Ngày 6/1, Ủy ban Đối ngoại và thống nhất Quốc hội Hàn Quốc đã họp khẩn liên quan tới việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi treo cờ Hàn Quốc khi đi qua Eo biển Hormuz.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đối ngoại Hàn Quốc Choi Jong-gon đã thông báo tình hình hiện tại của các thuyền viên và các biện pháp của chính phủ. Ông cho biết Seoul vẫn đang tiếp tục thảo luận với giới chức Iran và chuẩn bị các phương án pháp lý để giải quyết vấn đề.
Về phần mình, Chủ tịch ủy ban trên, ông Song Young-gil cho rằng cáo buộc của phía Iran rằng tàu MT Hankuk Chemi gây ô nhiễm môi trường biển là "vô căn cứ."
Theo kế hoạch, đoàn đàm phán của Hàn Quốc dự kiến sẽ lên đường tới Iran trong tối 6/1. Trong khi đó, quan chức ngoại giao Hàn Quốc tại Iran đã lên đường tới cảng Bandar Abbas ở miền Nam Iran - nơi con tàu đang bị giữ, dự kiến tới nơi vào chiều cùng ngày. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Choi Jong-gon cũng có kế hoạch tới Iran trong 3 ngày, từ ngày 10/1 tới.
Ngày 4/1, IRGC đã bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc ở Eo biển Hormuz với cáo buộc "gây ô nhiễm vùng Vịnh Persia bằng hóa chất."
Tàu này đang trên hải trình từ Saudi Arabia tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng thủy thủ đoàn gồm 20 người là công dân của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Giới chức Iran thông báo thủy thủ đoàn trên tàu vẫn an toàn.
Trong khi đó, ngày 6/1, công ty quản lý tàu MT Hankuk Chemi cho biết vẫn chưa liên lạc được với các thuyền viên. Hiện tại, công ty đang chờ Tehran cho phép điều tra viên của Hiệp hội Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu lên tàu. Nếu được cấp phép, điều tra viên sẽ lên tàu để xác nhận sự an toàn của các thuyền viên và vấn đề ô nhiễm môi trường theo cáo buộc của Iran.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Indonesia đã gửi công hàm tới Chính phủ Iran yêu cầu làm rõ về tình trạng của các công dân nước này bị bắt giữ hôm 4/1 cùng tàu chở dầu MT Hankuk Chemi.
Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Indonesia tại Tehran cho biết sẽ tiếp tục liên lạc và phối hợp với các bên liên quan để xử lý vấn đề này.
Đại sứ quán Indonesia tại Tehran cho biết đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Iran yêu cầu làm rõ tung tích của 2 thuyền viên người Indonesia đồng thời yêu cầu tiếp cận lãnh sự và liên lạc với cả 2 người.
[Bộ Ngoại giao: Đảm bảo an toàn, quyền lợi cho các thuyền viên Việt Nam]
Ngày 5/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin tàu Hankuk Chemi của Hàn Quốc cùng 20 thuyền viên, trong đó có 2 thuyền viên Việt Nam bị phía Iran bắt giữ, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Đại sứ quán Hàn Quốc và Đại sứ quán Iran tại Hà Nội. Đồng thời, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc và Iran đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, công ty chủ tàu Hankuk Chemi để xác minh thông tin, yêu cầu đảm bảo an toàn cho các thuyền viên Việt Nam và đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc. Bộ Ngoại giao cũng liên hệ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải để xác minh nhân thân các thuyền viên, yêu cầu các công ty phái cử đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài."
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Iran và Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích của các thuyền viên Việt Nam./.