"Phương thuốc" giúp thế giới hồi sinh từ đại dịch COVID-19

Các nền kinh tế lớn trên thế giới gạt bỏ những bất đồng sang một bên để đồng lòng phối hợp các chính sách nhằm chèo chống đưa nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất do dịch.
"Phương thuốc" giúp thế giới hồi sinh từ đại dịch COVID-19 ảnh 1Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, kể từ sau cuộc đại suy thoái trong những năm 1930, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã gạt bỏ những bất đồng sang một bên để đồng lòng phối hợp các chính sách nhằm chèo chống đưa nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất.

Một trong những minh chứng cho điều này là câu chuyện năm 2008, khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế ở mức độ nghiêm trọng hơn hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra, hợp tác kinh tế toàn cầu cũng như hợp tác trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lại vắng bóng.

Nếu có sự phối hợp và hợp tác toàn cầu thì cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế (toàn cầu) hiện nay hẳn đã ít nguy kịch hơn rất nhiều. Mặc dù giới chuyên gia y tế đã triển khai công tác hợp tác kỹ thuật để đối phó với đại dịch mà ban đầu là tìm ra chuỗi gen của chủng virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, song các nước lại đề ra những biện pháp hạn chế xuất khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân, lương thực và dược phẩm.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại bị cản trở bởi những mưu đồ địa chính trị thay vì được hỗ trợ bằng những hỗ trợ cần thiết. Chương trình tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa COVID-19 (COVAX) đã không giúp ích gì trong nỗ lực cải thiện tình trạng phân phối vaccine bình đẳng và công bằng.

Hoạt động hợp tác kinh tế diễn ra nhỏ lẻ và manh mún còn hoạt động hỗ trợ kinh tế phần lớn được cung cấp theo hình thức song phương hoặc khu vực dựa trên tư lợi hẹp hoặc vì những lý do địa chính trị.

[Thế giới sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lạm phát mới?]

Các nước có khả năng tung ra các gói kích thích tài chính cho trong nước lại không hiểu được rằng nếu không có sự phối hợp toàn cầu đối với vấn đề kinh tế vĩ mô thì phần còn lại của thế giới đã không thể ngăn chặn đà suy thoái kinh tế xuống mức thấp nhất cũng như không thể hỗ trợ trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch.

Hợp tác toàn cầu là một "nạn nhân" của cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những ưu tiên dành cho cộng đồng toàn cầu đang giúp người dân trên thế giới được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và đang giúp tái định hình mô hình quản trị toàn cầu nhằm đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu được bền vững.

Lãnh đạo nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại Anh từ ngày 11-13/6 vừa qua nhằm thúc đẩy vấn đề cải cách toàn diện đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hành động mạnh mẽ hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cải thiện vấn đề phân phối vaccine.

Những quy tắc thương mại toàn cầu đã lỗi thời và chi phối lượng giao dịch thương mại toàn cầu ở quy mô nhỏ hơn mỗi năm. Các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, đầu tư và nền kinh tế số vẫn cần đến quy tắc và luật lệ. Hành vi trợ cấp cho nông hải sản và các sản phẩm công nghiệp khác cần đến các công cụ trừng phạt.

Thế nhưng, những luật lệ hiện hành lại không được thực thi do Mỹ không thông qua việc bổ nhiệm những thẩm phán mới làm việc tại bộ phận giải quyết tranh chấp của WTO.

Trước hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua, các bộ trưởng tài chính của nhóm này đã nhất trí thúc đẩy tài chính xanh vốn có thể giúp tái định hình các thị trường tài chính nhằm thúc đẩy quá trình khử cacbon và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn.

Dưới thời chính quyền Joe Biden, nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn đi theo xu hướng hợp tác kinh tế toàn cầu. Chúng ta có thể nhìn lại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) vừa qua để cho rằng hội nghị này là một bước ngoặt.

Thế nhưng, G7 sẽ không thể tự mình khắc phục được tình trạng thiếu hụt khả năng quản trị toàn cầu. Theo định nghĩa, G7 bao gồm những cường quốc đã xác định và thậm chí Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc được mời là các nước quan sát, nhóm này chiếm khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu.

Ấn Độ có nhiều điểm chung hơn với những nền kinh tế mới nổi và phần còn lại của thế giới so với nhóm 7 nền dân chủ tụ họp ở Cornwall. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không thể tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này vì tình hình đại dịch COVID-19 trong nước.

Trọng trách quan trọng nhất là làm thế nào các thành viên G7 có thể dẫn dắt nỗ lực toàn cầu trong công tác như cung cấp hàng hóa công trên phạm vi toàn cầu và định hình những kết quả cho G20 và các cơ chế đa phương khác. Là nước chủ nhà của G7 năm nay, Anh đã phối hợp chặt chẽ với Italy, nước đảm nhiệm vị trí chủ tịch G20 trong năm 2021.

Một điều ít được chú ý song lại có thể đem lại những tác động lớn hơn là công tác phối hợp diễn ra ở phía bên kia thế giới tại New Zealand nơi các bộ trưởng thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp trực tuyến hôm 5/6 vừa qua.

Chiếm 61% nền kinh tế toàn cầu, APEC bao gồm những nền kinh tế phát triển và đang nổi. Sự đa dạng về thành viên, bao gồm cả những cường quốc đã được xác định và những cường quốc đang trỗi dậy, và sự đồng thuận của khối về cách tiếp cận tạo nên sức mạnh của APEC với năng lực lãnh đạo tài tình của nước chủ tịch cũng như các nước thành viên.

Tuyên bố chung mang tính chiến lược và thực chất mà cuộc họp APEC nói trên đưa ra tạo nền tảng để lãnh đạo APEC tiến hành một cuộc họp vào tháng 7 tới trước khi tiến hành một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm 2021. Trong tuyên bố chung này, lãnh đạo APEC đã đề xuất các biện pháp thương mại cụ thể nhằm chống đỡ những tác động do đại dịch gây ra.

Trong các biện pháp này, các bộ trưởng nhất trí cắt giảm rào cản thương mại đối với vaccine và những mặt hàng thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu. Các bộ trưởng cũng nhất trí hợp tác triển khai những nghị định thư nhằm nối lại hoạt động đi lại xuyên biên giới.

Ngoài ra, các bộ trưởng thương mại APEC cũng kêu gọi tiến hành cải cách toàn diện WTO, bao gồm vấn đề cập nhật các luật lệ thương mại và bảo vệ hệ thống thương mại hiện hành.

Như vậy, điểm nhấn và trọng tâm của cuộc họp APEC nói trên khác xa so với cách tiếp cận của hội nghị thượng đỉnh G7 mới kết thúc gần đây bởi chương trình nghị sự của APEC đã bao hàm những vấn đề liên quan đến lợi ích của các nước đang phát triển.

Một trong những nước đang phát triển này, Indonesia, chứ không phải Trung Quốc, có thể đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực cải cách những luật lệ thương mại toàn cầu. Indonesia sẽ giữ chức chủ tịch G20 trong năm 2022, thời điểm mà khả năng phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch vẫn còn nhiều bất trắc.

Là một nước đang phát triển năng động theo đường lối dân chủ và đa phần dân số theo đạo Hồi, Indonesia có thẩm quyền và vị thế trong điều phối vấn đề quản trị toàn cầu, điều mà nước này chưa phát huy đầy đủ.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Osaka, Nhật Bản, hồi năm 2019, Indonesia đã đưa ra sáng kiến cải cách WTO song đề xuất này đã bị phủ bóng bởi tình trạng đối địch Mỹ-Trung.

Jakarta sẽ có cơ hội thứ hai để làm lại điều này vào năm 2022. Anh đã từng góp phần tạo ra những luật lệ toàn cầu và thể chế cho hệ thống tài chính Bretton Woods sau Chiến tranh Thế giới II. Những luật lệ này đã giúp bảo vệ lợi ích của Anh đối với Mỹ khi đó là một cường quốc đang trỗi dậy.

Hiện nay, những luật lệ này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của các cường quốc nhỏ hơn, mà giờ đây bao gồm cả Anh, trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Chúng ta sẽ chờ đợi xem nước Anh sẽ thực hiện những nỗ lực đầu tiên như thế nào, dưới thời hậu Brexit, để thể hiện vị thế là "nước Anh Toàn cầu" và dẫn dắt G7 cải cách những luật lệ toàn cầu.

Tuy nhiên, những luật lệ toàn cầu cần sự chung tay góp sức và đồng thuận toàn cầu. Khi chúng ta tiến đến một thế giới đa cực, những nhóm như APEC có thể giúp xây dựng sự đồng thuận song rốt cuộc G20 lại là nhóm có cơ hội tốt nhất để định hình những luật lệ mới cho một trật tự toàn cầu thời kỳ hậu COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục