Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chờ đợi ''sự hòa hợp tốt đẹp''

Tháng trước, WTO ra phán quyết cuối cùng, cho rằng việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản là một hành vi thỏa đáng, không vi phạm các quy định về giới hạn thương mại không công bằng của WTO.
Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản chờ đợi ''sự hòa hợp tốt đẹp'' ảnh 1Tân Nhật hoàng Naruhito (trái) và Hoàng hậu Masako (phải) xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng kể từ sau khi đăng quang, tại Hoàng cung ở thủ đô Tokyo ngày 4/5. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 1/5, Thái tử Nhật Bản Naruhito đã chính thức kế vị cha là Nhật hoàng Akihito, trở thành vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản, mở ra triều đại mới dưới niên hiệu "Lệnh Hòa" (Reiwa) mang nghĩa "sự hòa hợp tốt đẹp,” thay cho niên hiệu cũ "Bình Thành" (Heisei).

Kể từ triều đại Minh Trị vào thế kỷ 19, Nhật Bản đã duy trì truyền thống đặt niên hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Đài phát thanh KBS của Hàn Quốc đã phát sóng bài phân tích của giáo sư Kim Gwang-seok, chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang nhận định về triều đại mới tại Nhật Bản và tương lai mối quan hệ Hàn-Nhật.

Sau đây là nội dung bài phân tích:

Nhật hoàng Akihito đã trở thành vị vua đầu tiên thoái vị trong 202 năm qua, khiến những kỳ vọng về triều đại mới đang dâng cao. Hầu hết các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm trên khắp xứ Mặt Trời mọc này đã tổ chức các sự kiện đặc biệt vào ngày diễn ra lễ thoái vị (30/4) và mừng lễ đăng quang một ngày sau đó.

Một loạt lễ kỷ niệm được lên kế hoạch tổ chức cho đến tháng 11, bao gồm lễ diễu hành xe hơi cho tân Hoàng đế và Hoàng hậu vào tháng 10, hay các bữa tiệc mừng, tiệc tối.

Ngoài ra, nhiều hoạt động chính trị và ngoại giao cũng sẽ diễn ra. Đặc biệt, Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) sẽ được tổ chức tại Osaka vào tháng Sáu tới.

[Hàn, Nhật hội đàm cấp bộ trưởng về vấn đề cưỡng bức lao động]

Thủ tướng Abe có kế hoạch tận dụng những sự kiện này như là cơ hội để xây dựng hình ảnh một đất nước Nhật Bản cất cánh. Thực tế, Nhật Bản từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong giai đoạn đầu của niên hiệu “Bình Thành,” điển hình là năm 1989, chỉ số chứng khoán Nhật Bản Nikkei tăng trung bình 29%.

Tuy nhiên, không may là các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, đã đánh mất năng lực cạnh tranh do hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của bong bóng bất động sản tại nước này đã dẫn tới thời kỳ “hai thập kỷ mất mát,” còn gọi là “suy thoái Bình Thành.”

Bỏ lại đằng sau những khó khăn, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết xây dựng một Nhật Bản hùng mạnh trở lại trong kỷ nguyên mới. Khởi đầu, ông Abe đang tìm cách lật lại vấn đề tranh chấp thương mại với Hàn Quốc về lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản.

Thủ tướng Abe cho rằng đang có tranh cãi trong nội bộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), như phán quyết có lợi cho Hàn Quốc về vấn đề cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản.

Ông Abe dự kiến đưa ra vấn đề cải tổ WTO tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka tới đây. Nhìn chung, Tokyo đang theo đuổi khuynh hướng chính trị đối đầu với Seoul, và Chính phủ cũng như truyền thông Hàn Quốc đều chỉ trích điều này.

Thế nhưng, chính những phản ứng quyết liệt từ Seoul lại đang giúp ông Abe nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, quan hệ Hàn-Nhật có nguy cơ trở nên xấu đi.

Tháng trước, WTO đã đưa ra phán quyết cuối cùng, cho rằng việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản là một hành vi thỏa đáng, không vi phạm các quy định về giới hạn thương mại không công bằng của WTO, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài 4 năm giữa hai nước. Lệnh cấm này được áp dụng đối với thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Mặc dù được cho là phải tôn trọng quyết định của WTO, nhưng Tokyo không thừa nhận thất bại. Theo đó, Thủ thướng Abe có kế hoạch thảo luận về cải cách WTO tại Hội nghị G20, vì cho rằng có một số vấn đề trong giải quyết tranh chấp thương mại. Cuộc xung đột sắp tới giữa hai nước làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biễn tiêu cực của quan hệ Hàn-Nhật. Nhà sản xuất rượu soju lớn nhất Hàn Quốc, Hite Jinro, đã chứng kiến doanh số tại Nhật Bản giảm mạnh vào đầu năm nay.

Soju là rượu chưng cất nổi tiếng của Hàn Quốc. Theo tuần báo Văn Xuân (Shukan Bunshun) của Nhật Bản, Tokyo đang xem xét việc đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc, đặc biệt là rượu soju và lá kim, để trả đũa lời kêu gọi của Seoul yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân người Hàn bị cưỡng bức lao động thời chiến. Các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu các loại linh kiện, thiết bị từ Nhật Bản, có thể đối mặt với thực trạng kinh doanh xấu đi.

Mâu thuẫn Hàn-Nhật đã gây ra căng thẳng về mặt ngoại giao, an ninh và lan sang cả lĩnh vực kinh tế. Năm ngoái, Nhật Bản là đối tác thương mại thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.

Hiện tại, có khoảng 390 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Hàn Quốc, tạo ra 82.000 việc làm. Căng thẳng song phương có thể gây ra rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản để nhập khẩu các linh kiện, vật liệu và thiết bị. Rõ ràng, yêu cầu cấp bách hiện nay là cải thiện mối quan hệ giữa hai bên.

Cả hai nước không thể đóng băng quan hệ song phương mãi, mà cần duy trì mối quan hệ kinh tế theo cách bổ trợ lẫn nhau. Sự kết hợp giữa vốn và công nghệ Nhật Bản với khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc trong sản xuất và tiếp thị, sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng tuyệt vời.

Quan hệ đối tác chiến lược sẽ cho phép cả Seoul và Tokyo củng cố vị thế trên trường quốc tế. Đôi bên cần nỗ lực tách biệt vấn đề kinh tế và chính trị, ngăn chặn xung đột chính trị leo thang sang vấn đề kinh tế.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã vượt qua nhiều thử thách, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965. Hàn Quốc hy vọng sự khởi đầu niên đại Lệnh Hòa sẽ giúp khôi phục quan hệ song phương.

Nếu Seoul quyết tâm hàn gắn mối quan hệ, và Tokyo cũng đề cao tinh thần “Lệnh Hòa” (sự hòa hợp tốt đẹp), hai nước láng giềng có thể chấm dứt căng thẳng ngoại giao, thúc đẩy tình hữu nghị, xây dựng mối quan hệ cùng hướng tới tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.