Quảng Nam: Giữ bãi biển và rừng phòng hộ trong phát triển đô thị

Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo việc quản lý sử dụng đất, quản lý quy hoạch, không phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, môi trường du lịch ven biển...
Đảo Lý Sơn, vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Phải giữ được bãi biển và rừng phòng hộ trong quy hoạch và phát triển đô thị. Đây là yêu cầu bắt buộc, xuyên suốt của tỉnh Quảng Nam đối với các địa phương, cơ quan chức năng và nhà đầu tư trong việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn triển khai các dự án lớn về du lịch và nghỉ dưỡng.

Duy Xuyên là một trong những địa phương có nhiều dự án được triển khai, trong đó có dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An xây dựng trên địa bàn 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Bình Dương (huyện Thăng Bình), có tổng đầu tư trên 4 tỷ USD.

Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng cho biết: Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo việc quản lý sử dụng đất, quản lý quy hoạch, không phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, môi trường du lịch ven biển, hải đảo đối với các nhà đầu tư và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tự ý xây dựng trái phép để chờ tiền đền bù.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Dũng cũng thừa nhận, một số dự án có quy mô lớn nhưng chậm triển khai, trong cùng một dự án nhưng có nhiều cơ quan quản lý hiện trạng đất đai, quản lý quy hoạch không rõ ràng. Đồng thời, còn nhiều chồng lấn, khiến cho việc quản lý đất đai, quản lý quy hoạch của chính quyền và các ngành chức năng gặp không ít khó khăn.

Để giữ được biển và rừng phòng hộ trong quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch biển đảo, bên cạnh việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chống xâm thực của nước biển, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển là vấn đề bức xúc.

[Khánh thành cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển Quảng Nam]

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An chia sẻ: Khi chưa bị sạt lở, bãi biển Hội An và An Bàng là những bãi biển đẹp nổi tiếng trên thế giới. Hiện tại bờ biển Hội An đã bị nước biển xâm thực với chiều dài hơn 4km.

Để "cứu" bãi biển Hội An, Quảng Nam và các bộ ngành Trung ương đang làm việc với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ kinh phí cho dự án chống xâm thực bãi biển Hội An đang ngày càng nghiêm trọng. Hy vọng rằng, cùng với nỗ lực của địa phương và Trung ương, cộng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, thời gian tới, bãi biển Hội An sẽ hội tụ được lượng cát vừa đủ để mở rộng bãi biển và chống xâm thực.

Về phần mình, thành phố cũng sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xây dựng và quy hoạch, tích cực mở rộng vùng diện tích rừng dừa nước ngập mặn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thành phố bảo vệ được bãi biển, phát triển du lịch biển đảo một cách bền vững.

Núi Thành là địa phương có bờ biển dài ở Quảng Nam. Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho biết: Bảo tồn các hệ sinh thái biển, môi trường biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo Tam Hải-tuyến đê chắn tự nhiên trên biển là những ưu tiên hành đầu trong định hướng phát triển về phía biển của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện Núi Thành đã từng bước thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch khu bảo tồn biển và rừng ngập mặn, phối hợp với tỉnh và các bộ ngành Trung ương xúc tiến việc thành lập công địa chất toàn cầu.

Đối với đảo Tam Hải là một trong ba điểm đến của tam giác biển đảo Cù Lao Chàm - Tam Hải-Lý Sơn, huyện Núi Thành đã từng bước xây dựng nơi đây trở thành hòn đảo du lịch với kết cấu hạ tầng đồng bộ để vừa khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch biển đảo, vừa bảo tồn được hệ sinh thái biển, bảo tồn các địa tầng văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với cư dân miền biển.

Đây là cách tốt nhất để bảo vệ bãi biển và rừng phòng hộ trong đầu tư phát triển đô thị trong hiện tại và tương lai của địa phương, Bí thư huyện Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho hay.

Trong đợt giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chấp hành quy định pháp luật trong việc lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với một số dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Võ Hồng chia sẻ: Để quản lý tài nguyên môi trường nói chung và quản lý, giữ gìn bãi biển và rừng phòng hộ nói riêng trong quá trình phát triển đô thị, trước mắt các địa phương trong vùng dự án cần rà soát, đánh giá toàn diện hiệu quả sử dụng đất của các dự án quy mô lớn cũng như việc tuân thủ quy hoạch của các nhà đầu tư.

Tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất ở các dự án phát triển đô thị, khai thác quỹ đất nói chung và quỹ đất ở vùng đông, vùng ven biển nói riêng. Đặc biệt, công tác tái định cư cũng như tạo việc làm, sinh kế cho người dân trong vùng dự án là những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Người dân trong các vùng dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ven biển được hỗ trợ sinh kế bền vững, được hưởng lợi từ dự án thì các vấn đề an sinh xã hội nói chung và việc giữ gìn bãi biển và rừng phòng hộ trong phát triển đô thị mới thật sự bền vững, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Võ Hồng nhấn mạnh.

Quảng Nam có bờ biển dài khoảng 125 km, có 16 xã phường, thuộc 6 huyện, thành phố, thị xã ven biển. Với bờ biển dài, sở hữu nhiều bãi biển tuyệt đẹp, nơi lưu giữ các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với đời sống của cư dân ven biển, nơi đây đang có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

Biển Quảng Nam còn là “vùng đệm” của tam giác biển đảo Cù Lao Chàm-Tam Hải-Lý Sơn đang mở ra không gian du lịch biển đảo đầy tiềm năng. Do đó, bảo vệ được bãi biển và rừng phòng hộ trong phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch biển đảo là yêu cầu vừa bức thiết vừa lâu dài của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục