Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Anh ngày càng phát triển sâu rộng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Anh ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều chương trình, dự án hợp tác cụ thể và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Lê Phương/Vietnam+)

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Anh ngay sau cuộc Đối thoại Chiến lược lần thứ năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, diễn ra hôm 7/3 tại London, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều chương trình, dự án hợp tác cụ thể và hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực, trên cơ sở sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau tiếp tục được tăng cường.

- Trước hết, xin Thứ trưởng cho biết kết quả cụ thể của vòng Đối thoại Chiến lược lần thứ năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh? Hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trên những lĩnh vực trọng tâm nào, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Cuộc đối thoại chiến lược lần thứ năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 12 rất thành công. Việt Nam cũng đang bước vào một thời kỳ hội nhập sâu sắc, toàn diện trên thế giới. Anh cũng đang trong quá trình điều chỉnh chính sách và muốn tập trung vào phát triển kinh tế lên một mức độ mới; đồng thời phải giải quyết nhiều vấn đề, thách thức đặt ra trong Liên minh châu Âu.

Vì vậy, tại cuộc đối thoại lần này, chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu lớn. Thứ nhất, kiểm điểm lại mối quan hệ Đối tác Chiến lược kể từ khi chúng ta thiết lập năm 2010 đến nay. Thứ hai, chúng tôi cũng trao đổi rất sâu sắc những vấn đề hợp tác trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng và an ninh. Thứ ba, chúng tôi đặt ra những mục tiêu cụ thể để đưa mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là trong việc thực hiện các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm của Thủ tướng David Cameron sang Việt Nam tháng 7/.

Hai bên đã tập trung vào những lĩnh vực trụ cột để thúc đẩy hợp tác về chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, thương mại-đầu tư, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật và hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, kể cả đào tạo đại học và đào tạo nghề cho Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở 3 mục tiêu đó, cuộc Đối thoại Chiến lược lần thứ năm đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

Thứ nhất, chúng tôi nhận thấy trong 5 năm qua, quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt nam và Anh đã phát triển rất sâu rộng. Trong 5 năm, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng gấp ba lần, từ 1,7 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Đầu tư của Anh vào Việt Nam cũng tăng gấp đôi, đạt trên 4,5 tỷ USD. Đây là một bước phát triển rất lớn, tạo cơ sở cho hai nước tiếp tục đưa quan hệ thương mại-đầu tư đi vào chiều sâu. Hai nước sẽ tranh thủ cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu mang lại để tăng mạnh kim ngạch thương mại và đầu tư song phương.

Thứ hai, chúng tôi cũng rà soát và nhận thấy rằng hợp tác về quốc phòng-an ninh đang có những tiến triển rất tích cực trên cơ sở biên bản ghi nhớ ký năm 2011. Việt Nam lần đầu tiên đã mở Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Vương quốc Anh vào tháng 9/2015. Đây là một bước đi mới, đáp lại việc bạn cũng đã mở Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam; đồng thời tạo ra đầu mối quan trọng để hai bên thực hiện bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.

Phía Anh cam kết rất rõ là sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, nhất là giúp ta đào tạo tiếng Anh cho các sỹ quan và các hoạt động đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ sỹ quan của Việt Nam.

Thứ ba là mở ra những lĩnh vực hợp tác mà hai bên sẽ trao đổi cụ thể theo bản ghi nhớ mà chúng ta đã thỏa thuận. Hợp tác về an ninh cũng mở rộng ra không chỉ trong lĩnh vực di cư, chống di cư bất hợp pháp, mà cả phòng chống tội phạm, chống khủng bố, an ninh mạng. Như vậy, chúng tôi cũng đã bàn những biện pháp rất cụ thể để mà cụ thể hóa thỏa thuận giữa hai bên. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo là một trong những lĩnh vực rất quan trọng.

Trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận số học sinh của Việt Nam sang học tập tại Anh tăng 1,5 lần trong vòng 3 năm. Hiện có trên 12 ngàn học sinh của Việt Nam đang học tập tại Vương quốc Anh. Đây là một nỗ lực rất lớn. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn Anh giúp nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo ngay tại Việt Nam. Tôi cũng đề nghị rõ phía Anh cùng hợp tác để phát triển Viện Đào tạo và Nghiên cứu Việt Nam-Anh được thành lập sau chuyến thăm của Tổng Bí thư ​Nguyễn Phú Trọng sang Anh tháng 1/2013.

Hai bên thành lập viện đào tạo này ở Đại học Đà Nẵng để giúp đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở rất tốt để chúng ta có thể nâng cao năng lực của mình. Và quan trọng hơn, phía Anh cũng cam kết rất mạnh trong việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo nghề. Đây là một lĩnh vực rất cần thiết cho chúng ta trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thời gian tới để mà nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những mô hình rất thành công thời gian qua như hợp tác giữa Vigracera và Hội đồng Kỹ năng nghề (Proskills) để đào tạo nguồn nhân lực công nhân lành nghề trong lĩnh vực xây dựng giờ đây sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Tôi cho rằng hợp tác trong đào tạo nghề cũng rất là quan trọng. Ngoài ra còn có hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Hai bên cũng sẽ tận dụng nguồn lực từ quỹ Newton để hỗ trợ cho hợp tác nghiên cứu chung về khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ từ Anh sang Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh như sản xuất cơ khí.

Cuối cùng, hợp tác về văn hóa cũng rất cần thiết nhằm tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa hai dân tộc, qua đó thúc đẩy du lịch từ Anh sang Việt Nam. Bạn cũng rất tự hào là hiện nay số du khách Anh sang Việt Nam đạt 200.000 người vào năm 2015.

Với tiềm năng rất lớn và với hiểu biết sâu sắc hơn, thì chắc chắn số du khách Anh sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, nhất là sau khi Chính phủ Việt Nam quyết định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du lịch bằng cách miễn thị thực du lịch 15 ngày cho công dân Anh sang Việt Nam du lịch. Tôi cho rằng điều này sẽ tạo ra động lực mới trong bối cảnh các cơ quan đại diện, thông tin báo chí, hàng không cam kết hợp tác với phía bạn để tạo điều kiện tốt nhất cho người Anh sang giao lưu, thăm quan, học tập tại Việt Nam. Nhìn lại trên tất cả các trụ cột như vậy, tôi cho rằng kết quả đối thoại lần này là rất tích cực.

- Theo Thứ trưởng, đâu là điểm nhấn trọng nhất mà hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh đã đạt được kể từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2010 đến nay?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Như tôi đã nói, điểm nhấn lớn nhất chính là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Hơn 5 năm, kim ngạch thương mại tăng 3 lần. Đầu tư của Anh vào Việt Nam tăng gấp đôi. Thứ hai là sự tin cậy lẫn nhau và hiểu biết lẫn nhau tăng lên rất nhiều. Vì thế giao lưu giữa hai bên cũng tăng mạnh. Số du khách Anh sang thăm Việt Nam rất đông, 200.000 và số này sẽ còn tăng tiếp. Thứ ba, hợp tác đi vào chiều sâu kể cả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Khi mức độ tin cậy tăng lên, hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm và Anh hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong hội nhập quốc tế, trong lĩnh vực quốc phòng an ninh. Bạn cũng rất tích cực, nhất là trong đào tạo tiếng Anh. Đó là những điểm nhấn rất quan trọng trong hơn 5 năm qua, tạo cơ sở để chúng ta mở rộng và đưa hợp tác vào chiều sâu trong thời gian tới

- Trong bài viết gần đây đăng trên tờ Đầu tư, Thứ trưởng có nhắc đến tư duy coi trọng "văn hóa thực thi." Vậy chúng ta cần triển khai những biện pháp gì nhằm cụ thể hóa hơn nữa nội hàm mối quan hệ Đối tác Chiến lược với Vương quốc Anh theo hướng thiết thực, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Như chúng ta đã biết, "văn hóa thực thi" là một biện pháp rất quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả và tận dụng tốt nhất các cơ hội mà Đảng, Nhà nước nỗ lực rất lớn trong những năm qua để mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho địa phương trong phát triển kinh tế xã hội thời gian tới.

Ví dụ, chúng ta đã nỗ lực rất lớn trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có với Liên minh châu Âu. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện, không tận dụng, cơ hội cũng sẽ trôi qua, thậm chí là "lợi bất cập hại." Chúng tôi cho rằng hiệp định này không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, mà cả phía Anh nữa. Do đó, tại đối thoại lần này, chúng tôi đã bàn rất cụ thể những chương trình, kế hoạch hợp tác.

Trong lĩnh vực quốc phòng đã có bản ghi nhớ và chúng tôi có các bước thực hiện. Hợp tác về an ninh cũng vậy, ví dụ như phòng chống tội phạm, buôn bán người bất hợp pháp, chống khủng bố... đều có kế hoạch và chương trình hợp tác rất cụ thể giữa hai bên. Trong kinh tế thương mại, tôi cũng đề nghị phía Anh sớm thúc đẩy các nước trong Liên minh châu Âu sớm ký kết và phê chuẩn FTA để đồng thời công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu của hai bên là cùng có lợi và hiệp định này mới phát huy tác dụng. Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất rất cụ thể với phía Anh.

Phía bạn cũng có những dự án khá cụ thể, ví dụ như chương trình về quỹ thịnh vượng (Prosperity Fund) hỗ trợ chúng ta trong phát triển cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi đề nghị với bạn phải cung cấp cụ thể và chi tiết về điều kiện ưu đãi, nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được quỹ này để phát triển.

Bạn đồng ý cung cấp tất cả các tư liệu này cho chúng tôi, qua đó các cơ quan doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội. Hoặc là quỹ Newton là trong hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà bạn đưa ra. Giờ đây, chúng ta muốn cụ thể hóa những chương trình hợp tác chung, những chương trình của Việt Nam có thể sử dụng quỹ Newton và đề nghị bạn bắt tay vào thực hiện luôn.

Còn nếu công bố quỹ ra mà không thực hiện được thì không có tác dụng. Trong đào tạo nghiên cứu cũng vậy. Chúng tôi đề nghị bạn giúp đưa giai đoạn 1 của Đại học Việt-Anh đi vào hiệu quả. Trực tiếp tôi cũng đã đến Viện Đào tạo và Nghiên cứu Việt-Anh tại Đại học Đà Nẵng và tìm hiểu nhu cầu.

Hôm nay, tôi đề xuất cụ thể với phía bạn hỗ trợ chúng ta trong lĩnh vực nghiên cứu để thời gian tới nâng cao năng lực của Đại học Đà Nẵng. Tôi nghĩ rằng những việc làm như vậy là rất sát sườn. Phải cụ thể bằng những kế hoạch, bằng những chương trình, dự án hợp tác rất cụ thể, đưa những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đi vào hiện thực


Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục