Quảng Bình: Xác định nguyên nhân xuất hiện hai 'hố tử thần'

Hố sụt ở gần nhà ông Nguyễn Đức Lộc bất ngờ xuất hiện với đường kính miệng hố rộng đến 3,5m, sâu gần 2m trong khi một hố sụt khác đã xuất hiện từ năm 2018, đường kính hố sụt lún khoảng 80m.
'Hố tử thần' xuất hiện giữa khu dân cư. (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Ngày 2/10, ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình cho biết đã tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu và xác định nguyên nhân, tình trạng hai hố sụt lún bất thường xảy ra ở thị trấn Quy Đạt, huyện miền núi Minh Hóa.

Hố sụt lún trên đường dân sinh vào nhà ông Nguyễn Đức Lộc ở tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (hố sụt 1) được xác định là sụt lún karst, nền đất khu dân cư đang ở là đất sườn tích kèm theo một ít bồi tích và tàn tích được tạo thành trên nền đá vôi ở phía dưới.

Nền đá vôi ở phía dưới bị quá trình karst hóa, tạo thành các hố, hang, hốc rỗng…, do đó khi có mưa nhiều, nước từ khe cạn trên núi chảy qua trở thành tác nhân hỗ trợ cho các quá trình karst ở dưới tầng đá gốc, tạo các hố, hang, hốc rỗng gây sụt lún.

Hố sụt bất thường ở sườn dốc núi Cây Sường, gần nhà ông Đinh Thanh Sơn tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (hố sụt 2) là do tầng đá vôi khu vực sườn núi này có hiện tượng karst hóa, tạo thành các hố, hang, hốc rỗng, gây sụt lún đất. Các hố sụt này đã gây nên hiện tượng sụt và trượt cục bộ xung quanh.

Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình đề xuất đối với hố sụt 1, dùng cát lấp đầy hố sụt, để cát tự lắng đọng một thời gian. Khi cát tụt xuống, tiếp tục lấp đầy cho đến khi ổn định thì hoàn thiện việc xử lý.

Bên cạnh đó, cần khơi thông khe cạn phía sau nhà ông Nguyễn Đức Lộc, tạo thoát nước nhanh, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Về lâu dài, cần nắn dòng chảy của khe cạn về phía sườn dốc nhằm hạn chế tác động của khe nước chảy vào khu dân cư gây hiện tượng sụt lún.

[Quảng Ninh: Mưa lớn kéo dài gây hố sụt rộng 9m ở nhà dân]

Đối với hố sụt 2, san phẳng theo mặt sườn núi toàn bộ khu vực sụt lún nói trên, không tạo nên nước đọng ở khu vực; đầm chặt các đường ranh giới sụt lún hiện có; tạo rãnh thoát nước nhanh khỏi khu vực này vào mùa mưa lũ.

Bên cạnh đó, không khai thác cây cối khu vực sườn núi; tạo các dòng chảy thoát nước trên sườn núi để hạn chế nước ngấm ở khu vực gây ra sụt trượt trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 27/9, hố sụt 1 ở gần nhà ông Nguyễn Đức Lộc bất ngờ xuất hiện với đường kính miệng hố rộng đến 3,5m, sâu gần 2m.

Hố sụt 2 gần nhà ông Đinh Thanh Sơn đã xuất hiện từ năm 2018, tiếp tục sụt. Hố sụt này có miệng hình phễu, diện rộng, đường kính hố sụt lún khoảng 80m. Miếng hố sụt tạo thành hình vòng tròn.

Trước đó, việc không xác định được nguyên nhân và tìm ra giải pháp xử lý đã khiến nhiều người dân ở gần hai hố sụt rất hoang mang, lo lắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục