Quốc hội Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus

Mặc dù chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus, Mỹ vẫn sẽ hạn chế việc quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) này sở hữu một số công nghệ nhạy cảm.
Người dân ở Nicosia vẫy cờ trong một cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 59 năm độc lập của Cyprus khỏi ách thống trị của thực dân Anh tháng 10/2019. (Nguồn: AFP)

Quốc hội Mỹ ngày 17/12 đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp dụng hàng chục năm qua đối với Cyprus, một động thái được xem là có thể gây bất bình đối với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), trong bối cảnh căng thẳng giữa giữa Ankara và Nicosia leo thang.

Nghị quyết về gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus là một nội dung trong dự luật chi tiêu quốc phòng được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 17/12 sau khi đã được thông qua tại Hạ viện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ký ban hành nghị quyết này.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio - những người thúc đẩy nghị quyết trên - cho biết họ muốn thúc đẩy hợp tác giữa Cyprus, Hy Lạp và Israel.

[Cyprus kiện lên ICJ việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu vào đảo của nước này]

Theo nội dung nghị quyết, Mỹ vẫn sẽ hạn chế việc Cyprus - thành viên của Liên minh châu Âu (EU) - sở hữu một số công nghệ nhạy cảm.

Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus năm 1987 nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp chiếm đa số trên đảo Cyprus và cộng đồng thiểu số người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1997, Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa tấn công Cyprus nếu nước này xúc tiến kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay cương quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU cho rằng hệ thống này không tương thích với hệ thống chiến đấu cơ F35 trang bị cho các nước NATO.

Căng thẳng leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận với Libya về phân định biên giới ở Địa Trung Hải, hướng tới thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus cũng nhận chủ quyền.

EU coi hành động này là bất hợp pháp và cảnh báo áp đặt trừng phạt Ankara./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục