Prometheus và cuộc hành trình đến hành tinh chết

“Prometheus” của Ridley Scott kể về những sự kiện trước “Alien” và đem lại cho người xem nhiều câu hỏi về nguồn gốc của loài người.
Khi nhắc tới đạo diễn kì cựu Ridley Scott, khán giả đam mê điện ảnh có thể nhớ tới ông bởi sự đa dạng trong thể loại phim, từ sử thi (Gladiator, Kingdom of Heaven, Robin Hood), chiến tranh (Black Hawk Down) hay hình sự (American Gangster). Song trước khi thành danh với những bộ phim trên, đạo diễn người Anh này đã làm nên tên tuổi mình với thể loại phim khoa học viễn tưởng, với “Blade Runner” năm 1982 và đặc biệt là “Alien” (1979) – tác phẩm khởi đầu cho serie quái vật ngoài hành tinh cực kì ăn khách sau này. Sau hơn 2 thập kỉ chờ đợi, cuối cùng Ridley Scott đã quay trở lại với dòng phim trên bằng tác phẩm mới nhất “Prometheus” (tựa Việt là Hành trình đến hành tinh chết), một bộ phim kể về những sự kiện trước “Alien” và đem lại cho người xem nhiều câu hỏi về nguồn gốc của loài người. Cuộc sống này bắt nguồn từ đâu? Liệu có thật con người là kết quả của quá trình tiến hóa như Charles Darwin từng giải thích, hay do một Đấng tối cao nào đó tạo nên? Và nếu quả thực có những thế lực đã tạo ra loài người thì họ là ai, tại sao họ lại tạo ra chúng ta và giờ thì họ ở đâu? Đó là những câu hỏi hẳn từng khiến biết bao người tự hỏi và trong “Prometheus”, một phi hành đoàn đã từ Trái Đất bay tới một hành tinh xa lạ, nơi mà họ tin rằng có thể giúp giải đáp mọi thắc mắc trên. Hai vị tiến sĩ khoa học Elizabeth Shaw (Noomi Rapace) , Charlie Holloway (Logan Marshall-Green) cùng nữ phi hành gia lạnh lùng Vickers (Charlize Theron) và một số nhà địa chất, khoa học gia khác cùng bước lên con tàu mang tên vị thần Prometheus để đi tìm hiểu sự thật – dựa trên những dấu hiệu mà loài người xa xưa để lại trên những vách đá. Nơi họ đặt chân tới là một hành tinh phủ màu xanh đen u ám, không một dấu hiệu của sự sống và ẩn chứa những hiểm họa chết người... Có thể khẳng định, điểm xuất sắc nhất của “Prometheus” là kĩ thuật dựng phim. Được quay bằng máy quay 3D chứ không phải camera thông thường rồi mới chuyển qua định dạng 3D nhờ máy tính nên hình ảnh trong phim hiện lên vô cùng sắc nét. Song thành công về mặt hình ảnh sẽ không thể đạt được nếu chỉ có máy quay mà thiếu đi bối cảnh làm nền. Đạo diễn Ridley Scott đã đầu tư vô cùng công phu lần tái xuất với thể loại phim giả tưởng lần này khi cho xây dựng 5 trường quay thực ở Anh làm hậu cảnh thay vì dựng mọi thứ lên bằng kĩ xảo CGI. Nhờ đó mà khán giả được chứng kiến một hành tinh chết đầy ấn tượng theo cách của riêng mình, không thua gì những bom tấn viễn tưởng thế kỉ 21. Nếu như “Avatar” từng làm người xem choáng ngợp bởi sự rực rỡ đầy màu sắc của khu rừng trên hành tinh Pandora, hay sự mênh mông của những hoang mạc cát ở sao Hỏa trong “John Carter” thì với “Prometheus” là một cảm giác lạnh lẽo, hoang vu và đầy chết chóc bao trùm. Người xem cũng sẽ không khỏi ấn tượng trước những tạo hình đáng sợ của các sinh vật ngoài hành tinh xuất hiện bất ngờ, hay khung cảnh khi David – một android (người máy mang hình dạng con người, do tài tử Michael Fassbender thể hiện) đứng trước mô hình dải thiên hà được hiện lên nhờ máy chiếu. Sự rộng lớn, bao la của vũ trụ và vẻ mặt ngất ngây của David khi chứng kiến mình nhỏ bé nhường nào trước các hành tinh chắc chắn là một trong những trường đoạn ấn tượng nhất phim. Cộng thêm hiệu ứng âm nhạc pha hơi hướng cổ điển và sử dụng cả các tác phẩm của Chopin, có thể nhận thấy tay nghề dựng phim của Ridley Scott vẫn chưa hề mai một.
Prometheus và cuộc hành trình đến hành tinh chết ảnh 1
Một cảnh trong Prometheus (Nguồn: MS)

Ở khía cạnh diễn xuất, hai nhân vật ấn tượng nhất là nữ khoa học gia Elizabeth và android David. “Cô gái có hình xăm rồng” Noomi Rapace đã có một vai diễn ấn tượng, khi khởi đầu như một người đam mê khoa học thông thường song dần cho thấy sự mạnh mẽ kiên quyết khi dần chứng kiến sự nguy hiểm của hành tinh chết. Trong khi đó, một người máy thông minh với trí tư duy của riêng mình và không có những cảm xúc giống loài người, ẩn chứa  nhiều bí ẩn là hình ảnh của David, phần nào đó gợi nhớ người xem tới nhân vật android Roy Betty trong một phim kinh điển khác của thể loại phim sci-fi cũng của đạo diễn Ridley Scott là “Blade Runner”. Những nhân vật còn lại trong phim không để lại nhiều dấu ấn, kể cả minh tinh Nam Phi từng đoạt giải Oscar Chalize Theron. Song bất chấp những thành công về dựng phim và diễn xuất, “Prometheus” dường như vẫn chưa đáp ứng được kì vọng của những fan trung thành của thể loại khoa học viễn tưởng, xét về mặt hấp dẫn của tác phẩm. Với nội dung quá lớn để chuyển tải (giới thiệu hành tinh chết, các thành viên phi hành đoàn và hành trình đi tìm sự khởi nguồn), nên bất chấp thời lượng lên tới 124 phút, các câu hỏi vẫn chưa thể có một lời giải đáp thỏa đáng và không có quá nhiều diễn biến gay cấn. Theo những tin đồn thì Ridley Scott sẽ thực hiện phần tiếp theo là “Paradise”, và liệu đây sẽ là tập phim mà những cao trào, bí ẩn, chiều sâu nhân vật và lời giải đáp thực sự cho “Prometheus” được phơi bày? Với thời lượng khá dài và có nhiều cảnh quay khá ghê rợn đủ khiến người xem phải rùng mình (phim hạn chế khán giả dưới 17 tuổi), “Prometheus” là một bộ phim khá kén người xem và phù hợp với những fan ruột của thể loại khoa học viễn tưởng thuần chất.
Prometheus (tựa Việt là Hành trình tới hành tinh chết)
Đạo diễn: Ridley Scott
Diễn viên: Michael Fassbender, Noomi Rapace, Charlize Theron
Thể loại: Khoa học viễn tưởng
Thời lượng: 124 phút
Hãng phát hành: 20th Century Fox
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 15/6.


Trailer của Prometheus:


Thịnh Joey (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục