Chính phủ Thái Lan đã quyết định áp dụng luật tình trạng khẩn tại thủ đô Bangkok và một số khu vực lân cận cho dù không có được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía quân đội nước này.
Luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 60 và có thể được gia hạn trong trường hợp cần thiết để cho phép chính phủ có thêm quyền lực đối phó với tình trạng biểu tình.
Quyết định trên được đưa ra vào cuối ngày 21/1 sau một cuộc họp hẹp do Thủ tướng Yingluck Shinawatra chủ trì, nhưng không có các tư lệnh quân đội tham dự. Cuộc họp quyết định đổi tên Trung tâm thực thi hòa bình và trật tự thành Trung tâm gìn giữ hòa bình.
Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul được giao nhiệm vụ giám sát trung tâm, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yoobamrung trở thành chỉ huy, trong khi Tư lệnh cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaew và Bí thư thường trực quốc phòng Nipat Thonglek sẽ chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ. Không thấy sự tham gia của các tướng lĩnh tư lệnh quận đội.
Với sự phân công này, cảnh sát Thái Lan sẽ trở thành lực lượng chính triển khai các nhiệm vụ của luật tình trạng khẩn cấp, vượt trên cả lực lượng quân đội, một điều được cho là sẽ có vấn đề và chưa từng xảy ra từ trước tới nay.
Chính phủ Thái Lan giải thích việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp là cần thiết bởi các cuộc biểu tình của ông Suthep Thaugsuban đã vi phạm luật pháp. Những người biểu tình đã tấn công các cơ quan nhà nước, ngân hàng nhà nước và đe dọa các quan chức nhà nước. Kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ 31/10/2013, đã có 9 người chết và hơn 500 người bị thương.
Luật tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền ban bố giới nghiêm, hạn chế sự đi lại của người dân và kiểm duyệt cả báo chí, truyền thông. Theo Bộ luật hình sự của Thái Lan, lực lượng chức năng thực thi luật này sẽ được miễn trách nhiệm nếu có những hậu quả xấu xảy ra.
Các lực lượng thực thi công vụ vẫn được duy trì như cũ, với 50 đơn vị cảnh sát và 40 đại đội lính. Nhưng việc áp dụng luật này sẽ giúp họ thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Dự kiến người biểu tình sẽ được yêu cầu giải phóng rào chắn mà họ dựng trên đường phố quanh khu vực cắm trại biểu tình để người dân đi lại bình thường. Khu tổ hợp cơ quan nhà nước ở phía Bắc thủ đô sẽ phải được giải tỏa để khôi phục hoạt động.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep đã tuyên bố rằng người biểu tình sẽ không run sợ trước quyết định trên của chính phủ và các cuộc biểu tình sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Ông này khẳng định sẽ bất tuân thủ tất cả các quy định trong luật tình trạng khẩn cấp.
Theo quan sát của phóng viên, trong buổi sáng ngày 22/1, tất cả điểm điểm biểu tình vẫn hoạt động bình thường. Các thủ lĩnh biểu tình vẫn lên diễn đàn kêu gọi người dân ủng hộ, lều trại và rào chắn trên đường phố vẫn được giữ nguyên.
Chính phủ Thái Lan từng muốn áp dụng luật tình trang khẩn cấp từ vài ngày trước, nhưng đã bị quân đội phản đối. Nhưng cuối cùng họ vẫn phải quyết định áp dụng sau hàng loạt các vụ tấn công bạo lực khi chiến dịch đóng cửa Bangkok bước sang tuần lễ thứ hai.
Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cho biết việc tuyên bố luật tình trạng khẩn cấp là nhiệm vụ của chính quyền. Cảnh sát sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì trật tự. Quân đội sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, không đứng về bên nào. Tuy nhiên, nếu xảy ra bạo lực và mất kiểm soát, quân đội sẽ can thiệp.
Lực lượng an ninh Thái Lan dự báo rằng bạo lực có thể sẽ gia tăng trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra bởi người biểu tình sẽ làm tất cả để thực hiện mục tiệu buộc bà Yingluck từ chức và ngăn cản việc tổ chức bầu cử.
Ủy ban bầu cử quốc gia hôm nay đã kiến nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyến về việc cơ quan này hay chính phủ được quyền quyết định hoãn cuộc bầu cử sắp tới. Ủy ban này vẫn đề xuất hoãn bầu cử với lý do có 28 khu vực bầu cử không thể tổ chức bỏ phiếu. Điều này sẽ khiến không đủ số lượng nghị sĩ theo yêu cầu (475 người) để tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hạ viện. Như vậy, bầu cử sẽ không có kết quả và lãng phí ngân sách./.