Cộng hòa Cyprus ngày 4/10 tuyên bố hành động của Thổ Nhĩ Kỳ gửi một tàu khoan thăm dò đến khu vực mà chính quyền Nicosia đã cấp phép thăm dò khí đốt ngoài khơi là sự gia tăng nghiêm trọng điều mà nước này gọi là "sự vi phạm của Ankara đối với chủ quyền của quốc đảo này."
Trong một tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades cáo buộc" Hành động khiêu khích mới này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ coi thường những lời kêu gọi của Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế đề nghị nước này dừng các hoạt động bất hợp pháp của mình."
Tổng thống Cyprus yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút tàu thăm dò ra khỏi khu vực, đồng thời kêu gọi chính quyền Ankara "tôn trọng chủ quyền của Cộng hòa Cyprus thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển của mình."
Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi tàu khoan thăm dò Yavuz đến vùng biển ngoài khơi phía Nam Cyprus, nơi chính quyền Cyprus của người gốc Hy Lạp đã trao quyền thăm dò cho các công ty của Pháp và Italy.
Sáng 4/10, tàu khoan thăm dò Yavuz đã dừng lại ở cách Tây Nam Cyprus 90km.
[EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Cyprus]
Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh đảo Cyprus.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở phía Đông Địa Trung Hải đã làm dấy lên tranh chấp giữa CH Cyprus - nước thành viên EU - và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho tới nay, Ankara đã điều hai tàu để thực hiện khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Cyprus bất chấp cảnh báo từ EU.
Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Fatih tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi tỉnh Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến tháng 5 vừa qua, tàu thăm dò Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế phía Tây của Cyprus và bắt đầu hoạt động khoan thăm dò.
Tàu khoan thứ hai Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được triển khai hồi tháng 6 vừa qua để bắt đầu tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở khu vực phía Đông. Phía Ankara đã khẳng định hoạt động thăm dò này dựa trên "quyền lợi hợp pháp," theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, EU coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự leo thang không thể chấp nhận," đồng thời yêu cầu chính quyền Ankara phải dừng ngay các hoạt động thăm dò trái phép nếu không muốn bị trừng phạt./.