Bài 2: Chính sách hỗ trợ đi thẳng vào "túi tiền" của doanh nghiệp
Năm 2022, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí,... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Các chính sách trên được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Các giải pháp miễn, giảm các thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mang ý nghĩa như một khoản tiền Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính “dư dả” hơn
Bên cạnh đó, các chính sách giãn thuế được xem như một khoản cho vay không tính lãi, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Đây là là cơ sở để doanh nghiệp lấy đà phục hồi, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Sau một năm nhìn nhận những tác động xã hội của Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng như những đóng góp của ngành Tài chính trong thời gian qua, Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cao Anh Tuấn về vấn đề này.
Đảm bảo mọi người nộp thuế tiếp cận chính sách
- Thưa ông, để thực hiện các chính sách ban hành, ngành Tài chính đã xây dựng và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn tình thế cho người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cao Anh Tuấn: Ngay khi các chính sách được ban hành, cơ quan thuế các cấp đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuế đất kịp thời cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình,... để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của các chính sách này thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, đảm bảo mọi người nộp thuế tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ đó tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế.
['Quả ngọt' năm 2022: Dấu ấn quan trọng của quyết sách đúng đắn]
Trước đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chủ trì đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 đến thu ngân sách Nhà nước đồng thời đánh giá hiệu quả của chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2021, cung cấp thông tin kịp thời cho các cấp có thẩm quyền quyết định sớm, ban hành các chính sách hỗ trợ người nộp thuế trong điều kiện nền kinh tế năm 2022 đang dịch chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới” giúp doanh nghiệp và người dân kịp thời có thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội ban hành với nội dung thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn từ rất sớm.
Thực hiện triển khai, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất năm 2022; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định 91/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Thêm vào đó, tình hình xung đột quân sự Nga-Ukraine căng thẳng hơn trong những tháng đầu năm 2022, dẫn đến giá dầu tăng cao. Do vậy, Tổng cục Thuế đã bám sát diễn biến giá dầu thế giới, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp.
Sau đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các đơn vị tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/03/2022 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 01/04/2022. Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm kịch khung thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay từ ngày 11/07/2022, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép” - vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó gia tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Đến nay, tổng số tiền thuế thuộc diện gia hạn, miễn, giảm khoảng gần 168 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế của người nộp thuế thuộc diện được gia hạn ước khoảng 106 nghìn tỷ đồng và số thuế, phí, lệ phí được miễn giảm ước tính khoảng 62 nghìn tỷ đồng.
Sẵn sàng hỗ trợ người nộp thuế
- Việc thực hiện nhanh và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ trên lĩnh vực thuế đã góp phần giúp người nộp thuế khắc phục khó khăn, giảm các áp lực - nhất là về tài chính, sớm khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định “sức khỏe” của doanh nghiệp, tạo nguồn thu bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách đã gặp phải những khó khăn như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cao Anh Tuấn: Đối với doanh nghiệp, người dân, việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ do một số doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng hay không.
Về phía cơ quan Thuế, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước chịu nhiều tác động kém thuận lợi, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc triển khai các giải pháp về chính sách thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng đã đặt ra những thách thức lớn với nhiệm vụ thu ngân sách.
Tuy nhiên, ngành Thuế luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, các cục thuế địa phương đã thực hiện một số giải pháp, như bám sát thực tế, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn. Các đơn vị trong ngành quán triệt đến toán thể cán bộ, công chức trong ngành thường xuyên tự nghiên cứu, cập nhật các chính sách pháp luật để sẵn sàng hỗ trợ người nộp thuế.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, linh hoạt đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ chính sách thuế đến người nộp thuế. Các cục thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương để nâng cao chất lượng và giúp phổ biến chính sách đến với doanh nghiệp, người dân được nhanh chóng, kịp thời.
Về phía cấp quản lý, toàn ngành quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác thuế, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trên cơ sở xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đối với từng nhiệm vụ đồng thời thường xuyên, nghiêm túc kiểm tra, giám sát, kiểm đếm đánh giá kết quả thực hiện.
Phát huy những thành tích đã đạt được năm 2022, trước dự báo năm 2023 có những thời cơ, thuận lợi mới đan xen khó khăn, thách thức và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, giá cả hàng hóa, giá xăng dầu khó dự báo, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, năng lực sản xuất, gây thiếu hụt nguồn cung, tạo sức ép lên lạm phát, giá cả hàng hóa,...
Do đó, bên cạnh việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các cục thuế bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như các sắc thuế, khoản thuế cần phải thu, trong đó chú trọng khai thác các nguồn thu còn dư địa lớn. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung xử lý tình trạng nợ đọng thuế, để bổ sung vào thu ngân sách Nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ kép
- Hậu quả của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh, trong đó nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư. Theo đó, số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các năm đồng thời tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cao Anh Tuấn: Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã và đang dần phục hồi.
Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội được Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực.
Tuy nhiên, hậu quả của dịch COVID-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư.
Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các năm đồng thời tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.
Với quyết tâm chính trị là tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép, phát huy tối đa những kết quả đạt được trong năm 2021 và những năm qua, cơ quan Thuế đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ là công tác trọng tâm. Cùng với đó, toàn ngành tập trung triển khai xử lý nợ, khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước và tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Trong năm 2022, toàn ngành thuế đã ban hành gần 450 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế, trên cơ sở đó đạt 100% số số người nộp thuế thông báo, gửi thư điện tử trao đổi thông tin qua email về tình hình nợ thuế của doanh nghiệp.
Mặt khác, cơ quan thuế các cấp kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ, để nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tái tài sản, bỏ trốn. Trong năm, toàn ngành thuế đã ban hành 160.500 quyết định cưỡng chế tài khoản, 18.990 quyết định cưỡng chế hóa đơn, hơn 3.000 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy phép và 150 quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp khác.
Bên cạch đó, cơ quan thuế đã thực hiện công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế. Ngành thuế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan thuế với 588.700 lượt người nộp thuế chây ỳ, nợ thuế không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền thuế nợ đã công khai là 186.400 tỷ đồng.
Mặt khác, ngành Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo các cục thuế tháo gỡ ngay những khó khăn cho người nộp thuế, giúp người nộp thuế ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo kịp thời hướng dẫn người nộp thuế lập giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng chính sách của Chính phủ và thực hiện xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định của Chính phủ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài 3: Hiệu quả từ những chính sách chưa từng có tiền lệ