Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ngầm tại nhiều huyện trong tỉnh Quảng Ngãi khô kiệt, gây hạn hán. Dù mấy ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn xảy ra, khiến người dân phải tiếp tục chịu cảnh “khát” trên diện rộng.
Theo ghi nhận của phóng viên, công trình nước sạch thôn An Lợi, xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã cạn trơ, không còn nước để phục vụ cho khu dân cư. Công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 8,3 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014, cung cấp nước sạch cho hơn 300 hộ thuộc khu dân cư số 8, số 9 thôn An Lợi với công suất thiết kế 310m3 /ngày đêm và tiêu chuẩn 80 lít nước/người/ngày đêm.
Tuy nhiên, chỉ mới hoạt động được hơn 1 tháng, công trình đã phải “đắp chiếu" vì không có nước.
Từ khi có công trình, người dân thôn An Lợi rất vui mừng, mỗi hộ tự nguyện đóng góp từ 200 - 300 ngàn đồng để nối ống dẫn nước sạch về nhà. Thế nhưng, niềm vui chưa thỏa thì cảnh “khát” lại tái diễn . Để có nước sinh hoạt, người dân phải dùng xe máy đi vài cây số để chở nước sạch về dùng tạm.
Về thực trạng này, ông Bùi Văn Vỹ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ cho biết, do công trình lấy nước tự nhiên từ suối Đá Giăng nên khi thời tiết nắng hạn, nguồn nước suối khô kiệt dẫn đến công trình không thể tích nước được.
Xã cũng đã tìm mọi cách để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân như khoan giếng, lắp máy bơm, dẫn nước từ nơi xa về... nhưng đành "bó tay" vì mạch nước ngầm trên địa bàn toàn xã đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tại xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ, người dân cũng đang lo lắng vì không biết tìm đâu ra nguồn nước sạch để sinh hoạt. Anh Trương Văn Sang, thôn Phổ Văn, xã Phổ Hòa cho biết, khu vực này toàn là núi đá nên để khoan được giếng rất khó và đã thử nhiều lần nhưng cứ đến độ sâu chừng 5-6 m là không khoan được tiếp.
Không riêng huyện Đức Phổ, 24 hộ dân thuộc Tổ dân phố Liên Hiệp 1 (cạnh núi Long Đầu), phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Để có nước sinh hoạt, người dân góp tiền mua máy bơm, dây dẫn để đẩy nước từ dưới thấp lên cao, nhưng lượng nước vẫn không có đủ để cung cấp./.