Theo trang mạng nationalinterest.org, với tư cách là những cường quốc đang lên của thế kỷ XXI, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có nhiều lợi ích từ việc thỏa hiệp và hợp tác.
Lãnh đạo hai nước có thể giúp ích bằng cách tập trung vào những lợi ích lâu dài trên tinh thần “cho khế nhận vàng.”
Quan hệ Trung-Ấn dường như đang xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Để tránh nguy cơ leo thang căng thẳng, vì lợi ích của cả quốc gia, Bắc Kinh và New Delhi cần tìm cách cải thiện mối quan hệ vốn là một trong những quan hệ quan trọng nhất và lợi hại nhất trên thế giới.
Tháng 6/2020, các binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại khu vực tranh chấp ở biên giới phía Tây, được gọi là Thung lũng sông Galwan (vùng Ladakh).
Mặc dù không bên nào công khai thừa nhận (có lẽ vì lo ngại những tác động chính trị nội bộ ở Ấn Độ), nhưng sau cuộc đụng độ, Trung Quốc được cho là đã xâm lấn một khu vực rộng hơn 51km2 do Ấn Độ kiểm soát.
Rõ ràng, điều này đã được Ấn Độ thừa nhận khi nước này liên tục yêu cầu Trung Quốc rút quân về phía bên kia Đường kiểm soát thực tế (LAC) như trước khi xảy ra đụng độ. Không có tiến triển nào kể từ đó, mặc dù đã có 8 vòng đàm phán quân sự tại khu vực tranh chấp.
[Trung Quốc và Ấn Độ tổ chức phiên họp thảo luận về vấn đề biên giới]
Ấn Độ sau đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, dẫn đến việc mất các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, và một lần nữa không có hiệu quả.
Hành động khiêu khích gần nhất dẫn đến vụ đụng độ trên là việc Ấn Độ đã xây một con đường dẫn tới LAC vào năm 2019. Tháng 5/2020, Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đang gia tăng khả năng triển khai lực lượng nhanh (tới khu vực dọc biên giới) nhằm chống lại Trung Quốc.
Ấn Độ phớt lờ chỉ trích này và khẳng định họ có quyền xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ do họ kiểm soát, ngay cả khi đây là khu vực tranh chấp. Một tháng sau, Trung Quốc đưa quân đến khu vực tranh chấp và Ấn Độ đáp trả bằng cách cũng đưa quân đến khu vực này.
Cả hai bên đều hứng chịu thương vong, đánh dấu sự thay đổi sau nhiều thập kỷ tuân thủ thỏa thuận giữa hai bên không sử dụng súng hay vũ khí sát thương gây thương tích cho đối phương.
Năm 2017 từng xảy ra tình huống căng thẳng tương tự ở cao nguyên Doklam, thuộc khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc, gần biên giới với Ấn Độ. Tương tự như sự cố Ladakh, nhưng với vai trò ngược lại, Ấn Độ khi đó đã thay mặt Bhutan can thiệp bằng cách đưa quân đến đối đầu với lực lượng Trung Quốc đang làm đường ở khu vực này.
Đáp lại, Trung Quốc cũng đưa quân đến địa điểm tranh chấp. May mắn thay, tình hình đã được giải quyết trong khoảng 3 tháng, với các thỏa thuận ở cấp chỉ huy lục quân về việc rút quân trở về các địa điểm trước đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nối lại chương trình xây đường ở Doklam. Sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã họp thượng đỉnh tại miền Nam Ấn Độ vào năm 2018 và tại đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về một quy trình tham vấn để giải quyết các vấn đề.
Có vẻ như Trung Quốc và Ấn Độ đã rút ra những bài học khác nhau từ sự cố Doklam và áp dụng cho vụ đụng độ ở Ladakh. Bài học cho Ấn Độ là sự can thiệp của họ vào Doklam không có tác dụng lâu dài đối với ý đồ xây dựng đường của Trung Quốc và do đó New Delhi cần nhanh chóng củng cố việc nắm giữ các vùng tranh chấp do Ấn Độ kiểm soát bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí quân đội và các phương tiện khác.
Bài học cho Trung Quốc là sự khác biệt về năng lực quân sự giữa hai nước cho phép họ triển khai hành động, chẳng hạn như chiếm lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở Ladakh, trong khi Ấn Độ không đủ khả năng thực hiện.
Thỏa hiệp khó có thể xảy ra trong trường hợp này. Trong tính toán chiến lược của Trung Quốc, Ấn Độ chắc chắn là một cường quốc đang nổi. Do đang lún sâu vào cuộc cạnh tranh với Mỹ để giành vị thế ngang bằng chiến lược, Trung Quốc hy vọng duy trì quan hệ ổn định với Ấn Độ, dựa trên các thỏa thuận giữa Tổng thống Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2018.
Theo quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ đã gây tổn hại cho quan hệ song phương khi tuyên bố vùng lãnh thổ tranh chấp Ladakh là vùng lãnh thổ liên bang (của Ấn Độ) vào tháng 8/2019 và tiến hành các hoạt động xây đường bộ trong năm 2020.
Do đó, New Delhi phải có động thái cần thiết để hàn gắn mối quan hệ. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng vì những nguyên nhân nội tại, Ấn Độ sẽ không lùi bước ở Ladakh.
Trong khi đó, Ấn Độ lại có quan điểm khác. Tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ qua và năng lực quân sự vượt trội của nước này tạo ra một mối quan hệ vốn dĩ không bình đẳng.
Trong một số trường hợp, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ một cách bình đẳng, như hợp tác thăm dò dầu mỏ ở Sudan và thành lập Ngân hàng Phát triển Mới.
Nhưng có những trường hợp khác cho thấy Trung Quốc không sẵn lòng ủng hộ Ấn Độ, chẳng hạn như việc đưa Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác đã gây ra rạn nứt sâu sắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ. BRI đã đầu tư rất lớn vào khu vực Nam Á, đặc biệt là ở Pakistan và Sri Lanka, cũng như ở Nepal, Bangladesh và Maldives.
Afghanistan cũng có khả năng nhận được khoản đầu tư đáng kể trong khuôn khổ BRI. Đây là điều đáng báo động đối với Ấn Độ bởi những quốc gia này vốn thuộc khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ.
Trong số đó có những con đường nằm trong phần lãnh thổ do Pakistan kiểm soát nhưng Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, hay những cảng biển ở Sri Lanka có thể được sử dụng như căn cứ phòng thủ của Trung Quốc.
Rõ ràng không giống như sự kiện Doklam, cuộc đối đầu ở Ladakh giữa Trung Quốc và Ấn Độ xuất phát từ những khác biệt chiến lược, do đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ leo thang.
Tuy nhiên, với tư cách là những cường quốc mới nổi của thế kỷ XXI, cả hai nước cũng có nhiều lợi ích từ việc thỏa hiệp và hợp tác. Lãnh đạo hai nước có thể hỗ trợ bằng cách tập trung vào các mục tiêu dài hạn trên tinh thần cho và nhận./.