Quốc vương Jordan hủy chuyến thăm Romania vì vấn đề Jerusalem

Quốc vương Jordan Abdullah II đã hủy chuyến thăm Romania sau khi Romania cam kết chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.
Quang cảnh Jerusalem. (Nguồn: In-Cyprus.com)

Quốc vương Jordan Abdullah II đã hủy chuyến thăm Romania ngày 25/3, sau khi Thủ tướng Romania Viorica Dăncilă trong chuyến thăm Mỹ một ngày trước đó đã cam kết chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.

Trong một tuyên bố, Hoàng gia Jordan nêu rõ Quốc vương Abdullah đã quyết định hủy chuyến thăm Romania dự kiến bắt đầu vào ngày 25/3, để "thể hiện tình đoàn kết với Jerusalem" sau tuyên bố của Thủ tướng Dăncilă. 

Trước đó, ngày 24/3, phát biểu tại Ủy ban Công vụ Israel ở Mỹ (AIPAC) - một tổ chức vận động hành lang thân Do Thái, nhà lãnh đạo Romania, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố: "Tôi, trên cương vị Thủ tướng của Romania và Chính phủ mà tôi điều hành, sẽ chuyển Đại sứ quán của chúng tôi tới Jerusalem, thủ đô của Nhà nước Israel."

Tuyên bố của bà Dăncilă thể hiện tách khỏi lập trường của EU vốn xác định Đông Jerusalem là vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng.

[Romania thông báo sẽ chuyển Đại sứ quán tại Israel về Jerusalem]

Jordani hiện là nước quản lý các thánh địa Hồi giáo tại Jerusalem. Quốc vương Abdullah đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề Jerusalem đóng vai trò then chốt trong việc đạt được hòa bình giữa Israel và Palestines.

Theo ông, cách duy nhất để đạt được hòa bình là thành lập một nhà nước Palestine ở Jeruralem bên cạnh Israel.

Tuần trước, ông đã gọi Jerusalem là "giới hạn đỏ" đối với Jordan trong khi Quốc hội Jordan đề nghị chính phủ trục xuất đại sứ Israel tại nước này để phản đối "sự hiếu chiến của Israel" tại các thánh địa ở thành phố này.

Ngoài Ai Cập, Jordan là nước Arab duy nhất có thỏa thuận hòa bình với Israel. Tuy nhiên, thỏa thuận này vấp phải sự phản đối của đông người dân Jordan, trong đó hơn một nửa là người gốc Palestine.

Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Israel chiếm giữ khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel.

Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái này của Israel, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Tháng 5/2018, Mỹ đã chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine và cả thế giới Arab, thậm chí cả các nước đồng minh phương Tây của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục