Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm Bắc Kinh hôm 24/10. Chuyến công du kéo dài 3 ngày này - và cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc trong vòng 7 năm qua - được đánh giá là có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang tìm kiếm một liên minh hùng mạnh hơn trong kỷ nguyên Donald Trump.
Nó cho thấy mối quan hệ đang "ấm lên" giữa nền kinh tế lớn thứ 2 (Trung Quốc) và thứ 3 (Nhật Bản) thế giới.
Tuy nhiên, đài RFI dẫn nhận định của chuyên gia về quan hệ quốc tế Akio Tahakara - làm việc tại trường Đại học Tokyo - cho rằng Trung Quốc vốn có thói quen tìm đến Nhật Bản khi quan hệ với Mỹ bị trục trặc.
Tình hình hiện nay đúng là như vậy. Trung Quốc đang bị Mỹ "tấn công" thương mại, vì vậy, Bắc Kinh quyết định xích lại gần Tokyo hơn.
Quan hệ Nhật-Trung đã nguội lạnh kể từ năm 2012, sau biến cố Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông. Trong 7 năm liền, hai nước không hề có cuộc gặp thượng đỉnh song phương nào.
Chuyên gia Scott Seaman, làm việc tại Nhóm Âu-Á, nói: "Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này (mối quan hệ Trung-Nhật ấm lên).... là bởi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cần phải điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Những thay đổi đó đã gây ấn tượng rằng ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á, cũng như những cam kết của Washington với các đồng minh tại khu vực này, đang ngày càng mờ nhạt.
Các đối xử đôi khi khá mâu thuẫn của Trump đối với các chính phủ trong khu vực và những nơi khác trên thế giới đã tạo cơ hội để Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực tiếp cận gần hơn với Nhật Bản và các nước khác, với ý đồ thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại và chiến lược của các nước này và xoa dịu những quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc."
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Giulio Pugliese - làm việc tại trường King’s College ở London - cho rằng "sự hòa hoãn trong quan hệ Nhật-Trung chỉ là mang tính chiến thuật. Hiện không có cấu trúc mang tính xây dựng nào cho phép Tokyo và Bắc Kinh thiết lập mối quan hệ mang tính tin cậy.
Giai đoạn hòa dịu nhất thời trong quan hệ Nhật-Trung có thể nhanh chóng khép lại nếu căng thẳng bùng lên tại Biển Hoa Đông hay trong vấn đề Đài Loan."
[Thủ tướng Shinzo Abe mong Chủ tịch Trung Quốc thăm Nhật Bản]
Kristin Vekasi, Phó Giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Maine và cũng là chuyên gia về mối quan hệ Nhật-Trung, cho rằng chiến tranh thương Mỹ-Trung "dường như trở thành nhân tố thúc đẩy Tokyo-Bắc Kinh xích lại gần nhau... Nếu Nhật Bản nhận thấy các cơ hội kinh tế với Mỹ giảm sút, Tokyo sẽ giữ khoảng cách nào đó với Washington, và khi đó nhiều khả năng Nhật Bản sẽ thắt chặt hơn quan hệ với Trung Quốc."
Nhiều nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe chưa chắc đã mang lại những đột phá đáng kể trong quan hệ ngoại giao.
Trang mạng theguardian dẫn nhận định của Dali Yang, chuyên gia về chính trường Trung Quốc và hiện làm việc tại trường Đại học Chicago, cho biết: "Chẳng có lý do gì để tin rằng chỉ qua một chuyến thăm tới Bắc Kinh mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể giải quyết được tất cả mọi khúc mắc lâu nay vẫn tích tụ trong mối quan hệ Nhật-Trung."
Điều cơ bản nhất là Nhật Bản hết sức lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc cũng như ý đồ của nước này muốn thay Mỹ lãnh đạo khu vực. Chiến lược của Nhật Bản là tìm cách đối trọng với Trung Quốc.
Chính vì vậy, Nhật Bản đã tham gia Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), một thỏa thuận thương mại tự do không có sự tham gia của Trung Quốc.
Nhật Bản cũng liên minh với các quốc gia trong khu vực vốn có cùng mối quan ngại về Trung Quốc như Australia, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á. Tokyo cũng chủ trì dự án "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" để đối lại với tham vọng "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh./.