Phòng làm việc của Mauricio Pochettino không khác gì một nơi thờ tự, toạ lạc ở chốn điền viên Enfield. Căn phòng ấy được trang hoàng bởi những chai rượu Catena Zapata từ Argentina, một chuỗi tràng hạt và các bức ảnh, cùng một bản sao chiếc cúp World Cup.
Chiếc cúp ấy cũng là món quà mà cậu học trò Hugo Lloris dành tặng cho ông thầy. Trong căn phòng ấy, dưới mùi hương trầm dịu nhẹ, Maurico Pochettino - người thuyền trưởng của một Tottenham Hotspur với ngân sách mua sắm chỉ bằng một nửa Liverpool, Chelsea, Man City hay Man Utd trong suốt 5 năm qua - mỉm cười khi ông nói về cái gọi là định mệnh.
Đây là cuộc phỏng vấn của Mauricio Pochettino với nhà báo Diego Torres của tờ El Pais (Tây Ban Nha)… trước trận bán kết lượt về Champions League với Ajax. Vì lẽ đó, các độc giả sẽ không cần phải suy nghĩ: “Thắng rồi thì nói gì cũng được.”
- Diego Torres: Trong quyển sách “Brave New World”, ông từng nói về sự tồn tại của “năng lượng từ vũ trụ”. Ông nhận thức được điều đó như thế nào?
- Mauricio Pochettino: Anh sờ nắn, anh nhìn thấy, thì nó sẽ hiện hữu. Mọi người đều hiểu về nguồn năng lượng đó nhưng không phải ai cũng mở lòng để đón nhận, để kết nối nó và đạt được những gì họ muốn. Tôi thì từ bé đã cảm nhận được. Nó là một thứ gì đó tồn tại trong đầu tôi và tôi không hiểu nổi lý do. Tôi nghĩ có một nguồn năng lượng gì đó cho phép tôi mơ về những gì mà về sau tôi đạt được. Lập chương trình cho những thứ sẽ diễn ra bằng đầu óc đã là một công cụ quen thuộc với bản thân tôi. Con người hợp thành một khối thông qua những thứ không hề dễ dàng để lý giải.
- Khi nói chuyện với cầu thủ của mình, ông có nói rằng mình dựa trên sự đồng cảm hơn là quyền uy. Ông cũng từng nói sự ngạo mạn sản sinh ra nỗi đau, và cầu thủ bóng đá thì cần sự ngạo mạn ấy để thành công. Ông nói đã tự đặt mình vào vị trí của những cầu thủ trẻ để cảm nhận nỗi đau của họ và vì thế ông khác với rất nhiều các huấn luyện viên còn lại. Những đồng nghiệp của ông thì thường đánh vào sự tổn thương của các cầu thủ để khích lệ tinh thần và làm tâm lý với họ. Khi nỗ lực giải phóng những cầu thủ khỏi nỗi sợ hãi của họ, ông có sợ đang tự đặt mình vào vị thế của kẻ yếu đuối?
- Có chứ, vì anh sẽ bị chi phối bởi cảm xúc. Anh cũng bắt đầu khám phá ra những thứ bên trong một cầu thủ vượt ra xa mối quan hệ chuyên môn và màn trình diễn trên sân. Đội ngũ kỹ thuật chúng tôi tìm kiếm một cái gì đó khác biệt. Điều cơ bản thì vẫn là để các cầu thủ thi đấu và giành chiến thắng thôi. Ai lại bảo chúng tôi thi đấu mà không vì chiến thắng chứ! Mục tiêu vẫn là giành các danh hiệu. Nhưng giành được theo cách nào? Những huấn luyện viên chúng tôi tồn tại trên thế giới này là để giúp các câu lạc bộ phát triển dự án và từ đó để lại di sản của mình trong bóng đá.
Với các cầu thủ, chúng tôi đâu chỉ dạy họ làm sao để đọc trận đấu được tốt hơn, làm sao chọn vị trí tốt hơn, làm sao phòng thủ hay hơn, hay làm sao cải thiện thể lực nhiều hơn. Chúng tôi còn muốn dạy họ ở khía cạnh con người: tìm kiếm sự bình yên vốn không thường xuyên tồn tại ở thế giới này. Có rất ít cá nhân có thể tự tìm thấy sự bình yên nơi chính bản thân họ. Chúng tôi hầu như luôn nói về những khía cạnh của con người trước khi nói về bóng đá.
Hầu hết những cuộc họp của đội bóng trước mỗi mùa giải đều được tách biệt rõ ràng thành hai thứ, về khía cạnh con người và về khía cạnh chuyên môn. Cái nào cũng ở mức độ như nhau. Nhưng trên hết, chúng tôi luôn chú trọng đến phần con người. Thành công nằm ở đó. Và chúng tôi cảm thấy trách nhiệm lớn lao cho công tác ấy. Nếu xem chúng tôi là một công ty, thì mục tiêu không chỉ là đạt được doanh thu đề ra, mà còn phải làm sao để cân bằng giữa kết quả, đồng thời không được bỏ quên khía cạnh con người. Không được phép xem các cầu thủ là những chiếc ghế sofa, những chiếc tivi hay máy vi tính. Các cầu thủ đều là con người với cảm xúc và những vấn đề trong cuộc sống phải đối mặt.
- Có lẽ chính khâu quản trị con người như vậy giúp ông tạo ra một cộng đồng thay vì chỉ đơn thuần một tập thể chơi bóng. Trở lại với thời điểm đội bóng của ông đang thua 2-4 ở lượt về tứ kết Champions League trước Man City, ông có nghĩ rằng khi ấy những cầu thủ của mình đã hy sinh nhiều hơn thông thường cho “cộng đồng” chở che họ?
- Để giải quyết được chuyện đó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Nhưng trong dài hạn, lộ trình ấy sẽ luôn mang đến một ảnh hưởng sâu đậm. Ở Espanyol, chúng tôi chỉ gắn bó trong 5 năm nhưng những con người ở đó vẫn luôn nhớ về chúng tôi. Chúng tôi từng giành được ba chiếc cúp địa phương là Copa Catalunya và giúp đội bóng tránh cảnh xuống hạng.
Có thể điều đó thôi đã là ý nghĩa hơn việc giành Champions League với những Barcelona, Real Madrid hay Bayern Munich. Còn ở Tottenham, chúng tôi cũng đã gắn bó được 5 năm và hầu hết các cầu thủ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Điều này có nghĩa là nếu anh không thể chạm đến từng cá nhân, dự án sẽ không thể kéo dài.
Nếu các quyết định dựa trên khả năng thể hiện trên sân, anh sẽ cần sự duy trì qua mỗi năm. Anh đâu thể có được sự tiếp nối ấy với một cầu thủ từ 20-22 tuổi. Cũng tương tự như vậy với những cầu thủ ngoài 27 vì hiệu suất sẽ có lúc được lúc không. Không có sự gắn kết về cảm xúc thì không làm được. Và còn bởi mỗi mùa giải trải dài đến 10 tháng thi đấu, nếu không có sự kết nối giữa các cá nhân, mối quan hệ sẽ hoàn toàn đổ vỡ. Khi mối quan hệ chuyên môn bị đổ vỡ, không điều gì có thể chống chọi nổi: anh buộc phải tìm kiếm một con đường mới, và những cầu thủ mới phải được mang về.
Hai mặt của hình thái quản trị là giúp mỗi cá nhân bộc lộ hết mức khả năng của họ. Vấn đề nằm ở sự lựa chọn của anh: anh có muốn quản lý hay phát triển một đội ngũ dựa trên phương pháp quản trị con người. Chúng ta trở về với thứ ban đầu: chìa khoá là làm sao để tìm kiếm sự cân bằng giữa kỳ vọng của công ty với những mục tiêu nhất định phải đạt được và kế hoạch mong muốn mà chiến lược thể thao vạch ra. Trên tất cả vẫn là duy trì công ty ấy. Trước đây, đấy vẫn chỉ là những câu lạc bộ bóng đá. Nhưng giờ đây, họ là những công ty tìm kiếm kết quả kinh doanh.
- Format của Premier League quá hoàn hảo từ khía cạnh kinh tế và bản quyền truyền hình, nhưng có lẽ rồi nó sẽ lại giống như NBA. Phải chăng có quá nhiều câu lạc bộ đang hoạt động như những mô hình franchise, họ chỉ muốn “được tham dự” giải đấu hơn là cố gắng giành danh hiệu, vì đơn giản là việc cạnh tranh danh hiệu sẽ ngốn của họ quá nhiều tiền tài? Bản thân ông có phải chống chọi lại xu hướng đó? Và làm cách nào thì ông ngăn điều đó lây lan đến các cầu thủ của mình?
- Ở Premier League, người ngoài luôn đặt ra những câu chuyện về điều gì đang xảy ra ở các câu lạc bộ. Nhưng đâu phải lúc nào những nhận xét của họ cũng đúng với thực tế. Giá trị của Tottenham chính là trong 5 năm nay, chúng tôi đã tìm thấy sự cân bằng giữa khía cạnh kinh tế và khía cạnh thể thao. Tham vọng lớn nhất xét ở khía cạnh thể thao là tìm thấy một nhóm các cầu thủ phù hợp, thiết lập nên kỷ luật, tạo ra văn hoá làm việc, và tìm thấy động lực cũng như mục tiêu phấn đấu.
Chìa khoá nằm ở từng chi tiết. Arrigo Sacchi từng nói thế này: “Để giành chiến thắng, văn hoá câu lạc bộ cần phải được xây dựng và duy trì ở mọi cấp độ từ trên xuống dưới. Mọi chi tiết nhỏ nhất đều phải mang đến ý niệm chiến thắng, để truyền tải được đến đội bóng trên sân.”
Đã từng có thời điểm Tottenham không có lấy một mục tiêu nào rõ ràng: kết thúc trong tốp 4, kết thúc trong tốp 3, giành danh hiệu,… Mục tiêu khi ấy chỉ là hoàn thành kế hoạch tài chính để CLB phát triển như ngày nay. Chúng tôi không hề đặt kỳ vọng sẽ chơi ở Champions League. Chúng tôi không đặt ra mục tiêu sẽ đánh bại được Real Madrid, Dortmund hay Man City. Chúng tôi cũng không kỳ vọng có thể cạnh tranh chức vô địch Premier League với Man City.
Ưu tiên số một của câu lạc bộ là xây dựng trung tâm tập luyện Sports City và sân vận động mới trị giá 1 tỷ 400 triệu euro. Chúng tôi luôn cảm thấy bị áp lực mỗi khi thốt lên: “Này mọi người, chúng ta đang ở đây! Thế nên, chúng ta đành phải cố gắng!”
