Quân đội nhân dân Việt Nam: Lực lượng nòng cốt xây dựng quốc phòng toàn dân

Trải qua 80 năm, quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ," hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chủ tịch nước Lương Cường đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chủ tịch nước Lương Cường đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trải qua 80 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ,” thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đó là những nhận định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khi điểm lại lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam – Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/12.

vna_potal_hoi_thao_kh_cap_quoc_gia_ve_quan_doi_nhan_dan_viet_nam_viet_nam___7756061.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định Hội thảo có ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm tiếp tục nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm nhìn chiến lược, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quân sự, quốc phòng; về quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang của Quân đội và nhân dân ta.

Trên cơ sở đó, rút ra những kinh nghiệm và bài học lịch sử để vận dụng, phát huy trong xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,” xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị Hội thảo cần phân tích, luận giải, làm sâu sắc và nổi bật những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, phẩm chất và giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ,” qua đó đúc rút những bài học lịch sử, những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự, của văn hóa quân sự Việt Nam có thể vận dụng, phát huy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu trong thời bình của Quân đội. Tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng hoàn thành mục tiêu xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh,” tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

vna_potal_hoi_thao_kh_cap_quoc_gia_ve_qdnd_viet_nam_-_luc_luong_nong_cot_xay_dung_nen_quoc_phong_toan_dan_vung_manh__7756113.jpg
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hội thảo cũng cần tiếp tục quán triệt, phân tích, luận giải sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết những thành tựu và rút ra những bài học qua 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân; nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng các tham luận góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, trong đó có một số khía cạnh mới về chủ đề chính của Hội thảo.

Thành công và bài học kinh nghiệm được đúc rút có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cơ sở, hành trang quan trọng để tiếp tục xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại nói riêng; xây dựng, củng cố sự nghiệp quốc phòng, an ninh nói chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Kết quả của cuộc Hội thảo đã bổ sung, làm rõ thêm một cách khá toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Ngày thành lập và chặng đường vẻ vang 80 năm vững bước dưới cờ Đảng của Quân đội nhân dân Việt Nam; của Ngày hội Quốc phòng toàn dân, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân gắn với nền An ninh nhân dân vững mạnh,” ông Nguyễn Xuân Thắng kết luận./.

vna_potal_hoi_thao_quoc_gia_ve_vai_tro_quan_doi_trong_xay_dung_nen_quoc_phong_toan_dan_7756221.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường với các đại biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 100 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương; các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội… Các tham luận và ý kiến tại hội thảo đã tập trung luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân và nền quốc phòng toàn dân.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.