Ngày 31/10, hãng tin Reuter (Anh) dẫn một nguồn giấu tên cho biết nhiều quan chức cấp cao của một số quốc gia trên thế giới đã trở thành mục tiêu của phần mềm tấn công mạng Pegasus, xâm nhập điện thoại thông minh của người sử dụng ứng dụng nhắn tin WhatsApp thuộc Facebook.
Nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra nội bộ của WhatsApp về sự cố trên cho biết tỷ lệ khá cao các nạn nhân là các quan chức chính phủ và quan chức quân sự của khoảng 20 quốc gia từ 5 châu lục.
Việc con số nạn nhân là các quan chức chính phủ lớn hơn so với những báo cáo trước đó cho thấy sự cố xâm nhập điện thoại qua ứng dụng WhatsApp có thể để lại hậu quả không nhỏ về chính trị và ngoại giao.
Trước đó, ngày 29/10, WhatsApp đã nộp đơn kiện Công ty phát triển phần mềm NSO Group với cáo buộc công ty có trụ sở tại Israel này đã phát triển và bán một phần mềm chuyên hack thông tin từ smartphone của người dùng ứng dụng WhatsApp.
[Cảnh báo lỗ hổng nguy hiểm mới, "giúp" hacker tấn công hệ thống]
Phần mềm này đã được sử dụng để tấn công smartphone của khoảng 1.400 người dùng WhatsApp trong khoảng thời gian từ 29/4-10/5 năm nay.
Mục tiêu của các vụ tấn công mạng này là nhằm vào các nhà báo, nhà ngoại giao, nhà hoạt động nhân quyền, các quan chức cấp cao trong các chính phủ và một số đối tượng khác. Tổng số nạn nhân bị tấn công mạng có thể cao hơn con số ước tính trên.
Dù chưa rõ những đối tượng sử dụng phần mềm để thực hiện các vụ tấn công nhưng NSO khẳng định bán độc quyền phần mềm này cho các khách hàng làm việc trong chính phủ.
NSO cho biết không thể tiết lộ danh sách khách hàng hay thảo luận cụ thể về việc sử dụng công nghệ mà họ đã phát triển.
Trước đó, NSO từng phủ nhận không làm gì sai và biện hộ rằng sản phẩm của họ chỉ để giúp các chính phủ truy bắt tội phạm và khủng bố. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng luôn hoài nghi lời biện hộ của NSO.
Trước khi gửi thông báo tới các nạn nhân, WhatsApp đã đối chiếu danh sách các mục tiêu bị tấn công với danh sách đối tượng tình nghi liên quan tới các cuộc điều tra tội phạm như khủng bố hay lạm dụng trẻ em nhưng không trùng hợp.
Hồi đầu tuần này, WhatsApp cho biết đã gửi cảnh báo tới những người dùng bị ảnh hưởng.
Là thị trường lớn nhất của WhatsApp với khoảng 400 triệu người dùng, truyền thông Ấn Độ đưa tin khoảng hơn 20 nạn nhân của sự cố là người quốc gia này.
Chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad cho biết New Delhi đã yêu cầu WhatsApp giải thích rõ về vụ việc và các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của hàng triệu công dân nước này đang sử dụng ứng dụng trên./.