- Nhưng điều đó có khiến các cầu thủ có tư tưởng an phận khi nghĩ rằng câu lạc bộ không cần giành danh hiệu vẫn phát triển tốt?
- Làm cách nào để anh có thể chống lại cái cảm giác đã ăn sâu vào một câu lạc bộ trong suốt nhiều năm liền? Đó cũng là cái cảm giác của những cầu thủ mà chúng tôi có vào năm 2014. Suy nghĩ ấy được cài đặt sẵn. Vì thế mà chúng tôi thường cười phá lên mỗi khi có người so sánh Tottenham với Liverpool, hoặc nói Tottenham là kẻ thách thức với Man City hay Man Utd. Ai lại đi so sánh như vậy chứ?
Và thêm một câu hỏi khác nữa: Liệu tôi có muốn Tottenham trở thành City hay Liverpool không? Ở một mức độ nào đó là có, nhưng ở một mức độ nào đó nữa là không. Tôi thích phấn đấu cho một thứ gì đó có thể trở thành lịch sử, trở thành duy nhất, và đồng thời tôi cũng nghi ngờ vào khả năng của mình. Nhưng cần phải thật thận trọng! Bởi vì Barcelona, Madrid, City,… họ không có thời gian, thế nên họ phải rút ngắn deadline lại bằng tiền bạc. Thứ duy nhất họ phải quan tâm là tìm cách giành chiến thắng: nếu một cầu thủ không phù hợp, tôi sẽ mang cầu thủ khác về. Rõ ràng là triết lý của những câu lạc bộ này với Tottenham rất khác nhau.
Có thể một ngày nào đó tôi sẽ dẫn dắt một câu lạc bộ có triết lý như vậy và tôi cũng có thể giành được chiến thắng theo cách đó. Nhưng những dự án được lèo lái ở tốc độ cao bởi tiền bạc luôn tiềm ẩn nguy cơ mất trắng.
Tottenham là gì? Niềm tự hào của ban huấn luyện chúng tôi là gì? Đó là có một thủ thành như Hugo Lloris, cậu ấy hoà hợp hoàn toàn với triết lý câu lạc bộ, cậu ấy tiến bộ từng ngày và lao động miệt mài. Một năm về trước, sau khi vô địch World Cup, Hugo Lloris đến gặp tôi vào nói: “Sếp, chức vô địch World Cup của ông đây.” Chức vô địch của anh đó! Hãy để học trò của anh mang về chiếc cúp và nói với anh rằng: “Của thầy đây!”
Danh hiệu có khiến anh cảm thấy thoả mãn hơn không? Không đâu! Vì không có gì thoả mãn hơn chứng kiến nhà vô địch thế giới, thủ quân tuyển Pháp, nâng cao chiếc cúp World Cup và thay vì mang nó về nhà, cậu ta mang nó đến cho tôi!
- Ông có cho rằng tầm nhìn bóng đá của mình đã lạc hậu từ 30 năm về trước? Có vẻ như là ông đang xây dựng một thứ cũ kỹ?
- Tầm nhìn đó có thể được truyền tải đến bất kỳ câu lạc bộ nào. Từ Espanyol, Southampton, Tottenham, đến Madrid, Bayern, United. Sao lại không chứ? Trách nhiệm của chúng ta là bảo tồn những giá trị kia mà. Chúng ta đã quá xa rời bản chất của bóng đá. Bóng đá giờ đây ở một vị trí mà tôi thật sự không thích chút nào. Vì bóng đá giờ đây đẹp quá, khi mà chỉ cần xem trên truyền hình là anh có hết những gì mình muốn.
Nhưng rồi một ngày nọ tôi xem lại trận bán kết cúp C1 năm 1975 giữa Barcelona với Leeds United. Đấy mới là bóng đá đích thực! Anh nhìn thấy Cruyff đá bóng, giành giật, chiến đấu trên sân. Là Cruyff đó! Các cầu thủ ngày đó đâu có biết họ được ghi hình đưa lên TV. Tôi thích cái thứ bóng đá ngày ấy vô cùng.
- Ngày nay, các huấn luyện viên nói về những gì diễn ra trên sân cứ như thể họ đang xây dựng một quả tên lửa. Nhưng ông thì lại nói về đam mê. Ông biến những phát biểu của mình trở nên thật đơn giản. Liệu một huấn luyện viên có thể trở nên vĩ đại nếu không có một triết lý chơi bóng phức tạp, khoa học?
- Bóng đá dần đánh mất đi những con người thực sự của nó. Chúng ta giờ đây không khác gì những diễn viên. 40 năm về trước ở Murphy, chúng tôi thường tập trung ở một công viên nhỏ để chơi bóng, trong một không gian 30x40 mét. Chúng tôi chia thành hai đội. Đội nào có bóng nhiều? Đội đó là số một! Ai có bóng nhiều nhất trên sân? Người đó là số một! Nói chính xác thì đội đó kỹ thuật nhất. Nhưng không phải lúc nào họ cũng là người thắng cuộc, đôi khi họ chơi hay nhưng đối phương lại ghi được bàn thắng vì đối phương biết dứt điểm và giải quyết nhanh gọn. Nhưng kiểm soát bóng thuộc về ai? Thuộc về các cầu thủ.
Ở Tottenham, chúng tôi chiếu một thước phim về những huấn luyện viênphát minh ra lối chơi kiểm soát bóng, nhưng như vậy không có nghĩa là tất cả. Tôi thích có bóng để chơi chứ. Tôi cũng muốn có bóng càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu trong tay tôi không có được những công cụ, hay nói cách khác là những cầu thủ đủ kỹ thuật để chơi thứ bóng đá ấy, tôi sẽ buộc phải tìm cách khác. Thứ bóng đá như vậy cứ như không tồn tại vậy, vì nó chỉ tồn tại ở một số ít đội bóng. Làm sao mà tôi có thể bắt Bunrley chơi kiểm soát bóng cho được?
Nếu tôi có Xavi, Iniesta, Busquets,… không lẽ tôi bắt họ chơi thứ bóng đá trực diện, chạy hùng hục và phản công nhanh? Như thế thật ngu ngốc! Nếu anh không chơi bóng, tự bản thân các cầu thủ sẽ la lên: “Này, chúng ta phải chơi bóng từ dưới lên! Phải triển khai từ tuyến dưới và giữ vị trí như thế này.” Anh sẽ ăn nói sao với Pique đây? Có những cuộc tranh cãi thật vô ích. Thứ quan trọng nhất là cho mọi người thấy bản thân anh là ai, chứ không phải tìm cách diễn nó.
- Ông từng nói: “Chỉ cần có đam mê, chúng ta có thể đánh bại bất kỳ ai.” Ông có tin rằng ở một chừng mực nào đó thì đây là một câu nói sáo rỗng? Không lẽ đam mê có thể giải quyết hết các vấn đề chiến thuật sao?
- Ấy vậy mà chúng tôi cứ lặp lại câu nói ấy suốt đó thôi. Không có thái độ, không có nỗ lực, không có cảm xúc, không có khát khao, thì cũng chẳng có phương án chiến thuật nào cả. Chúng ta đang dẫn bóng đá đến sự lẫn lộn. Đến nỗi bóng đá phải như bây giờ mới là đúng. Những người theo trường phái kiểm soát bóng thịnh hành hay nói: “Cứ để quả bóng chạy, cầu thủ không cần phải chạy.” Hay đấy! Nhưng với những người có suy nghĩ đó và có Xavi trong đội hình của mình, nếu các cầu thủ không chạy thì khác gì đang tự giới hạn khả năng phối hợp. Cũng những người đó nếu có Messi trong đội hình nhưng nếu chỉ đạo các cầu thủ khác không chạy chỗ, không di chuyển, thì ai sẽ thu hồi bóng, khi mất bóng sẽ ra sao. Chẳng một ai lại muốn: “Nếu tôi có Messi, cả đội sẽ phải mất cân bằng vì Messi.” Toàn đội hình phải di chuyển.
Ngày nay có vẻ như nếu một huấn luyện viên không nói về kiểm soát bóng, về chiến thuật phân kỳ thì đơn giản là ông ta không có kiến thức về bóng đá. Anh chỉ cần đến Barcelona, Man City và thốt lên: “Bóng đá định hướng vị trí!” Hay đấy! Nhưng bóng đá định hướng vị trí chỉ thành công một khi anh có những nhân tố nhất định để phát triển trận đấu. Và không phải lúc nào cũng có nghĩa rằng một huấn luyện viên phát triển thứ bóng đá đó có những sự chuẩn bị kỹ càng. Thế nên, nếu muốn đưa thứ bóng đá ấy vào các đội bóng khác, dễ dẫn tới sự hỗn loạn và nhầm lẫn. Vì luôn có những cầu thủ không có được kỹ thuật tốt để chơi bóng theo kiểu đó và có những cầu thủ nghĩ rằng bản thân họ đủ tốt.
- Ông có cho rằng giờ đây, ngay cả những cầu thủ giỏi, có kỹ thuật và luôn muốn có bóng cũng không ngừng di chuyển trên sân? Ở Man City, có những cầu thủ như thế và họ di chuyển liên tục…
- Ý anh là Bernardo Silva phải không!? Vấn đề sẽ phát sinh khi các cầu thủ ở xa nhau và không chịu di chuyển, cho dù đội bóng ấy có kiểm soát bóng tốt đến thế nào, hay đội bóng ấy thu hồi bóng quyết liệt ra sao. Nếu đội bóng của anh không kiểm soát bóng thật sự tốt, hay anh không có những cầu thủ với khả năng chuyền bóng xuyên phá các tuyến đối thủ,… chẳng cần biết anh dùng hệ thống 4-3-3 nhiều đến thế nào, đội bóng của anh sẽ bế tắc nếu thiếu đi những cầu thủ chạy cánh khiến hàng thủ đối phương mất cân bằng ở các tình huống một đối một.
- Ajax được xem là một cuộc cách mạng về chiến thuật. Nhưng đội bóng ấy vẫn có những nét của quá khứ? Ông đánh giá như thế nào?
- Các anh bị tuổi trẻ và sự sôi nổi thu hút quá rồi. Đôi khi những tình huống tấn công phức tạp nhất trong bóng đá được tự ý phát sinh bởi ham muốn của bóng của cầu thủ. Chính ham muốn và khát khao đó là thứ giúp Ajax đánh bại chúng tôi trong hiệp 1 của trận lượt đi bán kết.
Khi phân tích trận đấu, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ một sai sót, một vấn đề chiến thuật nào phát sinh so với kế hoạch ban đầu. Hay nói cách khác, Ajax không tìm thấy sơ hở chiến thuật của chúng tôi để khai thác. Chính ham muốn và khát khao có bóng của họ giúp họ chiến thắng: Tôi chạm bóng rồi di chuyển, tôi chạm bóng rồi tìm kiếm khoảng trống, tôi chạm bóng rồi lại di chuyển… Tôi muốn có bóng! Ajax họ chơi bóng như thế. Trong hiệp 2, nếu hiệu quả hơn một chút, chúng tôi đã có thể khiến đối thủ bị thủng lưới, và lúc đó họ không còn tạo ra thêm được một cơ hội nào khác.
Cá nhân tôi đánh giá, Ajax là một tập thể với những cầu thủ rất kỹ thuật, nhưng đồng thời họ lại quá tự do và thiếu trách nhiệm. Tìm ra một đội bóng như thế ngày nay là rất khó. Một đội bóng hoàn toàn cảm thấy thoải mái và tự do để bộc lộ khả năng trên sân. Không ai đặt mục tiêu hay sự kỳ vọng nào cho họ. Không ai chờ đợi gì cả. Thế là họ cứ ngây thơ vô tội nói rằng: “Tôi sẽ ra sân và chơi bóng.”
- Nhưng tại sao ông lại nói họ thiếu trách nhiệm? Vì họ thiếu tổ chức và không nghĩ đến chuyện chạy về phòng thủ à?
- Vì họ chơi bóng với ham muốn và khát khao. Họ không cho thấy một cấu trúc tổ chức rõ ràng khi kiểm soát bóng lẫn khi phòng thủ. Ajax là một tập thể tự động đưa ra các quyết định trên sân dựa trên sự lựa chọn của cá nhân. Chỉ cần phân tích Ajax thì anh sẽ thấy, các quyết định của cá nhân cầu thủ luôn chiếm ưu thế.
- Ông từng nói rằng khi ông trải qua bài kiểm tra để gia nhập học viện Newell’s Old Boys, Bielsa chỉ mất có 5 phút để nhìn ra khả năng của ông trong vai trò của một trung vệ. Vậy ông nhìn thấy gì ở Matthjs de Ligt?
- Tôi nhìn thấy những phẩm chất tự nhiên, những tố chất sẵn có. Nếu phải miêu tả thì đó là một chàng trai với phẩm chất nguyên thủy là sự cam đảm. Với phẩm chất đó, anh có thể trở thành một trung vệ. Nếu không có sự can đảm, anh vẫn có thể chơi được ở một vị trí khác, nhưng không phải là trung vệ. Ở vị trí đó, cậu ấy đọc được mọi thứ diễn ra trên sân. Nhưng cậu ấy chơi được vị trí đó vì cậu ấy can đảm. Cậu ấy cắt bóng vì can đảm. Cậu ấy phòng ngự hay vì can đảm. Cậu ấy bắt bài đối phương vì dám chạy đến những chỗ không ai dám. Ở vị trí đó, với tố chất sẵn có, cậu ấy buộc phải như vậy. Có nhiều phẩm chất của một cầu thủ giúp khắc họa nên con người anh ta. De Ligt mới chỉ có 19 tuổi. Thứ duy nhất cậu ấy còn thiếu là kinh nghiệm để biết khi nào thì cần lùi lại một bước, khi nào thì được phép tiến lên một bước.
- Có những trung vệ xuất chúng chỉ phòng ngự hay một khi họ lùi về. Như thế có nhát gan quá không?
- Làm sao chúng ta có thể biết được anh ta chọn lùi về là vì hèn nhát, hay là vì ở vị trí đó sẽ giúp anh ta phòng thủ tốt hơn, hoặc hạn chế được những rủi ro. Một cầu thủ biết rằng mình sẽ thua thiệt nếu dâng lên, vậy là anh ta lựa chọn lùi về, đấy cũng là sự can đảm khi bộc lộ bản thân. Cũng có cầu thủ khác chọn dâng lên và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro, đây cũng là sự can đảm.
Về cơ bản thì tuỳ tính khí mỗi cầu thủ! Puyol cũng giống như De Ligt, họ không chơi chân quá giỏi nhưng biết rõ công việc của mình: nghĩa vụ của một trung vệ là như thế nào. Có phải chuyền bóng lên từ tuyến dưới? Phải. Có phải dẫn bóng lên từ phía dưới? Phải. Họ tuân thủ mệnh lệnh. Lòng can đảm và năng lượng chiến đấu tạo nên con người họ. Xem De Ligt thi đấu khiến tôi cảm nhận được như vậy. Cậu ấy tự tin vào sức mạnh của mình.
- Nếu phải chỉ ra một cá nhân nào đó ở Ajax khiến Tottenham gặp nhiều vấn đề nhất, ông sẽ nói đó là ai?
- Van de Beek. Nhưng chẳng ai nhắc đến cậu ta cả. Cậu ấy mang đến sự cơ động ngay phía sau Tadic, cậu ấy chăm chỉ và biết ghi bàn. Đương nhiên là tôi cũng thích cả De Jong và De Ligt. Nhưng Van de Beek là ví dụ cho cách vận hành của Ajax.
Cứ ở mỗi tuyến, Ajax có một cầu thủ trẻ để lột tả hình ảnh của đội bóng này. Van de Beek, hay Neres, đều cho thấy được sự can đảm. Anh sẽ không cần phải nhắc họ: “Chạy ra cánh trái để áp đảo quân số” hay “Chạy lùi về”. Ajax có hai đôi cánh tự nhiên sẵn sàng bù đắp khoảng những thứ mà Tadic không có hoặc những thứ mà cậu ấy không muốn làm.
Neres, Van de Beek và Ziyech, họ mang lại sự can trường và thanh thoát cho Ajax. Họ chẳng có gì để mất cả. Chúng ta nhìn thấy tinh thần đó trước Bayern ở vòng bảng. Họ cứ đồng thanh: “Ra sân chơi bóng nào!” Thế là họ áp đảo, vượt trội trước Bayern, Madrid, rồi Juventus… và chúng tôi, trong 20 phút.
- Làm cách nào mà ông giúp các cầu thủ của mình hồi phục năng lượng khi phải phòng thủ trước các pha luân chuyển bóng liên hồi mà Ajax tạo ra?
- Lý giải ngọn nguồn thì câu trả lời không nằm ở chiến thuật. Tôi cũng không nghĩ rằng chúng tôi đuối sức trong việc bịt lại các khoảng trống. Trong hiệp 1 ở trận bán kết lượt đi, chúng tôi thiếu sự tập trung và quyết liệt. Trước Barcelona, chúng tôi mới từng có cảm giác mệt rã người, nhất là lúc Messi thăng hoa.
Nhưng trước Ajax, chúng tôi không có cảm giác như khi đối đầu với Barcelona hay Man City. City luân chuyển quả bóng còn nhiều hơn Ajax. Tôi tin rằng vấn đề của đội bóng bấy giờ là thiếu đi quyết tâm và quyết liệt cần có trong một trận bán kết. Vì thế tôi mới thất vọng. Nhưng chỉ cần gia tăng tốc độ, gia tăng cường độ lên một chút, đối thủ bắt đầu giảm nhiệt ngay lập tức.
- Vậy Ajax dễ hay khó bắt bài hơn City?
Những hành vi cá nhân tự lặp lại. Có những khuôn mẫu về hành vi cá nhân. Chúng tôi phân tích những khuôn mẫu đó thay là tính tập thể của Ajax. Với Man City, tính tập thể của họ đậm hơn tính cá nhân. Xét một cách logic, với những mô hình đậm nét tập thể, những cá nhân lớn như Aguero, De Bruyne, Bernardo Silva hay David Silva cũng có điều kiện toả sáng và dễ dàng được nhận ra hơn. Điều đó khiến Man City trở nên đáng sợ. Ajax thì lại mang tính tự phát trong lối chơi.
- Ông trông chờ một thế trận ra sao ở Amsterdam?
- Mở. Với tôi, trận play-off sẽ có thế trận mở. Ai nấy cũng đặt cửa Ajax vào chung kết. Nhưng chúng tôi có niềm tin. Với đối thủ, phải bảo vệ lợi thế trên sân nhà là một trải nghiệm mới, còn chúng tôi thì đã có kinh nghiệm rồi. Mọi người sẽ nghĩ chúng tôi chết chắc, nhưng chỉ cần ghi được một bàn, chúng tôi sẽ mở ra cơ hội cho chính mình. Ghi bàn không phải là điều quá khó, nếu như nhìn lại quá khứ khi chúng tôi từng ghi ba bàn tại sân của City.
- Làm thế nào mà đội bóng của ông vượt qua nghịch cảnh trước Man City? Đó là những sự thiếu vắng của Winks, Lamela, Kane, Dier và Son. Những trường hợp vắng mặt này buộc ông phải thay đổi hệ thống và ý tưởng tiếp cận trận đấu nhiều lần.
- Chúng tôi luôn tìm cách linh hoạt, ứng biến trong đấu pháp. Những hệ thống chỉ là thứ để bắt đầu chứ không phải là nền tảng cơ bản để phát triển trong trận đấu. Vì vậy mà chúng tôi thích nói nhiều hơn về sự phát triển chiến thuật trong trận đấu thay vì hệ thống. Mọi người thì cứ luôn miệng nói về nào là 4-4-2, nào là 5-3-2,…
- Ông có đơn giản hoá mô hình triển khai trận đấu để các cầu thủ thay đổi và thích ứng dễ dàng?
- Thông điệp đưa ra luôn đơn giản. Đơn giản trong sự phức tạp. Kiểm soát bóng là một chuyện và không kiểm soát bóng là chuyện khác. Khi có bóng, cách tổ chức như thế nào còn tuỳ thuộc vào việc chúng tôi muốn tìm kiếm điều gì, còn khi phòng thủ cách tổ chức ra sao sẽ tuỳ thuộc vào việc chúng tôi để mất bóng như thế nào. Chúng ta cần phải nhấn mạnh như vậy. Vì bóng đá rất đơn giản.
Nếu anh có bóng, anh sẽ làm gì? Các cầu thủ mà anh có trên sân có khả năng như thế nào? Anh tấn công bằng cách nào? Anh tìm ra điểm yếu của đối phương ra sao? Và khi không có bóng, anh phòng thủ như thế nào? Làm cách nào để tổ chức lại đội hình thật nhanh chóng? Các cầu thủ cần phải pressing ở đâu? Đội bóng muốn thu hồi bóng ở đâu và theo cách nào? Trong sự đơn giản luôn có sự phức tạp khi anh phải phát triển lối chơi ngày qua ngày.
Một khi đã thành thục, huấn luyện viên sẽ dễ dàng truyển tải thông điệp đến các cầu thủ để họ tự giác thực hiện. Nhưng sẽ luôn có những lúc các cầu thủ không thể nhận thấy sự thay đổi không lường trước trên sân.
