Quốc hội Mỹ nới lỏng quy định quyền riêng tư người dùng Internnet

Hạ viện Mỹ đã thông qua quyết định cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp thông tin cá nhân khách hàng cho các công ty tiếp thị hay quảng cáo mà không cần hỏi trước ý kiến người dùng.

Ngày 28/3, với 215 phiếu thuận và 205 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua quyết định cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp thông tin cá nhân khách hàng cho các công ty tiếp thị hay quảng cáo mà không cần hỏi trước ý kiến người dùng.

Động thái mới nhất này một lần nữa khơi lên cuộc tranh cãi về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của người dùng Internet tại Mỹ.

Cùng với kết quả bỏ phiếu 50 phiếu thuận-48 phiếu chống tại Thượng viện hồi tuần trước, dự luật trên đã được chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump phê chuẩn.

Dự luật này đảo ngược quy định của Ủy ban Truyền thông Liên bang yêu cầu các nhà mạng hỏi ý kiến khách hàng trước khi sử dụng thông tin cá nhân của họ cho mục đích quảng cáo hoặc tiếp thị.

Ủy ban Truyền thông Liên bang thông qua quyết định này hồi năm ngoái dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông Dallas Harris, chuyên gia của nhóm hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng Public Knowledge, chỉ trích quyết định của giới lập pháp Mỹ đã "tước bỏ sự bảo vệ quyền riêng tư trên mạng của người Mỹ."

Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cũng phản đối động thái của Quốc hội và nhấn mạnh người dân Mỹ không nên bị ép buộc phải hy sinh quyền riêng tư khi sử dụng Internet.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng quy định của Ủy ban Truyền thông Liên bang đặt ra những giới hạn không cần thiết đối với các nhà mạng trong khi đã có luật bảo vệ người tiêu dùng và chống lừa đảo. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Greg Walden nhận định dự luật mới sẽ bỏ đi "những quy tắc thiển cận" vốn chỉ nhắm vào các nhà cung cấp Internet trong khi không tính đến những hãng công nghệ lớn như Google hay Facebook.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump ủng hộ quyết định của lưỡng viện Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục