Quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc 'bất biến'

Chuyên gia cho rằng các hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật-Trung-Hàn chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng hơn là có ý nghĩa quan trọng nào.
Quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc 'bất biến' ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ở Thành Đô, Trung Quốc ngày 24/12/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng japantimes.co.jp đưa tin Thủ tướng Shinzo Abe tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật-Trung-Hàn lần thứ tám tại Thành Đô, Trung Quốc.

Ông cũng tiến hành một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần đầu tiên kể từ tháng 9/2018, sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 23/12.

Các hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật-Trung-Hàn chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng hơn là có ý nghĩa quan trọng nào.

Kể từ hội nghị đầu tiên ở Fukuoka năm 2008, họ chủ yếu tập trung vào nền kinh tế khu vực, cứu trợ thảm họa hoặc các vấn đề chung khác và không bao giờ đề cập vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.

[Lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hội đàm 3 bên]

Nhiều khả năng không có gì quan trọng xảy ra ở hội nghị lần này, kể cả các cuộc gặp song phương.

Tokyo và Bắc Kinh tiếp tục thảo luận về chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình, trong khi Tokyo và Seoul không thể tìm ra một giải pháp cuối cùng, hoặc thỏa hiệp về các vấn đề bồi thường lao động bị cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc. Bắc Kinh và Seoul sẽ không ngừng nghi ngờ lẫn nhau. Đây là lý do tại sao.

Trong mối quan hệ Nhật-Trung, sự phản đối đang gia tăng ở Tokyo chống lại chuyến thăm cấp nhà nước theo kế hoạch của Tập Cận Bình tới Nhật Bản, nhưng hai chính phủ dường như vẫn xúc tiến như thường lệ.

Bắc Kinh đang cố gắng giành được những nhượng bộ từ Nhật Bản với một thỏa thuận song phương mới, trong khi Tokyo muốn cải thiện, nếu không giải quyết được, một số vấn đề song phương nổi bật.

Ngược lại, mối quan hệ Nhật-Hàn đã xấu đi nhanh chóng kể từ tháng 8 vừa qua với việc Tokyo siết chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc và Seoul đe dọa chấm dứt Thỏa thuận Bảo mật Thông tin Quân sự chung (GSOMIA), hiệp định song phương về chia sẻ thông tin quốc phòng giữa hai quốc gia.

Kể từ khi Hàn Quốc đình chỉ quyết định chấm dứt GSOMIA và Nhật Bản đã dỡ bỏ một phần các hạn chế đối với một mặt hàng xuất khẩu, một số người đã nhìn thấy những dấu hiệu hy vọng.

Tuy nhiên, chúng ta không nên lạc quan về tương lai. Kể từ khi Seoul thay đổi luật chơi lớn nhất bằng cách xa rời hiệp ước cơ bản năm 1965, Tokyo đã tức giận trả đũa Seoul lần đầu tiên kể từ năm 1945.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đã đưa ra một đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề bồi thường lao động thời kỳ chiến tranh, nhưng không được chính phủ hoan nghênh. Mối quan hệ Trung-Hàn cũng không kém phần ảm đạm.

Theo yêu cầu của Trung Quốc hồi năm 2017, Hàn Quốc đã đồng ý với "Ba không", nghĩa là không triển khai bổ sung các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ phát triển, không tham gia chương trình phòng thủ tên lửa toàn cầu do Mỹ dẫn đầu và không ký hiệp ước liên minh ba bên với Mỹ và Nhật Bản.

Ngay sau khi Seoul chịu sức ép từ Washington và không rút khỏi hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản, Trung Quốc đã phái bộ trưởng ngoại giao của họ tới Seoul và "ngạo mạn" cảnh báo bất kỳ động thái nào của Hàn Quốc rút khỏi "thỏa thuận Ba không" mà Bắc Kinh nghĩ rằng Seoul đã chấp thuận.

Nhiều người ở Tokyo nóng lòng muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra tại 3 cuộc gặp thượng đỉnh song phương ở Thành Đô.

Dưới đây là nhận định của một chuyên gia nghiên cứu về những gì khó xảy ra nhất giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đầu tiên là về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, chuyên gia này không mong đợi Trung Quốc đưa ra bất kỳ nhượng bộ chiến lược nào, chẳng hạn như quên quần đảo Senkaku hoặc tạm gác lại các vấn đề liên quan đến lịch sử. Tokyo cũng sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh một trong hai vấn đề trên.

Vì quan hệ Nhật-Trung không là gì ngoài một biến số phụ thuộc vào quan hệ Mỹ-Trung, Tokyo nhận ra rằng chỉ có thể trông chờ vào cải thiện chiến thuật.

Mặc dù Abe quyết tâm đàm phán một hiệp định thứ năm về quan hệ Tokyo-Bắc Kinh, điều này không có nghĩa là ông sẵn sàng đưa ra các thỏa hiệp.

Ngược lại, nền tảng song phương cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình mang lại cơ hội vàng cho Nhật Bản để khuyến khích Bắc Kinh thay đổi lập trường. Hoặc chỉ để Bắc Kinh hủy chuyến thăm nếu họ không thích.

Về phần Nhật Bản và Hàn Quốc, Tokyo có thể không thỏa hiệp với các nguyên tắc của hiệp ước cơ bản năm 1965, và Seoul sẽ không hủy bỏ các phán quyết của tòa án về bồi thường cho những lao động Hàn Quốc thời chiến được huy động để làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đề xuất về một thỏa hiệp chính trị sửa đổi gần đây do Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đưa ra sẽ không có tiến triển nhưng cũng không chết.

Tuy nhiên, đề xuất này mặc dù có nhiều nhược điểm, rốt cuộc có thể tạo ra một chất xúc tác chính trị cho việc giảm bớt căng thẳng một cách từ từ giữa hai chính phủ.

Nếu một môi trường chính trị mới như vậy tồn tại, Tokyo và Seoul có thể ngăn chặn một kịch bản tồi tệ nhất mà không ai muốn thấy, trừ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Cuối cùng là Bắc Kinh và Seoul. Hàn Quốc vẫn tin rằng họ có thể tái thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với Triều Tiên/Trung Quốc trong khi vẫn duy trì liên minh mạnh mẽ với Mỹ.

Do đó, Hàn Quốc không thể rút khỏi thỏa thuận "Ba không" với Trung Quốc cũng như đột ngột hủy bỏ GSOMIA với Nhật Bản.

Không giống như quan hệ Nhật-Trung, quan hệ Trung-Hàn không hề là một biến số phụ thuộc của mối quan hệ Mỹ-Trung. Seoul rất có thể sẽ tiếp tục cố gắng giữ cân bằng tối ưu giữa hai cường quốc này, không phải vì họ có các kỹ năng ngoại giao tuyệt vời mà chỉ vì họ thiếu một chiến lược an ninh quốc gia kiên định.

Nhìn chung, điều có nhiều khả năng xảy ra nhất vào năm 2020 là sẽ không có bất ngờ quan trọng nào xảy ra trong mối quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Điều này chủ yếu là vì Seoul sẵn sàng duy trì sự cân bằng mong manh bằng cách tránh các quyết định khó khăn. Hàn Quốc không muốn làm Mỹ hay Trung Quốc tức giận, hoặc loại Nga ra ngoài và cũng không muốn làm Nhật Bản hay Triều Tiên khó chịu.

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra? Đầu tiên, Seoul, mặc dù từ chối nhượng bộ về các phán quyết của tòa án, có thể cố gắng tiếp tục các "cuộc tham vấn" chính thức với Tokyo về những tranh chấp song phương nổi bật.

Nếu cần thiết, Chính phủ Hàn Quốc thậm chí có thể sửa đổi một phần đề xuất của Chủ tịch Quốc hội hoặc đưa ra bất kỳ đề xuất nào có thể giúp duy trì các cuộc thảo luận song phương với Tokyo.

Thứ hai, Seoul sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Bắc Kinh rằng "Ba không" và liên minh với Mỹ có thể cùng tồn tại.

Cuối cùng, Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vào mùa Xuân tới trong bối cảnh không có bất kỳ tiến triển hay thụt lùi nào. Một hiệp định song phương thứ năm mang tính biểu tượng có thể được ký kết và cả hai bên sẽ gọi đó là (thỏa thuận) "rất lịch sử"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.