Quảng Trị: Bờ sông Vĩnh Định sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân bất an

Bờ sông Vĩnh Định bị sạt lở với chiều dài lên đến gần 1.000m và ăn sâu vào từ 10-30m, đe dọa an toàn của hơn 100 hộ dân, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất, thiệt hại về cây trồng.

Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị ăn sâu vào trong gây mất đất sản xuất. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị ăn sâu vào trong gây mất đất sản xuất. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã và đang bị sạt lở rất nghiêm trọng, khiến hàng trăm hộ dân sinh sống ven bờ con sông này lâm vào cảnh bất an.

Theo người dân địa phương, từ năm 2020 đến nay, bờ sông Vĩnh Định đoạn qua thôn Vân Hòa đã bị sạt lở rất nhanh, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9-11 hàng năm.

Tính đến nay, bờ sông đã bị sạt lở với chiều dài lên đến gần 1.000m và ăn sâu vào từ 10-30m, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của hơn 100 hộ dân. Đồng thời gây mất nhiều diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại về cây trồng và nguy cơ cao làm hư hỏng nhiều nhà ở và các công trình ven sông.

Ông Nguyễn Thuận, thôn Vân Hòa có nhà ở ven bờ sông Vĩnh Định cho biết, cách nay 5 năm tường nhà ông còn cách sông hàng chục mét. Đến nay bờ sông đã bị sạt lở vào tận sát tường nhà, khiến ngôi nhà có thể bị đổ sập ra sông bất cứ lúc nào.

Vào buổi tối vợ chồng phải thay nhau thức để theo dõi sạt lở, nếu thấy bất thường thì khẩn trương di chuyển tạm đến chỗ khác để đảm bảo an toàn.

Để phòng, chống sạt lở bờ sông Vĩnh Định, nhiều năm trước người dân địa phương đã trồng những hàng chuối sứ, trồng tre thành dãy dài dọc sát bờ sông để bảo vệ bờ nhưng tình trạng sạt lở vẫn liên tục xảy ra.

Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/2024, nhiều trận mưa lớn khiến mực nước sông Vĩnh Định dâng cao chảy xiết, làm cho bờ sông xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới nghiêm trọng. Hàng loạt cây chuối sứ cao từ 3-4m, đường kính gốc 30-40cm ở sát bờ sông đã bị đổ ngã do sạt lở.

ttxvn_bo_song_vinh_dinh_quang_tri_sat_lo_nghiem_trong2_resize.jpg
Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) khiến nhiều cây chuối bị đổ ngã ra lòng sông. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Tương tự, những hàng tre, loại cây được cho là giữ đất ở bờ sông tốt, cũng đã bị ngã đổ hàng loạt ra lòng sông.

Nhiều ngôi nhà và công trình kiên cố của người dân ven bờ sông Vĩnh Định đang có nguy cơ cao bị hư hỏng, đổ sập khi chỉ còn cách sông 2-3m. Sạt lở bờ sông cũng khiến diện tích đất sản xuất dần mất đi, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

Ông Lê Quang Bổn, Trưởng thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa cho biết sông Vĩnh Định trước đây chỉ rộng chừng 20-30m nên có thể bơi qua lại. Những năm gần đây, do bị sạt lở bờ, lòng sông đã mở rộng lên 70-80m.

Nguyên nhân có thể là do sự biến đổi của dòng chảy. Gần đây, trên con sông này xuất hiện nhiều vùng nước xoáy mạnh sát bờ, cuốn trôi đi nhiều đất và các loại cây trồng.

ttxvn_bo_song_vinh_dinh_quang_tri_sat_lo_nghiem_trong3_resize.jpg
Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tiến sát nhà ở gây nguy cơ cao đổ sập. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Triệu Hòa Nguyễn Văn Đức cho biết, sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã đã rất nghiêm trọng với quy mô lớn và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của hơn 100 hộ dân cùng nhiều công trình, nhà ở.

Địa phương và người dân rất mong cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng khẩn cấp công trình kè nhằm bảo vệ bờ sông Vĩnh Định.

Vĩnh Định là con sông đào, được khởi công năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Con sông này được đào và khơi thông, nạo vét nhiều lần, trải dài từ thời vua Minh Mạng đến các đời vua Triều Nguyễn sau này.

Sông đi qua các xã của huyện Triệu Phong và Hải Lăng, thông vào phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế với chiều dài khoảng 26km./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.