Quốc hội Mỹ dường như quyết tâm duy trì các quy định hạn chế cắt giảm quân số của nước này tại Hàn Quốc, được thể hiện qua phiên bản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2021 do các ủy ban quân vụ của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ soạn thảo.
Trong phiên bản của Thượng viện, dự luật cấm sử dụng các quỹ được ủy quyền để cắt giảm tổng số quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (từ mức 28.500 người hiện nay) trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chứng nhận rằng việc cắt giảm này phải đáp ứng được hai điều kiện.
Đó là việc cắt giảm phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và sẽ không làm xói mòn nghiêm trọng an ninh của các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
[Tổng thống Trump đánh giá lại sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài]
Thứ hai là việc cắt giảm này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham vấn một cách thích đáng với các đồng minh của Washington, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phiên bản của Hạ viện Mỹ bổ sung thêm hai điều kiện. Đó là quyết định cắt giảm này tương xứng với mức đe dọa giảm bớt từ phía Triều Tiên và Hàn Quốc có khả năng ngăn chặn một cuộc xung đột. Điều kiện thứ hai là tăng gấp đôi khoảng thời gian yêu cầu sau chứng nhận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, lên đến 180 ngày.
Hai phiên bản NDAA của hai viện Quốc hội Mỹ cần phải được thống nhất trước khi dự luật có thể được thông qua và chuyển tới Tổng thống Donald Trump để ký ban hành hoặc bác bỏ.
Nếu được giữ nguyên, điều khoản trên được kỳ vọng sẽ hạn chế khả năng của chính quyền Tổng thống Trump trong việc rút quân khỏi Hàn Quốc giữa lúc xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Nhà Trắng đang cân nhắc biện pháp này nhằm gây sức ép với Seoul trong những cuộc đàm phán song phương hiện nay về một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự mới.
Quyết định gần đây của Tổng thống Trump về việc cắt giảm quân số Mỹ tại Đức đã làm dấy nên những mối quan ngại này.
Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán khó khăn về gia hạn thỏa thuận chia sẻ chi phí cho Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK).
Hàn Quốc đã đề xuất tăng mức đóng góp của nước này thêm 13%, song Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa chấp nhận.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự, hỗ trợ hậu cần và chi phí để duy trì 28.500 binh sỹ USFK tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Theo thỏa thuận, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước đó. Từ tháng Chín năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 6 vòng đàm phán.
Vòng đàm phán song phương mới nhất diễn ra tại Washington hồi tháng Một vừa qua không hóa giải được những khác biệt trong một số điểm then chốt, như tổng mức đóng góp tài chính của Seoul và việc gia hạn thỏa thuận SMA, đã hết hạn cuối năm ngoái./.