Quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc

Trung Quốc tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của họ trong khoảng một thập kỷ qua và đang trên một quỹ đạo tăng gấp đôi một lần nữa trong thập kỷ tới, đang gây mối lo ngại sâu sắc.
Quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: US News)

Theo trang mạng thehill.com, một mục tiêu chính của kiểm soát vũ khí là nó có thể thúc đẩy sự ổn định trong các mối quan hệ giữa các quốc gia.

Bằng cách tham gia một hiệp ước, hoặc đơn phương giảm số vũ khí của mình, một quốc gia phát đi tín hiệu họ chấp nhận nguyên trạng. Ví dụ, một quốc gia sẵn sàng giới hạn một loại vũ khí hoặc số lượng vũ khí hạt nhân của mình để chứng minh cho những quốc gia khác thấy tham vọng của họ có giới hạn và họ ủng hộ sự ổn định chiến lược.

Sự phát triển nhanh chóng của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc - tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của họ trong khoảng một thập kỷ qua và đang trên một quỹ đạo tăng gấp đôi một lần nữa trong thập kỷ tới, đang gây mối lo ngại sâu sắc. Sự gia tăng vội vàng và đáng chú ý này cho thấy những tham vọng của Trung Quốc không bị giới hạn mà còn gia tăng.

Không bị kiểm soát, sự gia tăng kho vũ khí chưa từng có này có thể thúc đẩy sự phản ứng của các quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân và Mỹ - quốc gia đã cho thấy sự kiềm chế khác thường cho đến nay.

Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc có thể buộc Nhật Bản phải phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ các lợi ích của Tokyo trước một cường quốc hạt nhân đáng gờm. Để tránh một cuộc chạy đua vũ trang, cộng đồng quốc tế và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cần cân nhắc hậu quả chiến lược của việc Bắc Kinh tăng cường lực lượng hạt nhân một cách nguy hiểm.

Để trấn an cộng đồng quốc tế, Trung Quốc nên tạm ngừng việc sản xuất vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa siêu thanh. Thứ hai, Trung Quốc nên đơn phương giảm vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật cũng như số lượng tên lửa đạn đạo của họ để thể hiện mối quan tâm của họ đối với sự ổn định chiến lược. Thứ ba, Trung Quốc nên tham gia các hiệp ước về kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận minh bạch với Ấn Độ, Nga hoặc Mỹ, để thể hiện sự ủng hộ đối với sự ổn định chiến lược trong vấn đề vũ khí hạt nhân và chấp nhận các chuẩn mực quốc tế.

Việc áp dụng các biện pháp này sẽ cho phép Trung Quốc chứng minh rằng họ không muốn đe dọa các quốc gia láng giềng hoặc bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang, và rằng họ chấp nhận giá trị của việc kiểm soát vũ khí - bao gồm cả việc cần phải thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin để tăng cường sự ổn định quốc tế. Những bước đi quan trọng này cũng sẽ chuyển tải thông điệp rằng Trung Quốc là một cường quốc nguyên trạng.

[Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang khi INF bị xóa sổ]

Về cơ bản, chấm dứt sản xuất vũ khí hạt nhân, giảm số vũ khí hạt nhân một cách có kiểm chứng, ngừng phát triển tên lửa siêu thanh và tiến tới các thỏa thuận kiểm soát vũ khí có tính ràng buộc sẽ cho phép Trung Quốc chứng tỏ những ý định tốt đẹp của họ.

Đổi lại, việc này có thể có tác dụng đảm bảo sự ổn định quan trọng đối với quốc gia lo ngại về sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Những hành động này sẽ giúp giải quyết, ở một mức độ đáng kể, những mối lo ngại về an ninh của các quốc gia khác đối với Trung Quốc.

Việc trấn an các quốc gia khác về ý định hòa bình và lợi ích của Trung Quốc trong sự ổn định chiến lược là đặc biệt quan trọng, do sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc cả về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự và mối lo ngại có thể giải thích được của các quốc gia ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á về những ý định và mục tiêu của Trung Quốc.

Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc - không chỉ Nga mà cả các nước ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản và ngay cả vùng lãnh thổ Đài Loan, sẽ an tâm hơn nếu Trung Quốc chấp nhận sự ổn định chiến lược và các tiêu chuẩn về kiểm soát vũ khí. Hành động này sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc, và sẽ mở ra cơ hội cho các thỏa thuận kiểm soát vũ khí tiếp theo và khả năng giảm bớt căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trung Quốc có thể thể hiện sự chấp nhận ngày càng tăng đối với các chuẩn mực quốc tế và chấp nhận sự ổn định chiến lược. Các quốc gia khác sẽ được trấn an bằng những bước đi này, cho phép Trung Quốc nhận ra rằng kiểm soát vũ khí có thể đóng một vai trò ổn định trong mối quan hệ với các quốc gia khác, giống như vai trò của các hiệp ước kiểm soát vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nếu Trung Quốc thực hiện các bước đi này, nhiều khả năng nó sẽ góp phần giữ cho trật tự quốc tế ổn định, được thiết lập dựa trên các biện pháp xây dựng lòng tin minh bạch, thay vì chạy đua vũ trang và cạnh tranh hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.