Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến 18 giờ ngày 24/10, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung.
Cụ thể, khoảng 4 giờ ngày 24/10, 3 ngư dân chèo thúng bơi ra tàu cá QN90755 đang neo ven sông Trà Bồng, thuộc cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thì thúng bị chìm, địa phương đang tổ chức tìm kiếm. Ngày 23/10, anh Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1980, trú tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.
Tại tỉnh Quảng Ngãi có 32 xã thuộc 5 huyện, thị trấn và thành phố Quảng Ngãi bị ngập lụt, mức ngập bình quân từ 0,2-1m, cục bộ có nơi ngập 1,5m (thị trấn Châu Ổ). Quốc lộ 24C bị ngập cục bộ đoạn qua xã Bình Chương (huyện Bình Sơn), chưa đi lại được.
Đường sắt Bắc Nam đoạn qua thôn Trị Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị sạt 15m. Dự kiến đến 20 giờ ngày 24/10 sẽ xử lý xong.
Tỉnh Quảng Nam có 25 xã, phường, thuộc 5 huyện, thị trấn bị ngập lụt, mức ngập bình quân từ 0,1-0,8m, cục bộ có nơi ngập 1,2-2m (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam ngập sâu 60cm, dài 3km. Quốc lộ 14 E bị ngập sâu 0,5m đoạn qua thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Quốc lộ 14H ngập sâu 0,4m đoạn qua xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên và đoạn qua xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn bị ngập 1,2m gây ách tắc giao thông. Có 7 điểm ngập sâu từ 0,3-0,5m trên các tuyến đường tỉnh lộ ĐT612, ĐT613B, ĐT615, ĐT617.
Sáng 24/10, tại làng Tắc Pỏ, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra sạt lở vào khu vực nhà bếp của 3 hộ dân, rất may là không gây thiệt hại về người. Ủy ban Nhân dân Huyện Nam Trà My đã tổ chức di dời 6 hộ với 23 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đến chiều 24/10, nhiều địa phương vẫn còn bị ngập lụt, mức ngập trung bình từ 0,5 - 0,7m; riêng các xã Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Trung ngập từ 1,5 - 2m. Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại, hư hỏng 125 ha lúa, 37,39 ha cây trồng hằng năm (ngô, mỳ) ở huyện Bình Sơn cùng hàng trăm hecta rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh bị hư hỏng, thủy phá ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Hà, Minh Long, thành phố Quảng Ngãi,…
Mưa lũ còn làm 2.564m kênh mương bị sạt lở, 28 đập dâng bị bồi lấp, 12 công trình nước sạch sinh hoạt bị hư hỏng.
[Thừa Thiên-Huế: Nhiều khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nguy hiểm]
Về giao thông, mưa lũ gây sạt lở, ngập úng một số tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24b, 24C... cùng nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, gây ách tắc giao thông, chia cắt cục bộ.
Theo Đài khí tượng và Thủy văn Quảng Ngãi, hiện nay, lũ trên sông Trà Khúc đang lên (do phía thượng lưu sông Trà Khúc vẫn còn mưa lớn), riêng sông Trà Bồng, sông Vệ và sông Trà Câu xuống chậm. Đến nay, mực nước trên sông Trà Bồng vẫn còn ở trên mức báo động 3 là 0,11m; hầu hết mực nước ở các sông còn lại như: Trà Câu, sông Vệ, Trà Khúc đều ở dưới mức báo động 3.
Do nước sông lên, toàn tỉnh có 11.038 nhà dân bị ngập, gồm huyện Bình Sơn 6.500 nhà, Tư Nghĩa 1.567 nhà, Sơn Tịnh 425 nhà, thành phố Quảng Ngãi 503 nhà, Nghĩa Hành 1.866 nhà, thị xã Đức Phổ 177 nhà.
Tỉnh Thừa Thiên Huế sạt lở 40m đường liên thôn ở Phong Mỹ, Phong Điền; sạt lở đường thôn Tân An, Lộc Bình, Phú Lộc; sạt lở 55m quốc lộ 1A tại K12+900.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 1.369 hộ với 4.805 nhân khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Các hộ sơ tán tại Huế đã trở về nhà.
Để tiếp tục ứng phó và khắc khục hậu quả mưa lũ tại khu vực miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của mưa lũ theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
Các địa phương thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 488/VPTT ngày 23/10/2021 của Văn phòng thường trực; kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra./.