Liverpool triển khai hệ thống 4-3-3 với ít sự linh hoạt. Ba cầu thủ nơi hàng tiền vệ với thiên hướng phòng thủ. Họ là một đội bóng dễ đoán với lối chơi nhất định. Khi rơi vào tình thế khó khăn, họ sẽ đưa Shaqiri hay Origi vào thay cho Lallana, Wijnaldum thay cho Keita,… từng vị trí một. City cũng như vậy thôi: nếu Mahrez không chơi tốt, Bernardo Silva sẽ thay thế; nếu Pep không chọn Sterling, ông ấy sẽ chọn Sane; nếu không phải là Ageuro thì sẽ là Gabriel Jesus,…
Điều cuối cùng vẫn là tìm kiếm ở mỗi cá nhân khả năng đánh bại đối thủ mà không cần phải thay đổi quá nhiều trong chiến thuật, hay thay đổi đấu pháp. Nếu anh có một ý tưởng bóng đá, hoàn hảo, bởi vì khi đó anh phát triển hệ thống dựa trên chất lượng của mỗi cá nhân, nếu Aguero không chơi tốt thì là Gabriel Jesus, nếu không có Sterling thì là Sane,… Điều đó khác hoàn toàn khi anh làm việc với một đội bóng mà ở đó anh phải tìm cách giúp từng cầu thủ găn kết lẫn nhau. Anh không thể quyết định liệu có hay không nên sử dụng những tiền đạo ở hai cánh.
- Vậy Tottenham có những tiền đạo chạy cánh nào?
- Nếu tôi có những hậu vệ cánh tấn công hay và đọc không gian tốt, tôi sẽ chọn những tiền đạo cánh bó được vào phía trong trung lộ. Vì Son vốn không phải là một tiền đạo cánh có thể tạo ra sự khác biệt ở những tình huống một đối một, cũng như Lucas Moura hay Lamela.
Đặc điểm của trận đấu sẽ phụ thuộc vào đặc điểm trong lối chơi của các cầu thủ trên sân. Nếu anh muốn chơi với một đấu pháp chiến thuật nhất định, anh sẽ cần phải có những cầu thủ tốt nhất. Những cầu thủ này làm nên ưu thế cho một vài huấn luyện viên trước những huấn luyện viên khác. Nếu tôi có 300 triệu euro để mua sắm, tôi có thể tìm kiếm những cầu thủ có khả năng định đoạt trận đấu theo ý đồ lối chơi mà tôi muốn. Nhưng ngược lại, tôi sẽ phải tìm kiếm sự linh hoạt và ứng biến trong trận đấu.
Valdano từng nói với tôi rằng: “Tottenham có quá nhiều hạn chế; nhưng nhờ đó lại mở ra nhiều cơ hội và phương án lựa chọn hơn. Ít nhất là có thể nhận thấy nếu đối thủ pressing đúng chỗ, tiết tấu triển khai bóng của Tottenham sẽ bị tác động, các cầu thủ sẽ bị bối rối. Nhưng nếu cầu thủ không có được thế mạnh về thể chất, kỹ thuật hoặc sức mạnh tinh thần, kiểu gì đội bóng cũng gặp khó khăn.” Ông nói đúng! Chính vì thế, một huấn luyện viên cần phải tìm ra sự linh hoạt trong lối chơi để các cầu thủ có thêm nhiều phương án trên sân. Bằng không thì không thể.
- Ông có thể ví dụ cụ thể hơn về sự linh hoạt trong lối chơi của Tottenham?
- Tấn công với hai tiền đạo ở bên trong, mở ra khoảng trống ở hai cánh, tấn công với ba tiền đạo,… Chúng tôi còn có thể chơi với một tiền vệ, hoặc hai, hoặc ba,… Chúng tôi có thể chơi với những hậu vệ cánh dâng cao hoặc lùi sâu; hoặc một bên thì hậu vệ cánh dâng cao, bên còn lại thì lùi thấp; hoặc với những tiền vệ chạy cánh,… Chúng tôi có rất nhiều phương án khác nhau.
- Một bất lợi khác của Tottenham là không mua sắm gì trong hai kỳ chuyển nhượng đã qua. Liệu việc không làm mới đội hình có ảnh hưởng tiêu cực đến các cầu thủ hiện tại?
- Sau 4 năm, mùa hè vừa qua chúng tôi phải đưa ra một lựa chọn quan trọng. Tân binh: không. Những cầu thủ muốn ra đi: một vài. Có những cầu thủ đã gọi điện cho tôi trong kỳ World Cup và họ nói: “Sếp ơi, nếu đội bóng này muốn có em, em sẽ ra đi.” “Cậu cứ nói với chủ tịch nhé.” “Dạ vâng, nhưng em muốn nói cho thầy biết vì sao em muốn được chơi cho đội bóng này, đội bóng nọ.” “Ừ, như thế là tốt.” Tôi nói chuyện với ngài chủ tịch: “Đừng đặt niềm tin vào những cầu thủ muốn ở lại, thay vào đó là với những cầu thủ muốn ra đi, vì những cầu thủ muốn ra đi để chơi cho một đội bóng lớn thường là những cầu thủ giàu tham vọng và muốn giành được các danh hiệu. Họ chính là những mẫu cầu thủ mà Tottenham cần, vì đó cũng là những cầu thủ sẽ cống hiến hết mình cho đội bóng.”
Khi giai đoạn tiền mùa giải bắt đầu, thị trường chuyển nhượng khép lại, những cầu thủ muốn ra đi cũng không tìm được bến đỗ và không có tân binh nào cập bến. Thế là mọi thứ được bình định. Chúng tôi gặp nhau để nói chuyện rõ ràng. Hoặc tất cả cùng bắt đầu lại từ mớ hỗn độn, hoặc tiếp tục níu kéo nhau như 2 năm qua.
Chúng tôi thành thật với nhau: “Này các cậu, có nhiều người đã muốn ra đi, có nhiều người chỉ suy nghĩ cho lợi ích bản thân. Thế nên, từ giờ tôi hứa sẽ soi xét và đánh giá từng người một. Ai từng muốn ra đi, ai từng không được ra sân nhiều mùa giải trước, hay ai từng thi đấu tệ, tôi cũng sẽ đều không quan tâm. Tự các cậu sẽ kiếm một suất ra sân cho chính mình. Tôi sẽ không để bụng những chuyện diễn ra của ngày hôm qua. Chỉ cần các cậu tận hiến, chúng ta sẽ cùng nhau tiến về phía trước. Bằng không, đi mà tập với đội trẻ. Đến tháng Giêng, chúng ta sẽ tìm kiếm giải pháp! Tôi hứa lúc đó tôi sẽ nhìn vào các cậu như thể tôi mới vừa đặt chân đến câu lạc bộ này.”
Đấy chính là lời cam kết của chúng tôi. Chúng tôi phải làm như vậy, bằng không đội bóng sẽ nát. Vì nếu chúng tôi cứ tiếp tục những cuộc chiến, những sự chật vật đã kéo dài suốt 4 năm qua, làm sao cả đội có thể đồng lòng? Làm sao tôi có thể phát huy tinh thần của cộng đồng? Khi mà mọi người đều bắt đầu mùa giải ở mức ngang nhau, cả con tàu sẽ cùng tiến. Do đó, những gì mà tập thể này đạt được còn quan trọng hơn việc đoạt danh hiệu.
- Vậy ưu tiên của câu lạc bộ là lợi nhuận hay danh hiệu?
- Các huấn luyện viên thì sẽ nói họ muốn giành danh hiệu. Nhưng danh hiệu là thứ mà anh đầu tư vào để có được. Ở đây lại có thêm một tranh luận khác: “Anh phải giành danh hiệu,” “Anh phải đoạt được chiếc cúp này.” Ai mà chẳng muốn có danh hiệu? Nhưng đâu có dễ để vào đến bán kết Cúp Liên đoàn trước Chelsea như cách chúng tôi đã làm được trong mùa giải này. Chúng tôi thua trên loạt sút luân lưu và báo chí nói rằng huấn luyện viên của Tottenham không muốn vào chung kết vì họ có bao giờ ưu tiên giành các danh hiệu đâu. Chúng tôi muốn có danh hiệu chứ!
Hãy nhìn vào băng ghế dự bị của chúng tôi và Ajax… Họ có Huntelaar, Dolberg. Còn chúng tôi có tiền đạo nào trên ghế dự bị ở lượt đi? Rõ ràng là chúng tôi trở thành nạn nhân của thành công. Nhưng liệu thành công hiện tại có đủ để đưa Tottenham vào bán kết? Khi anh nhìn vào cặp Barcelona - Liverpool, anh sẽ thấy một đẳng cấp khác.
Chúng tôi vào đến đây vì chúng tôi dũng cảm, chúng tôi tham vọng hoặc cũng có thể vì chúng tôi may mắn. Hoàn cảnh của Tottenham khác những đội bóng kia. Rõ ràng chúng tôi không thuộc về vòng bán kết Champions League, nhưng chúng tôi vẫn làm được. Cặp đấu Barcelona - Liverpool là trận đấu thuần bóng đá, bởi cả hai đội đều có đầy đủ nguồn lực trong tay. Còn với Tottenham - Ajax thì sao? Chúng tôi không có trong tay những nguồn lực tốt nhất. Vì vậy mà Tottenham mới có nguy cơ chất thương cao.
- Cảm giác của ông ra sao khi từ chối những lời đề nghị từ các câu lạc bộ lớn, trong đó có Real Madrid?
Đâu có dễ để lắc đầu. Huấn luyện viên nào mà không mơ ước được dẫn dắt cho những câu lạc bộ lớn nhất thế giới. Nhưng khi đó anh lại phải từ chối. Thật khủng khiếp phải không!? Bản thân anh diễn ra sự xung đột. Nếu một huấn luyện viên muốn ra đi, ông ta sẽ ra đi. Nhưng tôi thì lại vừa ký hợp đồng mới với Tottenham. Tôi cảm giác mình chẳng thể làm được gì. Chủ tịch Daniel Levy không muốn chấp nhận bất cứ lời đề nghị nào để giải phóng hợp đồng của tôi, và nếu những câu lạc bộ đó muốn tôi tự phá vỡ hợp đồng thì tôi không thể, vì tôi không muốn hành xử theo kiểu đó.
Nếu ngài chủ tịch muốn tôi tiếp tục, tôi sẽ tiếp tục và sẽ không tìm cách ra đi. Con người tôi không phải như vậy, tôi có những giá trị và nguyên tắc của bản thân. Và giả sử một huấn luyện viên phá vỡ cam kết của ông ta với câu lạc bộ cũ, điều đó có tốt cho câu lạc bộ mới?