Quảng Ninh chính thức "xóa sổ" vấn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật

Sau nhiều năm vận động các chủ nuôi bàn giao toàn bộ số gấu trên địa bàn, đến nay, 33/33 cá thể gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được cứu hộ về "ngôi nhà gấu" lớn nhất Việt Nam.
Cá thể gấu quý sống trong khu bán hoang dã tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dẫn đầu trong việc bảo vệ các loài gấu châu Á. Hy vọng, qua thành công trong công tác cứu hộ gấu ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam có thể nhanh chóng chấm dứt hoạt động của các trại gấu trên toàn quốc và đảm bảo rằng khoảng 1.200 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước sẽ không phải chịu thêm cảnh khổ đau.”

Đó là chia sẻ của bà Jill Robinson, Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á, tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, chuyển giao gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam ở Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) diễn ra sáng 3/12 tại Hạ Long.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Jill Robinson cho biết, thực hiện theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ năm 2007, Tổ chức Động vật Châu Á đã bắt đầu thu thập chứng cứ việc các trang trại chích hút và bán mật gấu trái phép cho khách du lịch, nhất là người Hàn Quốc.

Trên cơ sở thông tin có được, năm 2010, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã “bắt tay” thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng, chính quyền và du khách trong việc phản đối nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.

“Nhờ đó, sau 5 năm vận động, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã ‘ra lệnh’ chuyển giao toàn bộ số gấu trên địa bàn Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Dốc sức cho chiến dịch, đến nay, 33 cá thể gấu nuôi trên địa bàn tỉnh này đã được cứu hộ an toàn, di trú về chăm sóc tại ‘ngôi nhà gấu’ lớn nhất ở Việt Nam,” bà Jill Robinson phấn khởi nói.

Các cá thể gấu vui đùa trong khu bán hoang dã tại Vườn quốc gia Tam Đảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiêp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước đây, hoạt động nuôi gấu chích hút mật được xem là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe các cá thể gấu nuôi và quần thể gấu ngoài tự nhiên, do việc săn bắt gấu từ rừng để nuôi nhốt.

Trước thực tế trên, năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ quản lý cho 4.349 cá thể gấu nuôi không rõ nguồn gốc trên phạm vi cả nước, nhằm hướng đến việc chất dứt hoạt động nuôi nhốt gấu bất hợp pháp.

Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiêp cũng cho biết, theo quy định của pháp luật thì tang vật là gấu nuôi phải tái thả về tự nhiên, chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ, hoặc tiêu hủy. Với tinh thần đó, trong những năm qua, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với chính quyền các địa phương đã triển khai vận động, qua đó Việt Nam đã giảm về số lượng gấu nuôi và trại nuôi.

“Chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Ninh, đến nay, 33/33 cá thể gấu nuôi trên địa bàn đã được Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh cứu hộ về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam để chăm sóc trong môi trường bán hoang dã,” ông Công phấn khởi nói.

Chia sẻ từ góc độ địa phương, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết, để hoàn thành việc chuyển giao gấu nuôi trên địa bàn, lực lượng kiểm lâm đã trải qua không ít khó khăn trong công tác vận động, bởi có những gia đình khẳng định chỉ nuôi để làm cảnh, thậm chí xem như là con vật tâm linh.

“Có gia đình, sau khi bàn giao cho cơ quan chức năng đưa gấu về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, thi thoảng họ còn gọi điện hỏi thăm. Tuy nhiên, để đối xử nhân đạo với gấu, cũng như chấm dứt nạn chích hút lấy mật, cơ quan chức năng địa phương đã vận động các chủ nuôi chuyển giao toàn bộ số gấu trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ,” Phó Chủ tịch Đặng Huy Hậu nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục