Theo trang mạng orfonline.org, ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla thăm Moskva vào ngày 17-18/2 - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm nay - là một dấu hiệu quan trọng cho thấy các cơ chế song phương đã được khởi động trước hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn-Nga.
Các chuyến thăm song phương của Phó thủ tướng Yuri Borisov và Ngoại trưởng Sergey Lavrov tới New Delhi sẽ sớm được thực hiện. Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo BRICS năm 2021, dự kiến do Ấn Độ chủ trì, có thể mang đến cơ hội tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương trong những ngày này.
Mối quan hệ có cấu trúc theo chiều dọc
Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi năm ngoái đã bị hủy bỏ, gây ra nhiều tranh luận trên phương tiện truyền thông Ấn Độ và cộng đồng chuyên gia về một mối quan hệ song phương rạn nứt. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến New Delhi, bởi ông đã không có chuyến thăm nước ngoài nào kể từ tháng 1/2020 do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hai câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Thứ nhất, tại sao một cuộc đối thoại trực tuyến không được tổ chức? Thứ hai, tại sao các quan chức cấp cao của Nga không đến thăm Ấn Độ vào thời điểm các đồng nghiệp của họ ở nước ngoài đang tiếp xúc trực tiếp với các đối tác Ấn Độ bất chấp đại dịch?
Điều này đặc biệt phù hợp với việc ra quyết định “từ trên xuống” trong mối quan hệ Ấn Độ-Nga, đây là một phần của vấn đề. Kết quả là, khi hội nghị thượng đỉnh hàng năm bị hoãn lại, mọi tiến trình sơ bộ đều bị đình chỉ và hợp tác song phương mất đà.
Điều này có thể thấy rõ trong trường hợp hạn mức tín dụng 1 tỷ USD của Ấn Độ dành cho vùng Viễn Đông của Nga được công bố hồi tháng 9/2019 nhưng vẫn chưa được sử dụng. Một ví dụ khác là sự chậm trễ trong Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần Đối ứng, vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
[Ấn Độ và Nga không tổ chức họp thượng đỉnh thường niên do COVID-19]
Có thể lập luận rằng trong trường hợp không có sự chuẩn bị đầy đủ, chương trình thảo luận của các nhà lãnh đạo rất mơ hồ, điều này trở thành lý do để hoãn hội nghị thượng đỉnh. Để tránh tình trạng như vậy trong tương lai, một giải pháp khả thi là các cuộc họp cấp bộ trưởng thường xuyên hơn sẽ diễn ra theo hình thức đối thoại “2+2.”
Cả Ấn Độ và Nga đều có một thỏa thuận như vậy - ở cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng - với một số quốc gia khác. Định dạng này có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến bức tranh địa chính trị lớn hơn và có thể tăng thêm tính năng động cho các cuộc thảo luận về các vấn đề song phương.
Liệu “quan hệ đối tác chiến lược và đặc quyền” giữa Ấn Độ và Nga xứng đáng có một sự tương tác chặt chẽ hơn không? Cuộc đối thoại “2+2” có thể mang lại nhiều khả năng hơn cho mối quan hệ trong tương lai không? Đây là những câu hỏi mở.
Các nút thắt địa chính trị
Trong chuyến thăm của mình, ngoài cuộc gặp với các quan chức Nga, Ngoại trưởng Shringla còn có cuộc tiếp xúc với các giáo sư nổi tiếng và các nhà ngoại giao tại Học viện Ngoại giao Nga. Ông cũng có một cuộc gặp riêng với giới chuyên gia về các vấn đề chiến lược của Nga.
Điều này cho thấy ý định của New Delhi trong việc truyền tải tầm nhìn về tình hình thế giới hiện tại không chỉ cho chính phủ Nga mà còn cho các đại diện xã hội dân sự có tiếng nói ở Nga, mặc dù thường bị những người ra quyết định phớt lờ, nhưng vẫn định hình dư luận.
Trong phát biểu tại Học viện Ngoại giao, Ngoại trưởng Ấn Độ đã thẳng thắn chỉ ra rằng “không có cuộc thảo luận địa chính trị nào có thể hoàn thành mà không đề cập đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và nêu rõ tầm nhìn của New Delhi về khu vực. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ và Nga "sẽ đồng ý nhiều hơn là bất đồng về định hướng chiến lược, tính đa cực vốn có và cần thiết, cũng như an ninh và thịnh vượng" trong ba khu vực địa lý chiến lược "Á-Âu, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Viễn Đông và Bắc Cực của Nga.”
Nhận xét của ông Shringla về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các bình luận hồi tháng 12/2020 của Ngoại trưởng Nga Lavrov, trong đó ông vẫn chỉ trích "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ, "trò chơi chống Trung Quốc" và cho rằng Ấn Độ là đối tượng “gây sức ép” của Washington về hợp tác quốc phòng.
Một tháng sau, Ngoại trưởng Lavrov đã sử dụng biện pháp kiểm soát thiệt hại, gọi Ấn Độ là “đối tác rất gần, rất chiến lược và rất đặc quyền.” Tuy nhiên, những từ này hầu như không che đậy được các quan điểm khác nhau về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì trong cùng một tuyên bố, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã kết hợp cách tiếp cận bao trùm của Ấn Độ đối với khu vực với cách tiếp cận “đối đầu” của Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Bất chấp những lời chỉ trích không ngừng của Moskva đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Nhóm Bộ Tứ- điều này rõ ràng là không hấp dẫn đối với chính phủ Ấn Độ, New Delhi vẫn nhất quán trong nỗ lực thúc đẩy liên kết giữa Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và vùng Viễn Đông của Nga.
Phát biểu tại Vladivostok năm 2019, Thủ tướng Narendra Modi dự đoán rằng “một bên là Viễn Đông sẽ trở thành nơi hợp lưu của Liên minh Á-Âu và một bên là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.”
Đề xuất đó đã bắt đầu thành hiện thực khi các chuyên gia từ Ấn Độ, Nga và Nhật Bản đang nghiên cứu về triển vọng hợp tác ba bên ở khu vực Viễn Đông của Nga. Sự sẵn sàng của Ấn Độ và Nga trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực cũng được thể hiện trong các đề xuất về các dự án kinh tế chung ở Viễn Đông và tuyến thương mại hàng hải Chennai-Vladivostok.
Tuy nhiên, rất khó có khả năng Moskva sẽ sớm thay đổi ý tưởng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương- toàn bộ khái niệm chỉ được nhìn thấy qua lăng kính trong các tài liệu chiến lược của Mỹ gán cho Nga là “tác nhân xấu.”
Ngoài điều này ra, tình hình đang thay đổi ở Nam Á tạo thêm nền tảng chiến lược phức tạp cho quan hệ đối tác Moskva-New Delhi.
Cuộc khủng hoảng Afghanistan còn lâu mới được giải quyết. Trong khi Nga và Ấn Độ nhận ra những động lực đang thay đổi ở đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, họ lại mắc kẹt ở những vị trí khác nhau.
Sau một thời gian ngừng hoạt động, Nga đã trở lại đi đầu trong các nỗ lực hòa bình, tự đề xuất là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ của Afghanistan cũng như cuộc họp "các bên liên quan lớn bên ngoài", hay cuộc họp "ba bên mở rộng."
Đầu năm nay, Moskva đã dành sự chào đón nồng nhiệt cho phái đoàn Taliban do Thứ trưởng Đàm phán Hòa bình Sher Mohammad Abbas Stanikzai dẫn đầu. Sau đó, vào ngày 17/2, cuộc khủng hoảng Afghanistan đã được thảo luận tại cuộc hội đàm Lavrov-Shringla và 2 ngày sau, ông Zamir Kabulov- đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan- đã đến thăm Islamabad, nơi ông gặp Tổng chỉ huy quân đội Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa và Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi.
Ông Kabulov trong cuộc phỏng vấn gần đây với Sputnik nói rằng Nga tin Taliban tuân thủ thỏa thuận Doha. Trong khi Nga thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và thậm chí tôn trọng các mục tiêu và yêu cầu của Taliban thì Ấn Độ cho rằng Taliban chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo ở Afghanistan ngăn cản hòa bình ở nước này.
Như ông Shringla đã tuyên bố trong bài phát biểu của mình tại Moskva: "Bạo lực gia tăng và việc sát hại có chủ đích các nhà hoạt động Afghanistan không có lợi cho tiến trình hòa bình đang diễn ra."
Ở đây, vai trò của Pakistan khó có thể bị bỏ qua, trong đó sự tiếp cận của Nga ngày càng nồng ấm được hỗ trợ bởi những lợi ích chung.
Sự đồng thuận ngày càng tăng về vấn đề hóc búa ở Afghanistan chỉ là một phần trong đối thoại Nga-Pakistan, vốn cũng được thúc đẩy bởi các dự án năng lượng chung và hợp tác quốc phòng tiềm năng.
Một số phương tiện truyền thông Nga, trích lời Tướng Bajwa, gần đây đã đưa tin về “các hợp đồng với Nga về việc cung cấp các hệ thống vũ khí chống tăng, hệ thống phòng không và vũ khí nhỏ” của Islamabad.
Báo cáo này không được xác nhận chính thức, nhưng cũng không bị phía Nga phủ nhận. Một thỏa thuận, có lẽ là hạn chế hơn là Pakistan mong muốn, có vẻ khá khả thi vì Moskva dường như đang đưa ra quyết định xuất khẩu quốc phòng sang Pakistan, cho dù Ấn Độ yêu cầu tuân theo "chính sách không cung cấp vũ khí cho Pakistan."
Với tất cả những xích mích này, chính phương trình “Nga cộng Trung Quốc” mới là điều khiến New Delhi lo lắng. Nga đã tăng cường hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự với Trung Quốc. Điều này cũng bắt nguồn từ mối quan hệ của họ với phương Tây, đặc biệt là "chính sách ngăn chặn kép" của Mỹ chống lại hai nước này.
Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Bắc Kinh, Moskva đã từ chối đứng về phía Ấn Độ và Trung Quốc. Họ quan tâm đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đối tác châu Á và nỗ lực để đạt được sự cân bằng tốt giữa họ.
Điều này thể hiện rõ trong tư thế của nước này trong cuộc đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Ladakh vào năm 2020. Việc Nga cấp tốc cung cấp quân sự cho Ấn Độ vài tuần sau cuộc đụng độ ở Galwan là “phản ứng tích cực với mọi yêu cầu quốc phòng mà Ấn Độ đưa ra."
Điều này phù hợp với việc Bắc Kinh và Moskva không muốn hỗ trợ nhau trong các tranh chấp lãnh thổ. Cách tiếp cận này có thể thay đổi trong tương lai không?
Sự chuyển hướng giữa các lợi ích xung đột trên khắp Âu-Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ xác định quỹ đạo của mối quan hệ Ấn-Nga trong ngắn hạn. Với nhiều biến số đang diễn ra, trừ khi cả hai cố gắng đáp ứng nguyện vọng và mục tiêu của họ ở những vùng địa lý chiến lược, con đường phía trước có thể còn gập ghềnh hơn trước./.