng lưới các liên minh, chứ không phải là một cấu trúc cứng nhắc được thực hiện trên quy mô toàn cầu mà không quan tâm đến các đặc điểm của khu vực và quốc gia, là một lập luận hỗ trợ việc tìm cách thực hiện mô hình như vậy.

Tuy nhiên, các thể chế toàn cầu - đặc biệt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - sẽ đóng vai trò gì trong kịch bản toàn cầu kiểu mạng lưới thế này?

Theo nhiều cách, các tổ chức này vẫn là "chìa khóa" cho sự bền vững của cấu trúc kinh tế toàn cầu được cải cách. Các định chế toàn cầu sẽ có thêm nhiệm vụ điều phối hoạt động của các mạng lưới khu vực và các tổ chức phát triển:

- IMF điều phối hoạt động của các tổ chức tài chính khu vực;

- WB điều phối hoạt động của các ngân hàng phát triển khu vực;

- WTO điều phối hoạt động của các hiệp hội hội nhập khu vực.

Các thể chế toàn cầu cũng cần chú ý hơn đến việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả các vấn đề về mất cân bằng toàn cầu. Đổi lại, điều này sẽ cho phép hệ thống kinh tế toàn cầu giải quyết vấn đề hiện nay, đó là các thể chế khu vực và toàn cầu thường mâu thuẫn với nhau, thay vì bổ sung và củng cố lẫn nhau.

Tóm lại, nếu mở rộng BRICS+ bằng cách chỉ cần thêm các quốc gia khác vào BRICS và không xây dựng song song một mạng lưới liên minh rộng lớn hơn, kết quả là sẽ chỉ dẫn đến những thay đổi nhỏ, và phía Nam bán cầu và nền kinh tế toàn cầu sẽ thấy hối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đồng thời, mô hình “hội nhập của hội nhập” sẽ mang tới cho BRICS+ nhiều cơ hội không nhỏ, nhưng với điều kiện nền tảng này sẽ rộng mở và bao trùm, đảm bảo sự liên kết của các hiệp hội hội nhập khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục