Quảng Ninh đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: weforum.org)

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh mong muốn xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên 3 trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số.

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 lọt vào tốp các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước, đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

[Quảng Ninh thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngay trong năm 2022]

Tỉnh Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 13%/năm; 100% hồ sơ công việc tại cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 99%; tăng 40% dịch vụ mới dựa trên dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp; 90% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; phấn đấu có tối thiểu 500 doanh nghiệp số...

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm số.

Hợp tác với một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để tham gia xây dựng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, nguồn nhân lực và các khu công nghệ thông tin tập trung đáp ứng yêu cầu, định hướng chuyển đổi số toàn diện.

Tỉnh cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử có uy tín trong và ngoài nước.

Phát triển hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin gắn với bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung phát triển nhân lực trong lĩnh vực số. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thông minh, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, người dân tại Quảng Ninh, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung.

Doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông mỏng, thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt. Kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin thiếu hụt trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục