Pyeongchang - "chất xúc tác” gỡ bế tắc căng thẳng bán đảo Triều Tiên?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Seoul về khả năng tham gia Olympic Pyeongchang 2018, giống như một “nhành ôliu” hưởng ứng chủ trương đối thoại.
Pyeongchang - "chất xúc tác” gỡ bế tắc căng thẳng bán đảo Triều Tiên? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong cuộc họp với Tư lệnh các lực lượng chiến lược. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Kết thúc năm 2017 với nhiều phen “ngộp thở” vì mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên leo thang tới mức chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu Năm mới 2018.

Những cụm từ như “đối thoại,” “đàm phán” và “hòa bình” được nhắc lại nhiều lần trong tuyên bố của cả lãnh đạo Triều Tiên lẫn Hàn Quốc, đang khiến dư luận hy vọng kỳ Olympic Pyeongchang 2018 sắp tới có thể trở thành “chất xúc tác” giúp tháo gỡ thế bế tắc nhiều năm nay liên quan tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thông điệp đầu Năm mới 2018 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó khẳng định hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ, Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Seoul về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, giống như một “nhành ôliu” hưởng ứng chủ trương đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

[Triều Tiên tìm cách làm suy yếu các biện pháp trừng phạt quốc tế]

Đây là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Bình Nhưỡng bởi lâu nay Triều Tiên dường như vẫn "phớt lờ" đề xuất của Seoul về đối thoại hai miền, bất chấp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kể từ khi nhậm chức hồi tháng Năm năm ngoái đã nhiều lần gợi ý Hàn Quốc và Triều Tiên giải quyết căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên trên bàn đàm phán.

Bày tỏ hy vọng về một “giải pháp hòa bình,” ông Kim Jong-un một lần nữa muốn khẳng định rằng Triều Tiên là một quốc gia “hành xử có trách nhiệm”.

Gợi ý đối thoại được nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang liên tiếp hứng chịu những sức ép từ bên ngoài, với những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay.

Trong thông điệp đầu Năm mới 2018, ông Kim Jong-un thừa nhận rằng nhân dân Triều Tiên đang phải đối mặt với “cuộc sống khó khăn" do các biện pháp cấm vận. Chính vì vậy, gợi ý đối thoại của ông Kim Jong-un được không ít nhà quan sát quốc tế cho là "kế hoãn binh", có nghĩa là Triều Tiên muốn tạo ra lý do chính đáng để có thêm thời gian tạm ngừng hoặc giảm bớt tần suất các vụ thử hạt nhân-tên lửa và tập trung vào các hoạt động sản xuất để phát triển kinh tế.

Giới chuyên gia thận trọng cảnh báo rằng sự thay đổi chiến thuật của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chỉ cốt để tạo một không gian "đỡ ngột ngạt hơn." 

Nhiều ý kiến mang nặng hoài nghi còn cho rằng động thái của Triều Tiên còn có thể nhằm tìm cách chia rẽ Hàn Quốc với đồng minh chính của Seoul là Mỹ - quốc gia đã từ chối đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên và chủ trương gia tăng sức ép kinh tế với Bình Nhưỡng.

Chính quyền Mỹ cũng khẳng định kiên trì với chính sách gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt và đe dọa. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump dù thừa nhận đề xuất của Bình Nhưỡng là "tin tốt lành," nhưng cho rằng việc Triều Tiên quay lại đối thoại là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng,

Tuy nhiên, bất kể động thái "dịu giọng" này có thể được hiểu là cách để Bình Nhưỡng gián tiếp hạ nhiệt căng thẳng với Washington, khi mà nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ cao hơn bao giờ hết, hay Bình Nhưỡng đang muốn “thử phản ứng,” để xem liệu có tồn tại "vết nứt" nào trong quan hệ giữa Seoul và Washington hay không, thông điệp về đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể coi là tín hiệu hết sức tích cực và mang tính thiện chí.

Pyeongchang - "chất xúc tác” gỡ bế tắc căng thẳng bán đảo Triều Tiên? ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhất là trong bối cảnh năm qua, cuộc khủng hoảng hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên thực sự đã bị đẩy lên nấc thang mới, với những hành động cũng như tuyên bố cứng rắn chưa từng thấy của cả phía Mỹ và Triều Tiên, trong đó có việc Washington đưa Triều Tiên trở lại cái gọi là danh sách “các nước bảo trợ khủng bố.”

[Mỹ không chấp nhận giải pháp đàm phán tạm thời về vấn đề Triều Tiên]

Có lẽ nhận thức rõ cơ hội quý giá này, chính quyền Hàn Quốc đã nhanh chóng hoan nghênh thông điệp đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn là người chủ trương thúc đẩy đối thoại liên Triều, đã lập tức đề xuất tiến hành đối thoại ngay trong tuần tới để tạo điều kiện cho các vận động viên Triều Tiên tham gia thi đấu tại Olympic Pyeongchang, cũng như các biện pháp khác nhằm cải thiện quan hệ liên Triều.

Là người ủng hộ “Chính sách Ánh dương”, vốn được các đời tổng thống tiền nhiệm của Hàn Quốc thực thi từ năm 1998-2008, chính ông Moon đã nhiều lần đưa ra các đề xuất đàm phán quân sự liên Triều, đối thoại Hội Chữ thập Đỏ, và đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên… song không nhận được sự hưởng ứng của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho tới nay vẫn theo đuổi giải pháp đối thoại, và có cách tiếp cận cởi mở hơn với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Park Geun-hye. Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt thời gian qua, dù cứng rắn đến mấy, vẫn luôn bị coi là phản tác dụng, Hàn Quốc có lý do để hưởng ứng tích cực thiện chí của Triều Tiên. Seoul cho biết có thể đối thoại với Triều Tiên “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới mọi hình thức.”

Nếu đề xuất của Hàn Quốc tiến hành đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9/1 thành hiện thực, đây sẽ là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa 2 miền Triều Tiên kể từ năm 2015. Và nếu mọi chuyện suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên phái đoàn Triều Tiên tham dự một kỳ Olympic được tổ chức tại Hàn Quốc. Trước đó, Bình Nhưỡng đã tẩy chay Olympic Seoul 1988.

Việc một phái đoàn Triều Tiên tham gia Olympic tổ chức tại Hàn Quốc sẽ mang tính biểu tượng cao bởi hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Theo Viện Chiến lược an ninh quốc gia (INSS), trực thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, nếu đàm phán diễn ra, phía Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu Seoul dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nối lại các dự án kinh tế liên Triều và cung cấp viện trợ để đổi lấy việc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang 2018.

INSS cũng dự đoán rằng trong các cuộc đàm phán sắp tới, phía Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung, cũng như Washington phải ngừng triển khai thường xuyên các loại vũ khí chiến lược đến Bán đảo Triều Tiên – điều mà Mỹ và Hàn Quốc bấy lâu nay vẫn phản đối. Cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục các vụ thử tên lửa nếu điều kiện của họ không được chấp thuận.

Vấn đề hiện nay là Seoul và Washington sẽ chấp nhận nhượng bộ đến đâu và liệu các bên có tận dụng tối đa cơ hội "vàng" để giải quyết căng thẳng bằng con đường ngoại giao. Trong lịch sử, phương thức "ngoại giao thể thao" đã từng được sử dụng và phát huy hiệu quả trong việc "gỡ nút thắt" cho các mối quan hệ chính trị căng thẳng.

Sự kiện Olympic Pyeongchang sắp tới, nếu có đoàn Triều Tiên tham gia, có thể ghi một dấu mốc mới của sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và hy vọng có thể sẽ trở thành “chất xúc tác” cho các cuộc đàm phán lâu dài hơn nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho căng thẳng hiện nay./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.