Quốc tế phản ứng trước kết quả tổng tuyển cử tại Hy Lạp

Thủ tướng Đức hy vọng chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thực hiện cam kết với các chủ nợ quốc tế; trong khi Thủ tướng Phần Lan nhấn mạnh sẵn sàng thảo luận các điều khoản và gia hạn nợ cho Athens.
Lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras tại Athens sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước việc đảng cảnh tả theo đường lối cấp tiến Syriza giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hy Lạp cuối tuần qua, có thể tác động đến tiến trình thực thi chính sách khắc khổ ở châu Âu, chính giới châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên.

Ngày 26/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thực hiện những cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel nêu rõ theo quan điểm của Berlin rằng điều quan trọng là chính phủ mới tại Athens phải thực hiện các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế. Điều này có nghĩa Hy Lạp cần bám sát vào những cam kết trước đây.

Berlin cũng tuyên bố Đức mong muốn được hợp tác cùng chính phủ mới của Hy Lạp trong khi sẽ xem xét thận trọng những chính sách, kế hoạch cũng như quá trình thực hiện các cam kết của Athen trong tương lai.

Cùng trong Liên minh châu Âu, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb khẳng định nước ông sẽ phản đối đề xuất xóa một phần nợ cho Hy Lạp, song nhấn mạnh Helsinki sẵn sàng thảo luận các điều khoản và gia hạn nợ cho Athens.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Cyprus nêu rõ sẽ theo dõi sát những diễn biến tại Hy Lạp sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, đồng thời mong chờ chuyến thăm của lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras, người sẽ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp, để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện chúc mừng chiến thắng của đảng Syriza. Bày tỏ mong muốn tăng cường song phương với chính phủ mới của Hy Lạp, Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng tới đảng cánh tả Syriza. Mỹ chúc mừng người dân Hy Lạp đã thực hiện thành công cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn đồng thời hy vọng chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới.

Đảng chiến thắng Syriza đang xúc tiến tiến trình thành lập chính phủ liên hiệp với một chính đảng nhỏ có chân trong quốc hội. Dự kiến lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp của lãnh đạo đảng Syriza Tsipras sẽ diễn ra lúc 21 giờ ngày 26/1 (giờ Việt Nam).

Ngay khi được xác nhận thắng cử, đảng Syriza đã kịp đưa ra những tuyên bố khiến cả Liên minh châu Âu (EU) phải lo ngại. Lãnh đạo Syriza Tsipras tuyên bố, kể từ ngày 26/1, Hy Lạp ngừng chính sách thắt lưng buộc bụng mà đất nước thi hành năm năm qua theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy chương trình cứu trợ kinh tế; đồng thời, Athens sẽ đưa ra kế hoạch cải cách, đầu tư và khôi phục kinh tế của riêng mình. Ông Tsipras cũng cam kết kế hoạch trên sẽ không dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước.

Người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế của Syriza cho biết, trong trường hợp đảng này lên nắm quyền, các chương trình hợp tác với Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn gọi là Eurogroup, sẽ phải chấm dứt.

Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn “sống” nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và EU). Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" rất nghiêm ngặt.

Những kế hoạch khắc khổ này đang khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp trở nên khó khăn và rất có thể kết quả bầu cử trên là "sự trừng phạt" đối với chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras, để đưa ông Tsipras - lãnh tụ của đảng cánh tả Syriza, lên cầm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục