Quảng Ninh hạn chế cấp mỏ đất san nền tại Hạ Long, Cẩm Phả

Các phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp đã được hoàn thành và được các cấp có thẩm quyền đồng thuận. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ninh.
(Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký vừa có chỉ đạo, chính quyền địa phương hạn chế việc cấp mỏ đất san nền tại khu vực thành phố Hạ Long, Cẩm Phả làm suy giảm diện tích rừng và phá vỡ địa hình, cảnh quan tự nhiên.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh nếu phía chính quyền cứ cấp thêm mỏ đất mới thì sẽ không doanh nghiệp nào sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cả.

Từ lâu nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn thúc giục các ngành, địa phương nghiên cứu phương án sử dụng đất đá thải của các mỏ khai thác than để làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng của tỉnh này.

Các phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp đã được hoàn thành và được các cấp có thẩm quyền đồng thuận. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc làm này vừa làm giảm áp lực đổ thải của các công ty khai thác than vừa đáp ứng được nhu cầu vật liệu san lấp của các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn ngày một lớn của tỉnh Quảng Ninh.

[Nhiều lợi ích từ việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp]

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, hiện tổng diện tích các bãi thải mỏ là 2.700ha với trữ lượng đất đá thải khoảng 1.362 triệu m3 và vẫn không ngừng tăng thêm khoảng 150 triệu m3 mỗi năm.

Các bãi thải tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, thị xã Đông Triều, gây ra nhiều hệ lụy như chiếm dụng hàng nghìn ha đất để làm bãi thải, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển với nhiều dự án hạ tầng được triển khai đồng loạt.

Dự kiến, tổng cộng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm.

Cụ thể, Khu đô thị phức hợp đô thị Hạ Long Xanh trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long có tổng nhu cầu khối lượng vật liệu (đất, cát) san lấp khoảng từ 300-400 triệu m3. Tổ hợp cảng biển, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc tại thị xã Quảng Yên có nhu cầu khối lượng đất san nền khoảng 100 triệu m3 và hàng loạt các dự án hạ tầng, đô thị lớn khác có nhu cầu sử dụng khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng rất lớn.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Nguyễn Ngọc Cơ cho hay chủ trương này của Quảng Ninh rất thiết thực, có tính thời sự cao, đồng nhất với định hướng phát triển bền vững của TKV. Việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế-xã hội.

Thực hiện chủ trương này, đến nay, TKV đã quy hoạch 8 bãi thải mỏ ở 2 vùng Cẩm Phả và Hòn Gai để sẵn sàng phục vụ nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng của tỉnh.

Có thể nói việc sử dụng đất đá thải của các mỏ khai thác than để làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng được kỳ vọng sẽ giúp Quảng Ninh giải cơn “khát” vật liệu san lấp, vừa giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất rừng, lãng phí tài nguyên đất.

Lãnh đạo Công ty chế biến than Quảng Ninh-TKV (đơn vị được Tập đoàn giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện chủ chương sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp) cho hay chủ trương đúng song chưa thực sự nhận được sự phối hợp của các doanh nghiệp thi công san lấp trên địa bàn. Thậm chí, có chủ đầu tư dự án đô thị lớn còn không tham dự các cuộc họp do phía công ty mời để bàn về việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san nền.

Thực tế trong thời gian qua, phía chính quyền địa phương vẫn cấp thêm mỏ đất phục vụ san nền khiến việc thực hiện chủ trương lớn của tỉnh chưa đem lại như kỳ vọng, thêm vào đó gây ra những hệ luy làm ô nhiễm môi trường từ các hoạt động khai thác, vận tải đất phục vụ các dự án san lấp mặt bằng ở thành phố Hạ Long.

Điển hình, gần đây trên tuyến đường 10 làn ở cửa ngõ thành phố Hạ Long và trên cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, xuất hiện những đoàn xe cơi nới thành, thùng chở đất quá tải phục vụ nhu cầu san lấp một dự án đô thị lớn trên địa bàn.

Các xe chở đất quá tải làm rơi vãi đất xuống đường, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông cho người và phương tiện khác.

Việc khai thác đất làm vật liệu san lấp đã khiến những cánh rừng ven quốc lộ 18, ngay đầu cửa ngõ vào thành phố Hạ Long bị xâm hại, làm xấu đi cảnh quan chung của thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế này. Sự việc gây bức xúc trong dư luận, khiến ngay đầu tháng 4, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại nêu trên.

Chính vì vậy, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV tổ chức vào cuối tháng Ba vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo cần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên.

Đồng thời, rà soát, kiểm tra thủ tục pháp lý của tất cả các dự án đầu tư có sử dụng đất, đất mặt nước biển, bãi triều, ao đầm… tại tất cả các địa bàn, nhất là dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã, đặc biệt là dọc đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên-Đông Triều, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái.

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác đất, cát san nền, hạn chế việc cấp mỏ đất san nền tại khu vực thành phố Hạ Long, Cẩm Phả làm suy giảm diện tích rừng và phá vỡ địa hình, cảnh quan tự nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục