Quan hệ Mỹ-Trung tồn tại rào cản, thiếu lòng tin chiến lược

Quan hệ Mỹ-Trung vẫn tồn tại rào cản và thiếu lòng tin chiến lược

Lãnh đạo hai cường quốc chỉ có được sự đồng thuận về hai trong số nhiều vấn đề cơ bản là biến đổi khí hậu và an ninh mạng, trong khi các hồ sơ gây bất đồng như Biển Đông, kinh tế, nhân quyền... vẫn để ngỏ.
Quan hệ Mỹ-Trung vẫn tồn tại rào cản và thiếu lòng tin chiến lược ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 25/9. (Nguồn: THX/TTXVN)

Không nằm ngoài dự đoán, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng đã không đạt được bước đột phá hay cam kết nổi bật.

Lãnh đạo hai cường quốc chỉ có được sự đồng thuận về hai trong số nhiều vấn đề cơ bản là biến đổi khí hậu và an ninh mạng, trong khi các hồ sơ gây bất đồng như Biển Đông, kinh tế, nhân quyền... vẫn để ngỏ. Điều này cho thấy giữa hai cường quốc vẫn tồn tại những rào cản của sự hoài nghi và thiếu lòng tin chiến lược.

Việc Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích bởi đây là vấn đề ít gai góc nhất trong chương trình nghị sự lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ trị giá hơn 3 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu.

Liên quan đến an ninh mạng - vấn đề gây tranh cãi kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua, hai bên đã tìm được tiếng nói chung, theo đó cam kết hợp tác chống tội phạm mạng, bao gồm cả tội phạm đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Đây được coi là kết quả tích cực của chuyến thăm, thể hiện sự nghiêm túc và thẳng thắn của hai bên trong việc giải quyết vấn đề này.

Trên lĩnh vực kinh tế, phải kể tới bản hợp đồng Trung Quốc mua máy bay của tập đoàn Boeing với tổng giá trị 38 tỷ USD và văn kiện hợp tác với hãng này về việc xây dựng một trung tâm hoàn thiện máy bay Boeing 737 tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, việc hai bên chưa có kết luận về đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) cho thấy phía Mỹ còn chờ đợi những cam kết của Bắc Kinh được hiện thức hóa và tạo ra những tiến triển thực tế cho bền kinh tế thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, với những kết quả không mang tính đột phá, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung vẫn chỉ mang tính xã giao. Đối với vấn đề Biển Đông - vốn được coi là một trong những vấn đề gai góc nhất, hai bên chưa thu hẹp được bất đồng.

Tổng thống Obama đã bày tỏ quan ngại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh đang khiến vấn đề trở nên khó khăn hơn khi giải quyết những bất đồng một cách hòa bình. Tổng thống Obama đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế và cần có một nghị quyết giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông. Ông khẳng định dù Mỹ không phải là bên có tranh chấp tại hai vùng biển này, song Washington muốn các bên tôn trọng những quy định và luật pháp quốc tế.

Về đề xuất của Trung Quốc xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới," cho đến nay, dường như Mỹ không thực sự mặn mà vì bản chất của ý tưởng này là làm sao Bắc Kinh thuyết phục được Washington tạo không gian cho Trung Quốc tiếp tục phát triển mà không vấp phải sự kiềm chế của Mỹ. Vì thế, trong khi Trung Quốc luôn nhấn mạnh những điềm đồng, những điểm có lợi cho việc hợp tác giữa hai nước thì Mỹ luôn nhấn mạnh tới các khác biệt và yêu cầu Bắc Kinh có cách hành xử tôn trọng trật tự, an ninh trong khu vực, chẳng hạn như mối đe dọa an ninh mạng từ Trung Quốc, các hoạt động đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông, vấn đề dân chủ, nhân quyền,…

Rõ ràng, quan hệ Mỹ-Trung luôn là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế hiện đại do tầm vóc và sức ảnh hưởng của hai cường quốc này đối với thế giới. Đó là mối quan hệ giữa một bên là cường quốc số một về tiềm lực kinh tế và quân sự đã được thừa nhận, với một bên là một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và không chấp nhận các luật chơi của Mỹ.

Việc thiếu lòng tin chiến lược giữa hai bên khiến quan hệ Mỹ-Trung khó có thể phát triển một cách lành mạnh bởi những bất đồng, mâu thuẫn cơ bản và gai góc giữa hai bên khó có thể được tháo gỡ. Vì thế, để thu hẹp được bất đồng, hai bên cần tạo dựng được lòng tin chiến lược, biến những cam kết thành hành động thực tế để xây dựng mối quan hệ thực chất, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.