Quan hệ Nga-Trung Quốc: Củng cố đối tác cũ trước thách thức mới

Kết quả cuộc gặp Nga-Trung tại Quế Lâm cho thấy mối quan hệ đối tác hai nước sau 20 năm đang được thúc đẩy mạnh, giữa lúc các mối quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Nga hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Quan hệ Nga-Trung Quốc: Củng cố đối tác cũ trước thách thức mới ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thành phố Quế Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 22/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến Quế Lâm (Tây Nam Trung Quốc) được dư luận quốc tế theo dõi sát sao.

Không chỉ đúng dịp Nga và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị và Hợp tác, cuộc gặp ngoại giao cấp cao giữa Bắc Kinh và Moskva còn diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, chủ yếu liên quan đến các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc với Mỹ.

Đây được coi là mối quan hệ tay ba nhiều ảnh hưởng trên trường quốc tế bởi chỉ cần một tác động nhỏ trong các mối quan hệ này cũng có thể tạo ra những làn sóng chi phối các vấn đề thế giới.

Sự kiện này diễn ra ngay khi sóng gió đang bùng lên trong quan hệ vốn luôn căng thẳng giữa Nga và Mỹ, xoay quanh một loạt vấn đề như tranh cãi liên quan đến nhân vật đối lập ở Nga Alexei Navalny, dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu...

Mỹ vừa áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và Moskva cũng ngay lập tức có hành động đáp trả.

Mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những phát biểu được cho là không phù hợp nhằm vào người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 16/3, dẫn tới Nga quyết định triệu hồi Đại sứ ở Mỹ để tham vấn.

[Trung Quốc-Nga nhất trí phối hợp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược]

Giới phân tích cũng liên hệ chuyến công du của Ngoại trưởng Nga Lavrov tới Quế Lâm với cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ vừa diễn ra tại Alaska (Mỹ) giữa hai đại diện Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Trợ lý An ninh quốc gia Jake Sullivan.

Cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden với Trung Quốc đã kết thúc mà không có tuyên bố chung, hai bên cũng dành cho nhau không ít lời lẽ gay gắt.

Bối cảnh như vậy khiến không ít chuyên gia nhận định việc ông Sergei Lavrov và ông Vương Nghị tiến hành hội đàm tại Quế Lâm cho thấy Moskva và Bắc Kinh có chung nhận thức về việc hình thành một “mặt trận chung” để phối hợp đối phó với thách thức mà Washington đồng thời đặt ra cho cả hai cường quốc này.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc tin chắc rằng dưới thời chính quyền mới, đường lối của Mỹ đối với Bắc Kinh còn cứng rắn hơn so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Kết quả cuộc tiếp xúc Mỹ-Trung vừa qua là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ duy trì tính đối đầu và cạnh tranh lâu dài. Do đó, Trung Quốc chủ trương tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực kinh tế cũng như các vấn đề quốc tế.

Về phần Nga, phát biểu với báo giới ngay trước khi tới Quế Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov nói rằng Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy một chương trình nghị sự thống nhất trên trường quốc tế "trong khi Mỹ đang áp đặt đòi hỏi của mình đối với tất cả các nước."

Cụ thể, nhà ngoại giao Nga đề cập đến các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt, cho rằng Mỹ và các nước phương Tây khác đã từ bỏ các nghi thức ngoại giao truyền thống và sử dụng các biện pháp trừng phạt như phương tiện thông thường để giải quyết các vấn đề quốc tế.

Theo ông Lavrov, đối phó với các lệnh trừng phạt, Nga và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc  để “chấm dứt ngay các biện pháp cưỡng chế đơn phương," đồng thời tận dụng cơ hội tăng cường đổi mới khoa học và công nghệ độc lập và không ngừng nâng cao sức mạnh của dân tộc.

Ông Lavrov còn đề xuất thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ và các loại tiền tệ quốc tế khác có thể thay thế đồng USD, từng bước độc lập với hệ thống thanh toán quốc tế do phương Tây kiểm soát để loại trừ rủi ro do việc áp đặt các lệnh trừng phạt.

Có thể dự báo rằng Nga và Trung Quốc đang tìm cách "sát cánh bên nhau" để hạn chế ảnh hưởng từ các hành động không thân thiện của Mỹ.

Kết quả cuộc gặp Nga-Trung tại Quế Lâm với việc hai bên đạt được đồng thuận chiến lược cho thấy mối quan hệ đối tác hai nước sau 20 năm đang được thúc đẩy mạnh, giữa lúc các mối quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Nga hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác "năng động" giữa hai nước trong hai thập niên, trong khi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị khẳng định điều này cho thấy sự phối hợp cao của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga.

Quan hệ Nga-Trung Quốc: Củng cố đối tác cũ trước thách thức mới ảnh 2Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2, phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov (thứ 2, trái) tại thành phố Quế Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 22/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu, có thể thấy Nga và Trung Quốc đang tập trung tận dụng tối đa tiềm năng của hai nước để phát triển hợp tác cùng có lợi và vượt qua khủng hoảng toàn cầu.

Giai đoạn tháng 1-2/2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đạt 18,78 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thương mại nông nghiệp, thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại dịch vụ ngày càng phát triển, trái ngược với xu thế chung trên thế giới.

Số lượng các chuyến tàu hỏa theo lộ trình Trung Quốc-châu Âu đi qua Nga đã tăng gần 40%.

Năm hữu nghị chéo về hợp tác khoa học, kỹ thuật và đổi mới giữa Trung Quốc và Nga giai đoạn 2020-2021 đã giúp 2 nước nâng cao đáng kể sự tương tác trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G và công nghệ đám mây.

Hai nước cũng chia sẻ quan điểm và phối hợp trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt trên cương vị ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cuộc hội đàm giữa lãnh đạo ngành ngoại giao Nga và Trung Quốc ở Quế Lâm giống như một điểm nhấn thể hiện rõ tính thực dụng trong mối quan hệ giữa hai nước.

Nó gửi đi tín hiệu về sự phối hợp chiến lược chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc trong các vấn đề mà hai bên có chung lợi ích, trước chính sách cứng rắn của chính quyền mới ở Mỹ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.