Tối 4/12 (giờ địa phương), các nghị sỹ Quốc hội Pháp đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức và chính phủ của ông sụp đổ.
Tổng cộng có 331 nghị sỹ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả NFP và đảng cực hữu RN, đã bỏ phiếu ủng hộ, vượt qua mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực.
Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier giờ đây cần phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận.
Trước cuộc bỏ phiếu, ông Barnier đã bảo vệ quyết định của mình trong việc thông qua ngân sách an sinh xã hội năm 2025, nhấn mạnh rằng: "Tôi đã đưa ra quyết định này sau khi đã thể hiện tinh thần lắng nghe, tôn trọng và đối thoại, điều này đã giúp chính phủ cải thiện văn bản của mình hàng ngày về nhiều điểm quan trọng."
Ông cũng chỉ ra rằng Pháp đang rơi vào một tình trạng thâm hụt lớn: "Thực tế này vẫn tồn tại, nó sẽ không biến mất bởi phép màu của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm."
Thủ tướng Barnier đã trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.
Ngay sau khi có thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, cựu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen cho biết bà không coi cuộc bỏ phiếu này là một "chiến thắng."
Bà nói với truyền hình Pháp TF1 rằng: "Lựa chọn mà chúng tôi đã đưa ra là để bảo vệ người Pháp," và khẳng định rằng không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp này./.
Chính phủ Pháp tìm cách để dự thảo ngân sách vượt ải Quốc hội
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp khẳng định sẵn sàng nhượng bộ nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay, mặc dù vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt giữa các đảng chính trị.